1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Đục bê tông, giải cứu hàng cây xanh bị "bóp nghẹt" ở TPHCM

Hoàng Hướng

(Dân trí) - Hàng cây xanh trên vỉa hè trước sân bay Tân Sơn Nhất, đoạn đường Trường Sơn nối với đường Trần Quốc Hoàn, đã được nhân viên cây xanh "giải thoát" khỏi lớp bê tông bịt kín gốc.

Ngày 6/8, sau phản ánh của báo Dân trí về hàng cây xanh ở TPHCM bị bóp nghẹt bởi những tấm đan bất động, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM đã cử nhân viên khắc phục, đục bê tông giải thoát hàng cây trước vỉa hè trên đường Trường Sơn, quận Tân Bình, TPHCM.

Đục bê tông, giải cứu hàng cây xanh bị bóp nghẹt ở TPHCM - 1

Qua rà soát, đơn vị quản lý đã cử nhân viên đục bê tông mở rộng khoảng trống quanh gốc cây (Ảnh: Hoàng Hướng).

Đại diện đơn vị này cho biết, các tấm đan che gốc cây xanh trên đường Trường Sơn không phải do công ty này thi công xây dựng, mà chỉ được giao quản lý.

Thời gian trước, hàng cây trên tuyến đường này dùng gạch số 8 để che gốc, đến khi dự án mở rộng đường Trường Sơn, đơn vị thi công đã triển khai xây dựng những tấm đan bê tông tự thấm như hiện tại.

Các cây xanh tại khu vực này là loại giáng hương lá lớn, cao 4-5m, đường kính gốc 30-40cm. Hiện có hơn 30 cây dọc tuyến đường được thiết kế tấm đan bê tông tự thấm.

"Trong quá trình sinh trưởng, cây lớn lên nên phần gốc cây bị bịt kín. Hai ngày nay bên công ty đã kiểm tra, rà soát, đục bê tông mở rộng khoảng trống quanh gốc cây", vị này nói.

Theo quan sát của phóng viên, sau khi đơn vị này thi công, đục bê tông giải thoát gốc cây, một số cây xanh sau thời gian dài bị bó kín biến dạng phần gốc, dễ xảy ra nguy cơ gãy đổ.

Đơn vị quản lý cho biết sẽ tiếp tục tuần tra, ghi nhận lại, nếu cây nào có khuyết tật sẽ đề xuất xử lý.

Đục bê tông, giải cứu hàng cây xanh bị bóp nghẹt ở TPHCM - 2

Một số cây xanh sau thời gian dài bó kín, phần gốc bị biến dạng, dễ xảy ra nguy cơ gãy đổ (Ảnh: Hoàng Hướng).

Trước đó, như Dân trí đưa tin, hàng cây trên vỉa hè trước sân bay Tân Sơn Nhất (đoạn đường Trường Sơn nối với đường Trần Quốc Hoàn) bị các tấm đan bê tông hình vuông khoảng 1m bịt kín gốc.

Vòng tròn, lỗ hút nước tại những tấm đan quá nhỏ, một số cây xanh phát triển đã bốc những tấm đan kênh lên so với mặt đường, một số tấm đan có hiện tượng nứt vỡ.

Anh Ngô Văn Long (43 tuổi, ngụ quận Tân Bình) cho biết, việc đặt các tấm đan bê tông bảo vệ gốc cây xanh, tạo mỹ quan đô thị là đúng.

Tuy nhiên, thiết kế tấm đan sao cho phù hợp, đơn vị quản lý cần xem xét, tính toán đường dài. Bởi chỉ một vài năm, cây xanh phát triển, tấm đan sẽ bị cây bốc lên hoặc cây sẽ bị tấm đan bóp nghẹt ở phần gốc, điều này khiến cây dễ bị ngã đổ khi mưa dông.

Đục bê tông, giải cứu hàng cây xanh bị bóp nghẹt ở TPHCM - 3

Trước lúc chưa đập bê tông, tấm đan bao quanh cây xanh ở đường Trường Sơn kênh lên so với mặt đường (Ảnh: Hoàng Hướng).

Không chỉ tuyến đường Trường Sơn, nhiều tuyến đường khác tại TPHCM cũng đang sử dụng kiểu tấm đan này. Một số khu vực, những tấm đan bị người dân tự ý thay thế, lát gạch men che kín gốc cây khiến cây xanh "nghẹt thở".

Trao đổi với phóng viên, KTS Nguyễn Đình Hòa, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị TPHCM, cho biết, những tấm đan trên hầu như vây kín gốc cây, đơn vị thi công có chừa một số lỗ nhỏ trên các tấm đan tuy nhiên giải pháp này chưa thực sự hiệu quả.

Lượng nước cây hấp thu được qua các lỗ này rất ít, thậm chí các lỗ trên dễ bị rác bụi che kín gây ách tắc dòng chảy. Ngoài ra, những tấm đan này dường như cố định, việc duy tu bảo dưỡng cũng khó khăn hơn.

Đục bê tông, giải cứu hàng cây xanh bị bóp nghẹt ở TPHCM - 4

Tấm đan bê tông được mở thoáng ra thêm, tuy nhiên vẫn gần như bo kín gốc cây trên đường Trường Sơn, quận Tân Bình (Ảnh: Hoàng Hướng).

Mục tiêu của trồng cây xanh đô thị bên cạnh tạo bóng mát, giảm khí thải độc hại còn có nhiệm vụ giữ ẩm cho không gian đô thị. Do đó, lắp đặt những tấm đan cần chú ý khoảng trống phù hợp để cây xanh có không gian phát triển, đồng thời cần điều chỉnh phù hợp để nước có thể ngấm xuống lòng đất dễ dàng.

"Cơ quan chức năng cần suy nghĩ đến việc thay đổi các tấm đan này, chừa khoảng trống đủ lớn để nước mưa có thể thấm xuống nuôi rễ cây. Có thể thay thế những tấm đan bê tông thành đặt gạch lỗ, vừa dễ dàng trong việc thi công, chi phí vừa phải, không gian của cây xanh cũng được thông thoáng hơn, nước cũng dễ dàng ngấm xuống lòng đất", ông Hòa nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm