1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển

(Dân trí) - “Phải phấn đấu để đưa biển trở thành ngành kinh tế quan trọng, nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển”- Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm phát biểu trong hội nghị triển khai đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lí tài nguyên môi trường biển vừa diễn ra sáng nay, 16/8.

Tại hội nghị, bên cạnh việc nhấn mạnh đến những lợi thế lớn lao do biển đem lại (nguồn lợi trực tiếp từ biển chiếm 12% GDP, 50% giá trị xuất khẩu), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, ông Mai Ái Trực đã phân tích thẳng thắn những tồn tại lớn của chúng ta trong việc khai thác những lợi thế trên.

 

Cụ thể, công tác điều tra cơ bản về biển còn chồng chéo, manh mún, phân tán gây nên tình trạng: kết quả điều tra lớn nhưng dữ liệu quốc gia lại chưa có; sử dụng kết quả điều tra còn hạn chế, nhiều kết quả chưa được phân tích sử dụng, không ít kết quả điều tra bị cất vào kho hoặc biến thành tài sản cá nhân… Theo ông Trực, đây là nhược điểm lớn nhất của hiện tại và cũng là thách thức của chúng ta trong tương lai.

 

Về thể chế, chúng ta có tới 219 văn bản pháp lí đề cập đến biển nhưng trừ luật Thuỷ sản và luật Hàng hải, nói chung trong các văn bản đó, biển chỉ là một phần. Chính vì chưa có pháp luật chuyên về biển nên chưa có cơ quan bám sát, điều chỉnh được những vấn đề của biển, chẳng hạn vấn đề quản lí tài nguyên trên biển, bảo vệ môi trường trên biển…  

 

Việc tổ chức quản lí đã có phân công nhưng còn phân tán ở nhiều bộ. Theo ông Trực, trên thế giới đã có một số nước có bộ chuyên quản lí về biển, nhưng chúng ta chưa biết họ quản lí thế nào. Hơn nữa, ở ta nếu lập một bộ quản lí về biển cũng khó vì biển có liên quan đến nhiều ngành. Ông Trực đề cập tới hướng giao thêm một số trách nhiệm cho một bộ để bộ đó có thể quản lí tổng hợp.

 

Ông Trực cũng cho rằng, chúng ta chưa có chiến lược, qui hoạch, kế hoạch đúng mức về biển. Các qui hoạch đã có nhiều nhưng do thiếu nhạc trưởng, thiếu người khâu nối dẫn tới tình trạng có nhiều chỗ chồng chéo, nhiều chỗ lại bị bỏ sót… Việc đối phó với thiên tai như bão lũ, sóng thần… cũng tiếp tục đặt ra những thách thức trong chiến lược tổng thể về biển.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh, phải coi biển là mục tiêu chiến lược. Trong đề án về biển, khâu điều tra cơ bản phải là khâu đột phá, đi trước một bước, khắc phục tình trạng manh mún, thiếu đầu mối quản lí như hiện tại.

 

Mạnh Cường