1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Đua nhau... rớt mạng!

Sau cuộc đua giá cước, bây giờ là lúc các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động đua nhau... rớt mạng. Là bởi, trong những cuộc đua tranh ấy, ít nghe nói đến yếu tố chất lượng dịch vụ - vốn là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Hạ tầng chạy theo... thuê bao

 

Theo ông Phạm Quang Hảo - Phó Giám đốc Cty dịch vụ viễn thông (GPC) -  chất lượng một mạng di động phụ thuộc chủ yếu vào 2 yếu tố: Năng lực tổng dung lượng thuê bao và chất lượng thu phát sóng vô tuyến. Một mạng được coi là an toàn khi số thuê bao hiện có đạt tới 3/4 tổng dung lượng thuê bao, nếu vượt quá là nguy hiểm. Còn các trạm thu phát sóng (BTS) thì không chỉ đếm theo số lượng mà "ăn nhau" là ở năng lực và chất lượng từng trạm.

 

VinaPhone - mạng ĐTDĐ đang chiếm tới 45% thị phần tại VN - được coi là mạng "chịu khó" đầu tư nhất cho hạ tầng viễn thông, nhưng dù nỗ lực mức cao nhất thì cuối năm nay cũng chỉ đạt tổng dung lượng 5,6 triệu thuê bao và khoảng 2.000 trạm BTS. Với tốc độ phát triển thuê bao khoảng 45% như 9 tháng qua thì hạ tầng này có thể đáp ứng (tuy vẫn xảy ra một số trục trặc cục bộ). Còn nếu xuất hiện cuộc bùng phát về thuê bao kiểu Viettel chắc cũng khó đảm bảo chất lượng.

 

Trong thực tế không phải mạng nào cũng đầu tư được như VinaPhone. Không ít mạng đã xài trên 80% năng lực tổng dung lượng. Có mạng nặng về số lượng nhưng lại nhẹ về chất lượng.

 

Tuy nhiên, cái đáng ngại nhất của tình trạng tụt hậu của đầu tư không phải do thiếu vốn mà là một số mạng quá mải mê chạy theo mục tiêu phát triển thuê bao mà coi nhẹ nâng cấp chất lượng. Họ đẩy khuyến mãi và giảm giá cước ồ ạt lên thành yếu tố chủ yếu để cạnh tranh. Cứ giá rẻ là thắng.

 

Như Viettel một tuần thu hút thêm được từ vài chục ngàn đến một trăm ngàn thuê bao mới. Các đối thủ khác cũng lo lắng và chạy theo. Và cứ thế, xu thế đấu nhau về giá vô hình trung đã đẩy yếu tố chất lượng trở thành thứ yếu. Ngay trong số đông người tiêu dùng cũng đã hình thành tâm lý cứ thấy giá rẻ là chấp nhận chứ chưa cần xét đến yếu tố chất lượng. Điều đó cho thấy số đông người tiêu dùng đang bị nhà cung cấp dịch vụ "gây mê" bằng làn sóng giảm cước, khuyến mãi.

 

Tiền nào, của nấy

 

Cơn mê nào thì cũng phải có lúc tỉnh, hiện đã có không ít "thượng đế" phải để tâm đến chất lượng cuộc gọi, thậm chí phản ứng gay gắt. Anh Nguyễn Thế Đông (2bis Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TPHCM) phản ánh: "Trước đây tôi thuê bao S-Fone, mỗi tháng phải trả 500-600 ngàn đồng cước phí, nhưng vì S-Fone phủ sóng chưa rộng nên khi đi công tác tỉnh là không sử dụng được. Nhiều người cứ trách móc vì sao gọi cho tôi mà tôi không trả lời. Nhưng kỳ thực những lúc ấy tôi chẳng nghe thấy tín hiệu cuộc gọi đến. Từ ngày chuyển sang Viettel cước phí sử dụng giảm gần một nửa nhờ giá rẻ. Tuy nhiên, gần đây mạng này liên tục xảy ra tình trạng nghẽn mạch, rớt sóng. Đặc biệt là không thể dùng chức năng "reply" tin nhắn, phải thao tác lại từ đầu rất mất công".

