1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM:

Đưa xe buýt đến gần người khuyết tật

(Dân trí) - Ngày 22/5, TPHCM đưa thêm 2 tuyến xe buýt có thang nâng cho người khuyết tật (NKT) vào sử dụng. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho một xã hội hòa nhập. Tuy nhiên, để xe buýt đến gần NKT hơn, vẫn còn nhiều việc cần làm.

Rất ý nghĩa!

 

Ngày 1/11/2006, Liên hiệp HTX Vận tải TPHCM đã đưa 4 chiếc xe buýt sàn thấp, có thang nâng xe lăn vào hoạt động. 4 chiếc xe này được chia đều cho hai tuyến: Chợ Lớn - Củ Chi (tuyến số 94), Chợ Lớn - Thủ Đức (tuyến số 6). Tuy nhiên, do số đầu xe ít nên cứ 2 tiếng mới có 1 chuyến xe buýt NKT có thể tiếp cận được trên 2 tuyến này. 

 

Ngày 22/5, công ty Xe khách Sài Gòn tiếp tục đưa 10 chiếc xe buýt có thang nâng xe lăn vào sử dụng trên 2 tuyến Sài Gòn - Chợ Bình Tây (tuyến số 1) và Ký túc xá Đại học Quốc gia - Bến xe Miền Tây (tuyến số 10). Do số xe nhiều nên giãn cách chuyến chỉ còn từ 30 phút đến 1 tiếng là có 1 chuyến xe dành cho NKT.

 

Ngoài ra, công ty Xe khách Sài Gòn còn kết hợp với trường ĐH Sư phạm TPHCM và Mái ấm Thiên Ân tiến hành thử nghiệm “Đề án hỗ trợ người khiếm thị đi xe buýt”. Theo đó, các xe buýt trên tuyến Đầm Sen - Bàu Cát (tuyến số 41) sẽ được trang bị một thiết bị điện tử. Khi người khiếm thị có thiết bị tương tự muốn đón xe, họ chỉ cần nhấn thiết bị này, xe buýt có gắn thiết bị đi sắp tới trạm nhận được tín hiệu sẽ dừng lại đón họ.

 

Nhờ thiết bị này, người khiếm thị hoàn toàn có thể tự mình đón xe buýt mà không cần sự hỗ trợ của người sáng mắt. Ngoài ra, Sở Giao thông Công chính TP đang có kế hoạch mở rộng hơn các tuyến xe buýt có thang nâng dành cho NKT. Đó là những tín hiệu đáng mừng cho hệ thống giao thông công cộng mà NKT có thể tiếp cận được.

 

Chị Liêu Thị Ngọc Hiếu, NKT đầu tiên thử đi xe buýt có thang nâng trong ngày ra mắt 22/5 vừa qua, cho biết: “Nếu có nhiều xe thế này thì rất tiện cho tụi mình. Dù hai tuyến này không trùng với đường mình đi làm, mình không sử dụng được nhưng mình vẫn vui vì nó giúp ích cho nhiều NKT khác”.

 

Chị Lưu Thị Ánh Loan - Chủ tịch hội Thanh niên khuyết tật TPHCM - tán đồng: “Mô hình này cần được mở rộng để phục vụ NKT tốt hơn, xóa bỏ bớt rào cản trong việc đi lại để NKT có thể ra đường nhiều hơn, làm việc và sinh hoạt, hòa nhập xã hội”.

 

Chị Võ Thị Hoàng Yến - Giám đốc chương trình Khuyết tật & Phát triển, ĐH Mở TPHCM - thì cho rằng: “Đây là một hoạt động rất có ý nghĩa. Khi hệ thống này hoàn thiện và phát triển rộng rãi, thuận tiện cho NKT đi lại thì họ sẽ đường nhiều hơn, làm việc tốt hơn, tự lực nuôi sống bản thân”.

 

Theo chị thì điều đó sẽ giúp xã hội dần nhìn nhận NKT như một phần tích cực của cộng đồng. Còn gia đình NKT sẽ dần nhìn thấy xã hội bên ngoài đang tiếp nhận NKT, tạo điều kiện cho NKT sống và làm việc, họ sẽ bớt đi tâm lý giữ rịt con cái trong nhà, bảo vệ con bằng cách cô lập con. Khi đó, NKT sẽ có điều kiện để phát triển hơn.

 

Nhưng…

 

Tuy vậy, cộng đồng NKT vẫn còn nhiều ý kiến muốn đóng góp để mô hình trong giai đoạn thử nghiệm này ngày càng tốt hơn. 

 

Đầu tiên là cách hỗ trợ NKT, khi xuống xe, tiếp viên xe buýt thường để NKT hướng mặt ra đường. Chị Hiếu cho biết: “Cơ bụng và hông NKT vận động rất yếu, làm vậy NKT có xu hướng ngã chúi về phía trước, rất nguy hiểm. Khi đưa NKT ngồi xe lăn lên hay xuống xe, nên để lưng họ quay về phía đường”.

 

Còn chị Ánh Loan thì cho rằng: “Khi tiếp viên muốn hỗ trợ NKT lên xuống xe buýt, nên hỏi NKT muốn hỗ trợ thế nào. Vì mỗi NKT có 1 dạng tật, mức độ tật khác nhau nên có cách hỗ trợ khác nhau”.

 

Chị cũng đề xuất ngành giao thông ngoài việc cải tạo xe buýt, còn phải cải tạo các trạm chờ. Vì hầu hết các trạm chờ hiện nay được thiết kế không có chỗ dành cho xe lăn đậu chờ và không có đường dẫn thuận tiện để lên thang nâng vào xe buýt.

 

Ngoài ra, thái độ tiếp viên cũng là vấn đề đáng bàn. Chị cho rằng: “Nếu làm việc này với tâm lý từ thiện thì sẽ dẫn đến việc tiếp viên vui thì làm, buồn thì bỏ”. Chị đề xuất nên cho NKT mua vé, có thể miễn giảm, nhưng phải lấy tiền tượng trưng.

 

Theo chị, việc này sẽ tạo cho NKT thói quen đóng góp cho xã hội, nhà xe có lấy tiền vé sẽ phục vụ tốt hơn, không bỏ khách là NKT. Số tiền nhà nước tiết kiệm được khi không hỗ trợ NKT đi xe buýt miễn phí sẽ dành để đầu tư cho các xe buýt có thang nâng.

 

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm