1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. Cháy nhà trọ 14 người chết

Đừng để dân hoài nghi hiệu quả chống tham nhũng!

(Dân trí) - Thẳng thắn, tâm huyết, Đại tá Lê Thanh Bình, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho rằng ông sẽ chất vấn đến tận gốc các vấn đề “nóng” như nguyên Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến trắng án, Bí thư tỉnh ủy Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nộp lại tiền hối lộ...

Theo Đại tá Lê Thanh Bình, người dân hoàn toàn có thể chia sẻ được với Chính phủ trong cảnh bối cảnh lạm phát nghiêm trọng như hiện nay, nhưng cái chính là họ phải có được niềm tin. Ông Bình đã có cuộc trao đổi với Dân trí chiều 8/5.

Tôi đã bị mắng là “nghị gật”!

Là đại biểu Quốc hội khóa XII, Đại tá Lê Thanh Bình ra Hà Nội họp lần này với rất nhiều trăn trở và lo lắng. Ông cũng không ngần ngại khi kể rằng mình đã từng bị cử tri “mắng” là “nghị gật” vì họ cho rằng ông không dám nói, không dám truyền tải những tâm tư và nguyện vọng của họ.

“Nghị gật” - một từ rất ấn tượng và nhạy cảm. Vì sao cử tri lại nặng lời với ông như vậy?

Khi tiếp xúc cử tri, nhiều người có bức xúc kể với chúng tôi rằng giá cả đang leo thang quá, đi chợ thấy tăng từng giờ và họ yêu cầu phải chất vấn Chính phủ về tình trạng đó.

Ngay từ kỳ họp cuối năm 2007, đại biểu cũng đã phản ánh những ý kiến này, nhưng Chính phủ vẫn khẳng định kiểm soát được, vẫn đảm bảo con số lạm phát dưới 2 con số... Vì thế nên chúng tôi cùng tham gia biểu quyết.

Về đến nhà thấy giá tăng vù vù, cử tri ào ào chất vấn chúng tôi: Tại sao lại như thế, chúng tôi bầu chọn các anh như vậy mà ra ngoài đó có dám nói gì đâu. Các anh không làm được gì cả!

Cử tri nào mà “cả gan” mắng ông như vậy và cảm giác của ông khi đó là thế nào?

Cử tri Thủ Đức, quận 9, họ gặp và nói thẳng. Bản thân tôi khi đó thấy rất buồn và thấy rất có lỗi. Mặc dù có phải mình không phản ánh đâu mà chỉ vì sự phản ánh của mình không được tiếp thu, sửa đổi.

Một đại biểu biến thành “nghị gật” thực sự, theo ông là khi nào?

Đã là đại biểu Quốc hội thì phải nói được tiếng nói của cử tri và phải tạo được cho họ niềm tin. Trước khi tham gia Quốc hội, tôi vẫn biết là một đại biểu thực sự thì rất khó. Khi tham gia được 2 khóa rồi thì càng thấy quá khó, nếu làm thì phải làm thực sự chứ không phải để làm chơi...

Đừng để dân hoài nghi hiệu quả chống tham nhũng! - 1

Đại biểu Quốc hội phải nói được tiếng nói của cử tri

Chính phủ phải chống tham nhũng quyết liệt hơn!

Và nỗi ưu tư nhất của ông khi đến Quốc hội lần này là gì?

Sự nhìn thẳng vào sự thật của quan chức Chính phủ. Họ không thể để một mình Thủ tướng chịu nhận hết khuyết điểm về phần mình, trong khi các Bộ trưởng, người làm cụ thể thì lại luôn trả lời nước đôi.

Các giải pháp của Thủ tướng đề ra trong tình hình tới là rất đúng, nhưng với thái độ của các bộ trưởng như vậy thì có thực hiện được hay không là điều mà tôi rất lo lắng. Ở nhiều quốc gia, khi các quan chức hứa mà không làm được thì họ đều xin từ chức...

Trong khi đó, cử tri đang rất chờ đợi xem sắp tới tình hình sẽ thế nào, đời sống của họ liệu có khó khăn hơn không. Năm 2009 là năm còn nhiều biến động hơn khi nền kinh tế thế giới cũng đang khủng hoảng.

Khi người dân đang khốn khổ trong cảnh bão giá thì có những quan chức được nhận những món quà biếu lên đến hàng trăm triệu đồng. Cái nhìn của ông về nghịch cảnh này là thế nào?

Những việc như nhận rồi nộp lại số tiền hàng trăm triệu đồng là những việc rất lớn và hết sức nhậy cảm và chắc còn nhiều điều chưa được phát hiện.

Mặc dù Chính phủ có ra sức tiết kiệm dưới các hình thức như cấm hội hè, chùa chiền... nhưng những sự tiết kiệm ấy liệu có thấm vào đâu nếu như còn tồn tại tham nhũng?

Nghịch cảnh như vậy càng làm cho người dân tiếp tục hoài nghi chất lượng, hiệu quả chống tham nhũng. Ngoài quản lý kinh tế thì Chính phủ cũng phải chống tham nhũng quyết liệt hơn nữa!

Ngoài vấn đề lạm phát, tham nhũng, ông còn muốn nói thêm điều gì cho người dân trong kỳ họp này?

Tôi thấy thái độ tiếp dân của các cơ quan chức năng hiện nay chưa được mà cần phải tận tụy hơn và đừng quá cứng nhắc. Ví dụ như việc giải quyết đất đai khi đền bù.

Nếu chỉ nói theo kiểu “hành chính” và vô cảm như giá đất bao nhiêu, đất vườn bao nhiêu trong khi đó là mảnh đất cha ông, mảnh đất mà họ đã gắn bó cả tuổi thơ... thì họ đâu có hiểu và thông cảm được.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lê Châu (thực hiện)