1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vườn Quốc gia Cư Yang Sin - Đắk Lắk:

Dùng chó săn “thảm sát” thú rừng

Thay vì dùng súng hay đặt bẫy để săn thú, vài năm trở lại đây, lâm tặc lại sử dụng chó để săn thú rừng. Kiểu săn thú này tỏ ra hết sức lợi hại, được sử dụng ngày càng nhiều ở Vườn Quốc gia Cư Yang Sin.

Kiểu săn tận diệt

 

Ông Tô Văn Dương, cán bộ pháp chế Vườn Quốc gia Cư Yang Sin kể: Cách đây không lâu, đoàn công tác của Vườn trong một lần đi tuần tra tại tiểu khu 1379 xã Bông Krang, huyện Lak đã phát hiện một nhóm lâm tặc đang dùng 3 con chó đi săn thú. Bị phát hiện, nhóm lâm tặc tháo chạy, bỏ lại bầy chó và một bao tải đựng thú rừng. Khi mở bao, đoàn phát hiện có một con heo rừng đã bị lâm tặc làm thịt, ở cổ và mông con vật đều có vết chó cắn. Đội tuần tra đã dùng súng cao su bắn và bắt được 1 con chó, 2 con còn lại chạy thoát.

 

Ông Lương Vĩnh Linh, giám đốc Vườn Quốc gia cho biết: giống chó mà các đối tượng lâm tặc sử dụng để săn thú rừng là loại chó của người Mông, có thân hình và trọng lượng tương đối nhỏ, không khác gì mấy so với chó nhà, nhưng chúng tỏ ra lợi hại hơn rất nhiều và đặc biệt rất có giá trị. Một con chó con mới tách mẹ đã có giá khoảng 500.000 - 600.000 đồng, khi trưởng thành và được huấn luyện các kỹ năng săn bắt thú, giá một con có thể lên tới cả chục triệu đồng.

 

Đặc tính của chó săn là có tính bầy đàn rất lớn, vì thế, khi đi săn, lâm tặc thường mang theo ít nhất từ 2 đến 3 con. Khi gặp con mồi lũ chó chia ra làm nhiều hướng để bao vây, thú rừng khó có thể chạy thoát. Các loài thú sống trong hang hốc như nhím, chồn, dúi… khi bị chó săn phát hiện thì chúng sẽ sủa vang đến đinh tai nhức óc; các con thú vì thế mà sợ hãi và tự chui ra khỏi hang, và bị lâm tặc bắt sống. Nhiều con thú lớn như nai, hoẵng, mang, heo rừng khi bị đám chó săn phát hiện cũng sẽ bị truy đuổi đến cùng. Những loài thú sống trên cây như khỉ, voọc cũng sẽ bị bầy chó phục dưới gốc cây và sủa liên tục để gọi chủ đến dùng súng săn bắn hạ con mồi.

 

Theo ông Linh, việc dùng chó để săn thú có lợi thế là lâm tặc thường bắt được thú rừng sống và bán được giá cao. Vì vậy, nên việc lâm tặc sử dụng chó để săn thú ngày càng nhiều, đặt các loài thú rừng ở Cư Yang Sin vào tình trạng báo động.

 

Dùng chó săn “thảm sát” thú rừng  - 1

Chó săn của người Mông được lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Cư Yang Sin bắt giữ.

 

Khó phát hiện, xử lý

 

Ông Tô Văn Dương cho biết: chỉ riêng trong năm 2010, lực lượng kiểm lâm của vườn đã tháo gỡ trên 4.000 chiếc bẫy, thu gần 20 khẩu súng kíp, và chặn bắt nhiều vụ vận chuyển động vật hoang dã trái phép; đặc biệt đã bắn chết và bắt sống được 20 con chó chuyên dùng săn thú rừng,…

 

Theo ông Dương, việc truy quét bọn lâm tặc dùng chó săn vào rừng săn thú hiện nay rất khó khăn, bởi thủ đoạn ngày càng tinh vi. Khi mang chó săn vào rừng, lâm tặc thường thả rông chó để chúng lùng sục con mồi. Khi lực lượng kiểm lâm đi tuần tra, truy quét, dù đang ở rất xa, chúng đã phát hiện và sủa vang, đánh động để bọn lâm tặc biết để tẩu thoát.

 

Việc ngăn chặn, bắt giữ lâm tặc vận chuyển chó vào rừng cũng rất khó, vì chúng dùng nhiều thủ đoạn để qua mặt lực lượng chức năng, như thuê những người đi mua chó vận chuyển vào rừng, hoặc cho chó vào gùi rồi gùi như người lên nương. Bên cạnh đó, công cụ hỗ trợ trang bị cho lực lượng kiểm lâm của vườn hiện cũng rất thô sơ, mới chỉ có dùi cui cao su, bình xịt hơi cay cùng súng bắn cao su.

 

Theo anh Kiều Thế Tình, trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 4, xã Cư Drăm (Krông Bông): lực lượng tuần tra của trạm nhiều lần phát hiện lâm tặc dùng chó săn thú và đã tổ chức truy đuổi, nhưng thường thất bại, bởi lũ chó săn đánh động để lâm tặc chạy trốn, những con chó sau đó sẽ tự tìm đến chủ. Lực lượng kiểm lâm khó vây bắt lũ chó bởi súng cao su thì chỉ bắn được khoảng 20-30m; trong khi chó thì luồn lách và lủi rất nhanh…

 

Vườn Quốc gia Cư Yang Sin có diện tích 59.531ha, trải dài từ địa bàn huyện Krông Bông đến huyện Lak (Đăk Lăk) và một phần tiếp giáp với Vườn Quốc gia Bi up - Núi Bà  (Lâm Đồng). Vườn có hệ động thực vật phong phú, là nơi sinh sống của nhiều loài động vật móng vuốt. Quanh Vườn có 9 xã tập trung rất đông đồng bào Mông từ các tỉnh phía Bắc di cư vào sinh sống. Người Mông có tập quán chuyên đi rừng, vì thế trong những năm qua tình trạng lâm tặc trà trộn vào rừng săn bắt thú diễn ra hết sức phức tạp.

 

Theo Đắk Lắk online