1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đưa thông tin nhóm máu vào thẻ căn cước công dân?

(Dân trí) - Thảo luận tại hội trường Quốc hội, đại biểu Trịnh Thị Kim Chi (Phú Yên) kiến nghị đưa thông tin nhóm máu vào thẻ căn cước công dân. Như vậy trong trường hợp gặp tai nạn giao thông, những người cùng nhóm máu có thể giúp đỡ cho máu.

Chiều 28/10, thảo luận về dự thảo Luật Căn cước công dân, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam) cho rằng, việc cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi là không đảm bảo, bởi trẻ từ lúc sinh đến 14 tuổi hình dạng thay đổi liên tục. Đặc biệt, theo quy định của pháp luật người từ 14 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Vì vậy nên cấp thẻ căn cước công dân cho người từ 14 tuổi trở lên.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh chỉ cấp thẻ căn cước cho trẻ từ 14 tuổi trở lên.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh chỉ cấp thẻ căn cước cho trẻ từ 14 tuổi trở lên.

Cùng quan điểm, theo đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng), cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi là không hợp lý. Ví dụ như điều kiện về vân tay, nhận dạng không đáp ứng được yêu cầu chứng nhận căn cước. Có điểm trùng với giấy khai sinh. Do đó sẽ gây lãng phí lớn trong khi ngân sách đang còn khó khăn.

Đại biểu Trịnh Kim Chi (Phú Yên) cho rằng, việc vừa phải làm thẻ căn cước công dân vừa làm chứng minh nhân dân sẽ rất phiền hà. “Tại sao lại bỏ ra 650 tỉ đồng cấp căn cước của 20 triệu người chủ yếu để cất giữ?”, đại biểu Chi đặt câu hỏi.

Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) lại nêu quan điểm, việc cấp thẻ căn cước công dân cho người chưa đủ 14 tuổi là đảm bảo theo tinh thần của Hiến pháp 2013, không có sự phân biệt và giảm thủ tục hành chính. “Nhưng liệu khi ban hành luật này và tiến hành cấp thẻ căn cước thì có thay thế được giấy khai sinh hay không? Nếu không thay thế được thì xử lý thế nào, ai chịu trách nhiệm về việc này?”, đại biểu Niễn đặt vấn đề.

Đại biểu Niễn cho rằng, để cấp 21 triệu căn cước công dân sẽ tiêu tốn số tiền không nhỏ, nhưng giữa Luật Căn cước và Luật Hộ tịch vẫn đang có độ vênh. Bởi báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong dự án Luật Hộ tịch lại vẫn đồng ý cấp giấy khai sinh.

Trong khi đó đại biểu Phùng Khắc Đăng (Sơn La) thẳng thắn cho rằng nếu luật ban hành năm 2014 mà tới năm 2020 mới thực hiện thì cần tính toán kỹ các phương án, bởi chứng minh nhân dân vẫn đang thực hiện, việc kết nối các thông tin cũng chưa thể đáp ứng yêu cầu.

“Bài học chủ trương thay đổi chứng minh nhân dân theo công nghệ mới chỉ nghiêng thuận lợi về phía cơ quan nhà nước đã gây phản ứng của người dân. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là chuẩn bị chưa chu đáo nên gây tốn kém cho nhà nước và nhân dân trong việc cấp chứng minh nhân dân mới. Bây giờ lại bắt người dân thay đổi chứng minh nhân dân, gây tốn kém việc nộp phí và lệ phí. Tôi đề nghị miễn phí cấp chứng minh nhân dân mới, người dân chỉ phải trả phí và lệ phí khi xin cấp lại chứng minh nhân dân bị rách nát mà thôi”, đại biểu Đăng đề xuất.

Còn theo đại biểu Trịnh Thị Kim Chi (Phú Yên) nếu mỗi tỉnh đều có trung tâm cấp thẻ căn cước công dân là vô cùng tốn kém. Vì vậy chỉ cần đưa về 1 trung tâm tại Hà Nội là đủ. Như vậy sẽ tránh được cấp sai, cấp trùng, làm giả. Đại biểu cũng kiến nghị đưa thông tin nhóm máu vào trong thẻ căn cước công dân. Bởi hiện nay tình trạng tại nạn giao thông diễn ra rất nhiều. Do đó, cần đưa nhóm máu vào trong thẻ căn cước công dân để người khác thấy ai bị tại nạn giao thông mà có cùng nhóm máu với mình, trong trường hợp thiếu máu thì có thể cho máu.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) phản ánh, những giao dịch dân sự đã ký kết đều ghi thông tin số chứng minh nhân dân cũ. Do vậy, nếu không quy định rõ ràng ngay trong luật về việc giải quyết các trường hợp người dân thay đổi chứng minh nhân dân cũ 9 số sang căn cước công dân 12 số như thế nào thì sẽ gây ra rất nhiều bất cập khi người dân thực hiện các giao dịch liên quan tới ngân hàng, đất đai.

Hơn nữa, dự thảo luật chưa quy định chặt chẽ quyền khai thác cơ sở dữ liệu căn cước là không phù hợp. “Đây là quyền quan trọng, còn dự thảo lại sử dụng khá tự do thuật ngữ “khai thác”, “truy cập” sẽ dễ dẫn tới sự không minh bạch, bởi nhà nước làm gì phải dựa trên căn cứ quy định trước nếu không sẽ tùy tiện, kiểu thân quen thì cho, không thì thôi”, đại biểu Cường nói.

Quang Phong