 

Còn anh Võ Đỗ Thắng (26/4/1 Trường Chinh, quận Tân Bình, TPHCM) tỏ ra am hiểu hơn: "Theo tôi, việc đẩy mạnh khuyến mãi trong hoàn cảnh hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện là một con dao hai lưỡi". Thời gian qua các mạng di động đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật quá chậm. Việc Viettel khuyến mãi và giảm cước có một tác động xã hội rộng rãi để thu hút khách hàng. Nhưng với một bộ máy còn quá mới, đầu tư cũng còn hạn chế nên việc xảy ra tình trạng nghẽn mạch là khó tránh khỏi. Nhưng nếu tình trạng này của Viettel kéo dài, không sớm thì muộn cũng sẽ bị quy luật thị trường đào thải.

 

Áp lực nào cải thiện chất lượng?

 

Gần đây VinaPhone, MobiFone công bố tung ra những dịch vụ giá trị gia tăng mới. S-Fone hứa hẹn công nghệ CDMA đủ mạnh mang đến tiện ích xem truyền hình qua ĐTDĐ. Những cố gắng này đáng ghi nhận. Tuy nhiên, chất lượng các mạng di động ở VN hiện nhìn chung vẫn còn yếu kém. Thể hiện rõ nhất là chất lượng thoại, mạng Viettel thường xuyên nghẽn mạch. VinaPhone, MobiFone vẫn hay xảy ra sự cố mạng, nhiều khi nhắn tin không được. Có nhà cung cấp dịch vụ hồ hởi thông báo mở rộng vùng phủ sóng, nhưng kỳ thực ở mỗi tỉnh, thành mới được phủ sóng vỏn vẹn chỉ có khu vực tỉnh lỵ, trung tâm thị xã với bán kính vài ba kilômét.

 

Bởi vậy, đòi hỏi thiết thực nhất về chất lượng, đối với người tiêu dùng hiện nay chính là chất lượng sóng, phạm vi phủ sóng và sức tải của mạng.  Theo ông Phạm Quang Hảo, các mạng di động hiện cạnh tranh nhau ở 3 lĩnh vực: Giá cả, chất lượng và chế độ chăm sóc khách hàng. Nếu chỉ chú trọng 1 trong 3 lĩnh vực trên sẽ dẫn đến sự phát triển lệch lạc.

 

Thị trường viễn thông đang tiến tới tự do hoá và cạnh tranh khốc liệt. Mọi mệnh lệnh hành chính sẽ trở nên lạc lõng và không được thị trường chấp nhận. Vậy thì áp lực lớn nhất để cải thiện chất lượng chính là khách hàng. Nếu cứ mải mê với các đợt giảm cước, khuyến mãi mà không chú ý tới đòi hỏi cải thiện chất lượng dịch vụ thì khó tránh khỏi tình trạng chính mình chịu thiệt thòi.

 

Bộ Bưu chính Viễn thông sẽ phạt doanh nghiệp để xảy ra nghẽn mạng kéo dài

 

Ông Trần Đức Lai - Thứ  trưởng Bộ BCVT - cho biết, tình trạng nghẽn mạng thời gian qua xảy ra thường xuyên là do công nghệ không đáp ứng được  lượng thuê bao tăng vọt. Bộ BCVT chuẩn bị ban hành quy định cụ thể  về chỉ tiêu chất lượng dịch vụ, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp không được để thời gian nghẽn mạng kéo dài. Kèm theo đó, bộ sẽ tăng cường giám sát chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp, nếu phát hiện yếu kém yêu cầu xử lý ngay, còn để yếu kém lặp đi lặp lại, có thể sẽ bị ngừng cung cấp dịch vụ...

 

Theo Đ. Chúc- H.Thụy
Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm