Đưa tàu cao tốc thay thế tàu cánh ngầm chạy tuyến TPHCM - Vũng Tàu
(Dân trí) - Sau thời gian dài tàu cánh ngầm bị đình chỉ hoạt động (từ vụ tàu VinaExpress cháy trên sông Sài Gòn đầu năm 2014), các hãng tàu dự kiến sẽ đưa đội tàu cao tốc thân đôi vào hoạt động thay thế tàu cánh ngầm để đảm bảo nhu cầu đi lại của hành khách.
Ngày 20/1/2014, tàu cánh ngầm VinaExpress 01 của hãng VinaExpress xuất phát từ bến Bạch Đằng (quận 1, TPHCM) đi Vũng Tàu đã bất ngờ bốc cháy dữ dội trên sông Sài Gòn, đoạn gần cầu Phú Mỹ (quận 7). 83 hành khách đã phải lao xuống sông để trốn khỏi tàu cháy. Sự cố này đã gióng lên tiếng chuông báo động về tình trạng nguy hiểm của hoạt động chở khách bằng tàu cao tốc cánh ngầm được cảnh báo lâu nay.
Ngay sau sự cố này, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu đình chỉ hoạt động tất cả tàu cánh ngầm tuyến TPHCM – Vũng Tàu chờ kiểm tra. Sau nhiều tháng kiểm tra hoạt động của các phương tiện đang hoạt động trên tuyến, cuối tháng 4/2014, Bộ GTVT tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ dừng hoạt động các tàu cao tốc cánh ngầm chạy tuyến này vì có quá nhiều khiếm khuyết như tàu cũ, khai thác nhiều năm, hoạt động tần suất cao nên dễ xảy ra sự cố…
Theo Bộ GTVT, dù các khiếm khuyết trên nếu có khắc phục được thì cũng chỉ mang tính tạm thời, không ổn định và không đồng bộ. Bộ kiến nghị Thủ tướng xây dựng Nghị định về điều kiện kinh doanh với đối với loại hình vận tải hành khách bằng tàu cánh ngầm. Trong khi chưa có nghị định này thì thời điểm nào tàu cánh ngầm tuyến TPHCM – Vũng Tàu được phép hoạt động trở lại vẫn chưa xác định được.
Tuy nhiên, việc dừng hoạt động tàu cánh ngầm tuyến TPHCM – Vũng Tàu thời gian qua gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều người. Bởi tuyến vận tải này có nhiều ưu điểm hơn đường bộ là thời gian di chuyển ngắn (1 giờ so với 2 giờ khi đi bằng đường bộ), nhiều khách nước ngoài ưu chuộng… nên nhu cầu đi lại rất cao. Do đó, hiện các hãng khai thác tàu cánh ngầm tuyến này đang triển khai đưa tàu cao tốc vào phục vụ tuyến thay cho tàu cánh ngầm.
Ông Trần Song Hải, Giám đốc công ty Greenlines DP, cho biết sắp tới công ty sẽ đưa từ 3 -5 chiếc tàu cao tốc thân đôi được sản xuất trong nước vào chạy. Tất cả tàu từ 60 – 180 chỗ đều được trang bị hai động cơ MTU – ROLLS ROYCE nhập từ Đức, tiêu hao nhiên liệu ít, tốc độ mạnh, độ bền cao... Chất liệu vỏ tàu được làm bằng sợi Kevlar (nhập từ Mỹ) có ưu điểm cực nhẹ và bền. Theo chủ đầu tư thì giá mỗi chiếc giao động từ 1 – 1,3 triệu USD, tùy loại.
Đánh giá về độ an toàn của tàu cao tốc thân đôi, ông Phạm Ninh, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm 6, cho biết cơ quan này đã cấp đăng kiểm cho một tàu cao tốc thân đôi (loại 60 chỗ) của công ty Greenlines DP. Quá trình kiểm tra cho thấy chiếc tàu trên đáp ứng tốt các yêu cầu theo quy định.
Chia sẻ về kết quả vận hành thử, ông Trần Song Hải cho biết trong vòng 35 giây tăng tốc, tàu có thể đạt vận tốc 28 hải lý/giờ và dừng lại chỉ trong vòng 3 giây. Trường hợp tàu chở đủ hành khách, nếu chạy hết công suất thì có thể đạt tốc độ 38 hải lý/giờ. Ngoài ra, tàu hai thân có độ cản nước thấp và triệt tiêu được sóng phía đuôi nên chạy cực êm và không gây ảnh hưởng đến các tàu nhỏ chạy trên tuyến.
Cũng theo đại diện công ty này, tuy chưa có quy định cụ thể về giá vé nhưng nhà cung cấp dịch vụ cam kết sẽ không có sự chênh lệch nhiều so với giá các hãng tàu cánh ngầm hoạt động tuyến TPHCM – Vũng Tàu từng bán trước đây. Dự kiến, phía công ty sẽ đưa từ 3 – 5 chiếc vào hoạt động vào tháng 8 tới đây. Hàng tháng sẽ bổ sung một tàu để có đủ đội tàu cao tốc 5 chiếc loại 60 chỗ, 4 chiếc loại 80 chỗ và 3 chiếc từ 150 – 180 chỗ hoạt động thường xuyên. Hiện phía chủ đầu tư đang chạy đua với thời gian mong hoàn tất sớm nhất các điều kiện đảm bảo an toàn theo quy định để các phương tiện lần lượt được cấp phép.
Trả lời báo chí, ông Tất Thành Cang, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết đến nay Sở GTVT vẫn chưa trình UBND thành phố về việc công ty Greenlines DP đưa tàu cao tốc thân đôi vào khai thác tuyến TPHCM – Vũng Tàu. Tuy nhiên, chủ trương của thành phố là phải có đội tàu mới, đảm bảo an toàn tuyệt đối, tiện lợi cho hành khách để thay thế tàu cũ. Trong đó, khuyến khích và ưu tiên cho các hãng tàu cánh ngầm đã tham gia vận tải hành khách trên tuyến đường thủy này đầu tư phương tiện thay mới.
Quốc Anh - Tùng Nguyên