Diễn biến vụ án PMU18:
Dũng “con” khai các thủ đoạn moi tiền dự án
Từng có hành vi tẩu tán tài liệu, bất hợp tác với CQĐT và hết sức ngoan cố trong những ngày đầu vào trại, thế nhưng thời gian gần đây Phạm Tiến Dũng (Dũng “con” - Trưởng phòng kế hoạch của PMU18) đã bắt đầu khai nhận những thủ đoạn rút tiền nhà nước, moi tiền các nhà thầu…
Dũng “con” giàu không kém Dũng “tổng”
Trong những ngày đầu vào trại, Phạm Tiến Dũng (Dũng "con") tỏ ra khá ngoan cố, hết sức cẩn thận khi hỏi lại các điều tra viên từng dòng chữ, từng dấu chấm phẩy trước khi ký vào biên bản ghi lời khai, bởi đã được "tư vấn" về thủ tục tố tụng, về việc lời khai của mình sẽ được lấy làm bằng chứng trước tòa.
Thế nhưng thời gian gần đây, Phạm Tiến Dũng lại là người có thái độ khai báo thành khẩn nhất. Phạm Tiến Dũng đã chủ động khai chi tiết, tỉ mỉ về những phi vụ "đi đêm" trong các dự án trị giá hàng triệu USD.
Từ những lời khai của Dũng "con" và tài liệu điều tra thu thập được cho thấy, Dũng "con" cũng giàu có không kém gì "đàn anh" Dũng "tổng". Phụ trách phòng kế hoạch, là nơi đề xuất lên Dũng "tổng" những dự án chi tiết, những hồ sơ mời thầu, lại được Dũng "tổng" ưu ái nên Dũng "con" đã kiếm chác không ít từ các chủ thầu xây dựng.
Nhưng khác với Dũng "tổng" lao vào cờ bạc, gái đẹp và biếu xén các quan chức, Dũng "con" ít ăn chơi hơn vì bị bệnh hen.
Ngay khi Dũng "tổng" có dấu hiệu "lâm nạn", Dũng "con" đã vác ngay 50.000 USD đến cho đàn anh chi dùng vào việc chạy án. Một nguồn tin tố giác rằng Dũng "con" có hàng triệu USD tại các ngân hàng nước ngoài, hàng chục bất động sản trên khắp các khu du lịch nổi tiếng cả nước (CQĐT đã xác minh khu đất tại Chí Linh, Hải Dương là của Phạm Tiến Dũng nhưng đứng tên bố là Phạm Văn Thịnh).
Những thông tin nói trên vẫn còn được CQĐT tiếp tục điều tra làm rõ. Tuy nhiên, có một thực tế là riêng ngôi nhà Dũng "con" ở cũng đã khẳng định sự giàu có của ông ta. Một người có quan hệ khá thân với gia đình Phạm Tiến Dũng kể: vật liệu làm nhà toàn hàng "độc" nhập khẩu, có cả những súc gỗ lớn được chở từ Lào sang. Khi khám xét nhà của Phạm Tiến Dũng, một cán bộ công an còn nói với PV báo chí: "Có những thiết bị lạ mắt đến nỗi mình chẳng biết nó là cái gì, điều khiển ra sao".
Xác minh mối quan hệ của Tôn Anh Dũng với một số quan chức
Trong khi đó, tại trại tạm giam của Bộ Công an, nguyên Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến vẫn tỏ thái độ bất hợp tác. Trước 2-3 điều tra viên, ông Tiến vẫn hết sức bình tĩnh, trả lời rành mạch từng câu hỏi và luôn đổ tại hoàn cảnh khách quan hoặc cơ chế mà không chịu nhận trách nhiệm về mình.
Ông Tiến còn kể công mình đã tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng của Nhà nước khi đốc thúc tiến độ thi công và rút ngắn thời gian hoàn thành các công trình. Khi các điều tra viên đưa ra chứng cứ như hóa đơn chứng từ, các tấm ảnh và lời khai của nhân chứng khác, ông thứ trưởng mới chịu nhận một phần lỗi về mình.
Được biết, những người đang đứng tên tài sản được cho là của Dũng "tổng", Dũng "con", hay của ông Nguyễn Việt Tiến đều có thái độ bất hợp tác với CQĐT bởi họ biết rằng nếu khai ra, có thể họ sẽ bị tịch thu tài sản.
Một vị lãnh đạo cơ quan điều tra cho biết: "CQĐT sẽ có nhiều cách để chứng minh những khối tài sản do phạm tội mà có của các cán bộ PMU 18 đã bị bắt. Ban đầu, CQĐT vẫn đang đề nghị sự hợp tác tự nguyện và thành khẩn của những người đang đứng tên sở hữu tài sản của các đại gia này. Tuy nhiên, nếu họ không thành khẩn khai ra, CQĐT sẽ có biện pháp nghiệp vụ chứng minh và khi ấy, có thể những người bao che cho tham nhũng, không hợp tác với CQĐT sẽ bị xử lý với tội danh không tố giác tội phạm".
Cũng theo cán bộ lãnh đạo này, CQĐT đang tập trung vào hướng làm rõ hành vi tham nhũng, đưa và nhận hối lộ của các sếp PMU 18 đã bị khởi tố. Việc tìm ra được những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng này trong việc kiếm chác từ tiền dự án, o bế các nhà thầu... sẽ giúp thu hồi số tiền lớn cho ngân sách nhà nước, khắc phục được những lỗ hổng trong quản lý xây dựng cơ bản, quản lý vốn ODA... và tổng kết được những bài học sâu sắc về quản lý vốn, quản lý cán bộ và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật.
Riêng "bậc thầy chạy án miền Trung" Tôn Anh Dũng (Dũng "Huế") trong những ngày đầu nhập trại đã khai báo "thành khẩn" nhưng thực ra, đó chỉ là những chi tiết vu vơ, vô thưởng vô phạt.
Tuy nhiên, khi biết tin các VIP đã bị "sờ gáy" thì Dũng "Huế" thực sự bị sốc. Có những khi vào lấy lời khai, các điều tra viên còn mang cho Dũng "Huế" một số tờ báo viết về diễn tiến vụ PMU 18 để Dũng nắm thông tin. Đọc chi tiết về chiếc cặp ở nhà nghỉ Kim Chi, Dũng "Huế" hết sức bất ngờ và đã suy sụp. Sau đó, bị can này khai báo thành khẩn hơn.
Nguồn tin từ Huế cho biết, Dũng "Huế" không chỉ là Giám đốc Công ty Thái Bình Dương ở Huế mà đã từng làm phó tổng giám đốc một công ty bất động sản có "thương hiệu". Dũng "Huế" bị tố cáo là từng lợi dụng danh nghĩa phó tổng giám đốc để đóng dấu vào hồ sơ giải tỏa, san lấp mặt bằng tại một huyện của Huế trong khi trên thực tế Dũng đã mang hợp đồng này về cho Công ty Thái Bình Dương của mình làm.
Khi vụ việc vỡ lở thì tổng công ty mà Dũng làm phó tổng giám đốc mới biết là đã bị Dũng lừa. Hiện CQĐT đang xác minh vụ việc này và cả những mối quan hệ của Tôn Anh Dũng với một số cán bộ cấp tỉnh ở một số địa phương trong cả nước.
Theo Nguyễn Bình - Thanh Phong
Báo Thanh niên