1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Đưa Vua Mèo về núi

Có một phương cách cai trị hữu hiệu của chính phủ Bảo hộ Phú Lãng Sa thuở ấy ở Đông Dương là chia để trị. Hào phóng cho cai trị xứ Thái Tây Bắc những Lai Châu, Sơn La mênh mang là Vua Thái Đèo Văn Long.

Tương tự bên Hà Giang và đạo Bảo Lạc là Vua Mèo Vương Chính Đức và sau là Vương Chí Sình rồi còn có cả Vua mèo Vương Trung Nhân. Bên mạn Lào Cai Mường Khương có Vua Tày Hoàng A Tưởng...Vua Mèo, gọi chính thức lẫn nôm như thế, sau này thuận miệng đâm quen. Vua Mèo đây là ai vậy?
 
Vương lão đồng chí và ông Đỗ Mười.
Vương lão đồng chí và ông Đỗ Mười.

Ông là Vương Quỳnh Sơn gọi Vua Mèo Vương Chính Đức là ông nội. Gọi Vua Mèo Vương Chí Sình (Vương Chí Thành) là chú ruột.

Vương Chí Thành nối được chí cha, bằng mặt nhưng không bằng lòng với chính thể thực dân bảo hộ nên đã tự nguyện hăng hái tham gia đội quân bí mật do ông nội và người chú lập ra nhằm để bảo vệ quê hương cao nguyên đá Đồng Văn. Đội quân đó là tiền thân của đội quân du kích sau này của huyện Đồng Văn được Việt Minh lãnh đạo từ tháng 3/1945 đến tháng 12/1946 đã làm nhiều việc đánh Pháp đuổi phỉ quấy nhiễu cao nguyên đá Đồng Văn. Anh thanh niên Vương Quỳnh Sơn đã được người chú ruột tin dùng vào nhiều việc.

Vua Mèo xuống núi là cả một việc trọng chỉ, Vương Chí Sình tham gia Khóa I và Khóa II - Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Xuống núi, Vương Chí Sình mang theo thằng cháu lanh lợi thông minh Vương Quỳnh Sơn. Chính Vương Quỳnh Sơn tận mắt chứng kiến buổi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm lễ kết nghĩa anh em với Vua Mèo Vương Chí Thành và chính Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay trao thanh gươm báu do Người viết hàng chữ: Tận Trung Báo Quốc/ Bất Thụ Nô Lệ cho người chú Vương Chí Thành (Nhiều tài liệu đề cập đến cái tên Vương Chí Thành cũng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt?).

Cũng chính Vua Mèo Vương Chí Sình ưng thuận gợi ý của Hồ Chí Minh gửi cháu Vương Quỳnh Sơn vào Trường sĩ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn.
 
Giản dị quan tài Vương lão đồng chí bằng một khúc pơmu.
Giản dị quan tài Vương lão đồng chí bằng một khúc pơmu.

Bền bỉ nhập cuộc với kháng chiến của Chính phủ Hồ Chí Minh theo lời dặn của ông chú Vua Mèo, thời điểm năm 1947, 1948 người ta thấy Vương Quỳnh Sơn chững chạc ở vị thế Bí thư Đoàn thanh niên huyện nhà Đồng Văn. Rồi cuối năm 1948 là Tiểu đoàn trưởng Bộ đội địa phương còn gọi là Trưởng D350 Khu 10. Rồi tiếp đó là Chi đội trưởng Liên quân Việt - Trung.

Đây là thời điểm lịch sử khá đặc biệt, Quân đội nhân dân Việt Nam thường xuyên phối hợp với Hồng quân Trung Hoa nhằm mục đích tiễu phỉ giữ yên một khu vực rộng lớn biên giới của cả hai nước. Bộ đội của Vương Quỳnh Sơn và cá nhân ông Vương đã để lại những tình cảm sâu đậm trong đồng bào các dân tộc dọc hai biên giới Việt - Trung nhất là người Mông đến tận bây giờ.

Hòa bình, ông Vương Quỳnh Sơn liên tục được giao những nhiệm vụ mới. Hết Trợ lý Quân Khu Việt Bắc rồi Ủy viên thường trực Khu Hành chính Lào Cai - Yên Bái còn gọi là Khu Hành chính Lào - Yên. Thời gian xảy ra việc bất ổn trên cao nguyên Đồng Văn, ông Vương Quỳnh Sơn còn được cấp trên giao cho những công việc đặc biệt. Bằng uy tín đại diện một dòng họ, ông đã không quản hiểm nguy có nhiều cách làm độc đáo sáng tạo góp phần xuất sắc làm bình ổn tình hình giữ vững an ninh trật tự ở một địa bàn phức tạp...

