1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đưa 11 kg uranium giàu từ Đà Lạt sang Nga

(Dân trí) - 11 kg nhiên liệu uranium có độ làm giàu cao cuối cùng tại Đà Lạt được chuyển giao an toàn sang Nga, kết thúc Chương trình chuyển đổi nhiên liệu cho Lò Phản ứng nghiên cứu Đà Lạt. Từ nay, lò phản ứng Đà Lạt sẽ sử dụng nhiên liệu có độ giàu thấp.

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa ra thông báo cho biết, ngày 3/7, với sự hợp tác của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Cơ quan An ninh hạt nhân quốc gia Hoa Kỳ (NNSA) và Tập đoàn Năng lượng nguyên tử nhà nước Liên bang Nga (ROSATOM), Việt Nam đã hoàn thành việc đưa 11 kg uranium có độ làm giàu cao (HEU) cuối cùng từ Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt về Liên bang Nga.

Máy bay vận tải AN-124-100 của Hãng hàng không Nga hôm nay đã rời Việt Nam, đưa 106 bó nhiên liệu HEU đã qua sử dụng tại Lò Phản ứng nghiên cứu Đà Lạt về Nga. Đây được xác định là số nhiên liệu HEU cuối cùng ở Việt Nam.
 
Lò phản ứng nghiên cứu tại Đà Lạt từ nay chỉ sử dụng nhiêu liệu hạt nhân có độ giàu thấp.
Lò phản ứng nghiên cứu tại Đà Lạt từ nay chỉ sử dụng nhiêu liệu hạt nhân có độ giàu thấp.

Được biết, lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt được nâng cấp từ Lò phản ứng TRIGA công suất 250 kW (được xây dựng vào đầu những năm 1960), và đưa vào hoạt động trở lại từ 20/3/1984 với công suất hiện nay là 500 kW. Năm 1983, IAEA đã tài trợ kinh phí để Việt Nam mua 140 bó nhiên liệu HEU (36% U235) loại WWR-M2 chuẩn do Liên Xô trước đây chế tạo và cung cấp.

Thực hiện khuyến cáo của IAEA và theo thoả thuận của Hoa Kỳ và Liên bang Nga, các lò phản ứng nghiên cứu sử dụng nhiên liệu uranium có độ giàu từ 20% U-235 trở lên đều phải chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu có độ giàu thấp (LEU) (dưới 20% U-235). Theo các chuyên gia, nhiên liệu LEU khác với HEU vì không thể sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt thuộc trong số hơn 20 Lò phản ứng nghiên cứu của 17 quốc gia sử dụng nhiên liệu HEU do Liên Xô trước đây cung cấp nên cần phải chuyển đổi sang nhiên liệu LEU.

Từ năm 2007 đến nay Bộ KH&CN Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với IAEA, NNSA, và ROSATOM để thực hiện Chương trình chuyển đổi này.

Tháng 11 năm 2011 Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã thực hiện thay thế và chuyển đổi thành công Lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt sang vận hành hoàn toàn bằng nhiên liệu LEU. Đây là 1 trong 10 sự kiện KH&CN tiêu biểu của Việt Nam trong năm 2011.

Và việc hoàn thành chuyển giao số uranium có độ giàu cao cuối cùng hôm nay được đánh giá là đỉnh điểm của nỗ lực trong nhiều năm qua giữa Bộ KH&CN Việt Nam, IAEA, NNSA Hoa Kỳ, ROSATOM Liên bang Nga. Bộ Ngoại giao cũng khẳng định, sự kiện ngày hôm nay, một lần nữa, thể hiện chính sách nhất quán của Việt Nam là sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn, an ninh. Việt Nam đã thực hiện cam kết cũng như Tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 2, tháng 3 năm 2012 tại Seoul, Hàn Quốc.

Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với IAEA và cộng đồng quốc tế trong việc áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân, thực hiện chính sách về phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và về không phổ biến hạt nhân.

P.V