Hình như nước mình chưa ai có chẵn 30 năm ở ngôi vị Chuyên viên cao cấp ngoài lão Vương đồng chí? Từ năm 1971 đến năm 2000 Vương Quỳnh Sơn là Chuyên viên cao cấp Ủy ban Dân tộc Trung ương, nay là Ủy ban Dân tộc và Miền núi của Chính phủ.

Cũng vui là anh em ở Ủy ban dân tộc Trung ương sau này là Ủy ban Dân tộc và Miền núi hầu hết đều gọi ông bằng cái tên thân mật Vua Mèo, hoặc Vương lão đồng chí. Vua Mèo Vương Quỳnh Sơn tiếng là về hưu nhưng liên tục có những chuyến công tác dài ngày ở những vùng cao, vùng xa, vùng sâu. Bằng nhiệt tình cộng với cách làm năng động độc đáo sáng tạo, ông đã góp phần làm bình ổn tình hình ở những địa bàn nóng phức tạp về trật tự an ninh cũng như ở những nơi bọn xấu lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc. Bất kỳ đi đến đâu, ở địa bàn công tác nào, một thứ như là trời cho, ông lập tức trở thành người thân của bà con các dân tộc anh em.

Rất nhiều nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực dân tộc, miền núi hoặc xã hội học, các nhà văn, nhà báo đã tìm thấy, đã học hỏi, chia sẻ ở ông nhiều kiến thức kinh nghiệm. Nhà văn Tô Hoài vốn thân quý và nể Vương lão đồng chí. Lần đó, ông Chủ tịch Hội văn bút Hữu Thỉnh làm cái công văn kính đề nghị Ủy ban Dân tộc và Miền núi mượn Vua Mèo Vương Quỳnh Sơn đi với nhà văn cao niên Tô Hoài trong chuyến công tác lên cao nguyên đá Đồng Văn (trong đó có tác giả bài viết này). Mọi việc đã suôn sẻ, đùng cái cụ bà Tô Hoài ngại cụ chồng yếu không đồng ý cho đi. Vậy là chỉ mình tôi được lẽo đẽo theo Vương lão trong chuyến đi non một tháng qua điệp trùng cao nguyên đá Đồng Văn Mèo Vạc rồi Lũng Cú ấy.

Năm đã xa, 1993 tôi cũng có chuyến tháp tùng Vương lão đồng chí đi Hội chợ tam thất quốc tế tổ chức tại Châu Văn Sơn ở Quảng Tây. Có ở trong cuộc mới biết mới kiểm chứng được thịnh tình mà quan lẫn dân vùng biên ải Quảng Tây này dành cho Vua Mèo. Mối thâm giao ấy bền chặt từ những ngày bộ đội của Liên quân Việt - Trung Vương Quỳnh Sơn phối hợp với bạn chiến đấu giành dân...

Rồi một dịp thích hợp, cũng xin hầu bạn đọc những câu chuyện hơi bị lạ trong chuyến Vua Mèo đi Mỹ. Độc đáo nhất là chuyến ấy Vua Mèo Vương Quỳnh Sơn đã có cuộc gặp tình cờ với tướng phỉ Vàng Pao. Cũng chuyến ấy, Vương lão đồng chí đã nối kết tình thân với dòng họ Mèo Dương Trung Nhân hiện đang lưu lạc ở Mỹ và nước ngoài. Chuyện này thì dài lắm. Trước đây ở Đồng Văn Mèo Vạc có hai dòng họ Mông thế lực là họ Vương và họ Dương. Hai họ đã suýt mấy lần chạm súng do những xích mích từ thời thâm căn cố đế. Năm tháng trôi cùng bao biến thiên thời cuộc mối hiềm khích ấy vẫn dai dẳng. Vương lão đồng chí đã làm được cái việc hàn nối hai dòng họ Vương ấy!

Vua Mèo có những ngày cuối đời ở nhà công vụ Hoàng Cầu. Thi thoảng lui tới, tôi cũng quen với người con trai của Vua Mèo mà chắc cánh viết lách xứ mình đều biết. Đó là Vương Duy Bảo, một thời gian dài phụ trách nhà sáng tác Đại Lải.

Chắc Vương Duy Bảo thấm hơn ai hết nỗi đau câu tục ngữ Mông: Có bố mẹ than thân không ra nước mắt/ Mất bố mẹ khóc than đến chết ngất trong quá trình chăm sóc Vương lão từ lúc phát hiện ra bệnh K phổi cho đến lúc ông trút hơi thở cuối cùng. Bữa ông yếu mệt, qua Hoàng Cầu thoáng thấy nhiều yếu nhân đến thăm hỏi ông trong đó có ông Nông Đức Mạnh khi ấy là Tổng Bí thư. Vương Duy Bảo cho tôi biết sẽ tạm để ông ở Hà Nội. Khi sang cát (bốc mộ) sẽ đưa Vua Mèo về Sà Phìn, Đồng Văn.
 
Một góc Lễ ma khô.
Một góc Lễ ma khô.

Thấm thoát mà ngày làm ma khô cho Vua Mèo đã đến. Qua Vương Duy Bảo (bây giờ ta gọi là Vua Mèo hay là Vương con nhỉ?) tôi được biết, hay tin ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chỉ thị cho bà Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng và ông Giàng Seo Phử, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Miền núi phối hợp với gia đình tổ chức chu đáo việc đưa Vương lão đồng chí về Sà Phìn, Đồng Văn.

2 giờ sáng, việc cất bốc xong. Hài cốt Vua Mèo đã được đưa vào tiểu sành. Ngày xưa chàng trai Vương Quỳnh Sơn theo Vua Mèo Vương Chí Sình xuống núi bằng ngựa ròng rã hàng mấy ngày đường. Nay ông về núi về với bản Sà Phìn cũng đường ấy bằng ôtô vèo vèo qua Cổng Trời Quản Bạ Yên Minh rồi ngược Đồng Văn.

Một khúc gỗ pơmu trong số cây pơmu ven dinh thự đá Sà Phìn đã được khéo léo chế thành cái áo quan trước đó.

Từ tiểu sành, Vua Mèo được nâng niu một cách khéo léo sang lòng cây pơmu xếp thành hình người. Và quần áo cẩn thận.

Bắt đầu những thủ tục ma khô cho Vua Mèo theo phong tục người Mông. Biên ra thì dài nhưng đại để, đám ma khô có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Mông. Làm ma khô (thả hồn người chết) thì người chết sẽ được hóa kiếp và hòa nhập được với tổ tiên.

Người Mông không có ngày giỗ? Lễ thả vía là lễ cuối cùng của người sống cúng cho người chết, tiễn hồn người chết vĩnh viễn về với tổ tiên. Khi làm ma khô xong đồng nghĩa với việc trong bữa cơm sẽ không gọi người chết ăn nữa. Vì vậy, các nghi thức trong đám ma khô luôn phải đầy đủ, cẩn trọng. Thời gian đám ma khô phụ thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình mà quyết định ngày, giờ làm.

Chẳng hay có những sáng tạo linh động này khác? Nhưng tôi chắc ông trưởng nam Vua Mèo Vương Duy Bảo đã thực hiện rất cẩn trọng các thủ tục. Có cụ thầy cúng người Sà Phìn trực tiếp hành lễ suốt 3 ngày 2 đêm trong đó quan trọng nhất là lễ thả vía.

Khách huyện khách tỉnh Trung ương về cả. Khu chợ thênh thang trước dinh thự đá Sà Phìn ôtô đậu kín. Người đi lại tấp nập đông hơn cả phiên chợ. Khói thui bò phảng phất thơm. Mấy con bò này Trung ương gửi về làm ma cho ông Sơn đấy, người Mông Sà Phìn nói với khách.

Kính cẩn đặt tay lên nắp quan tài, một cảm giác nao nao truyền qua thớ gỗ mộc sù sì. Vương lão đồng chí ơi, mới ngày nào chỗ này đây, ngồi chuyện với nhau, bao nhiêu những cảm khái thân ái...

Các can rượu ngô cao nguyên đá được dốc hết lòng...

Ai cũng được ăn thịt uống rượu. Âm sắc Mông râm ran đủ mọi cung bậc. Không có kiểu ơ hờ thảm thiết như vùng xuôi. Có lẽ tuổi quá bát tuần về với ông bà tổ tiên cũng là hợp nhẽ Giàng? Vương lão đồng chí sẽ nằm kia trong khu mộ trước dinh thự đá bên cạnh các cụ Vương Chính Đức, Vương Chí Sình. Thể xác linh hồn sẽ hòa nhập với tổ tiên theo cái lẽ thả vía vừa người Mông ta!
 
Theo An ninh thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm