1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Dự thảo Luật thuế nhà, đất: Khó hạn chế đầu cơ

(Dân trí) - “Nhìn vào mục tiêu và yêu cầu của việc ban hành dự Luật thuế nhà đất, có cảm giác chúng ta đưa Luật này vào hệ thống pháp luật như một việc phải làm cho đầy đủ” - GS TSKH Đặng Hùng Võ nhận định.

Dự thảo Luật thuế nhà, đất: Khó hạn chế đầu cơ - 1
Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh dự thảo Luật thuế nhà đất (ảnh: Lan Hương).
 
Chưa rõ mục tiêu
 
Tại hội thảo “Góp ý hoàn thiện Dự thảo luật thuế nhà, đất” sáng 1/9/2009 do VCCI phối hợp với Ủy ban tài chính và Ngân sách Quốc hội tổ chức, GS. TSKH Đặng Hùng Võ đã khẳng định rằng mục tiêu cụ thể trong dự thảo Luật thuế nhà đất chưa đúng với quan điểm chỉ đạo của Đảng trong lĩnh vực đất đai, đó là: 
 
“Hoàn thiện chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS), đất được giao nhưng không đưa vào sử dụng theo cam kết và các trường hợp sở hữu, sử dụng nhà, đất vượt quá hạn mức quy định, ngăn chặn những cơn sốt giá do đầu cơ BĐS, đặc biệt là đất đai”.
 
Theo phân tích của ông Võ, nội dung cụ thể của dự thảo Luật thuế nhà, đất chưa hướng tới nhiệm vụ trọng tâm là điều chỉnh các trường hợp “đất được giao nhưng không đưa vào sử dụng theo cam kết”, “sở hữu, sử dụng nhà, đất vượt quá hạn mức quy định”.
 
Như vậy, chắc chắn không thể ngăn chặn những cơn sốt giá do đầu cơ BĐS, đặc biệt là đất đai. Điều này cũng có nghĩa là khó có thể khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả và thị trường BĐS phát triển lành mạnh theo như mục tiêu mà dự thảo Luật thuế nhà, đất đưa ra.
 
TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cũng có những quan điểm chưa đồng tình. Theo ông, mục tiêu mà dự Luật đưa ra là “khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm có hiệu quả” và “động viên hợp lý sự đóng góp của chủ sở hữu nhà và người sử dụng đất vào ngân sách nhà nước, nhất là người có nhiều nhà đất” chỉ đạt được khi thuế suất không quá bé.
 
Trong khi đó, mục tiêu “góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất” thì lại chưa rõ. “Không có định nghĩa về đầu cơ nhà đất, nếu chỉ là đất để không chưa sử dụng thì cũng có nhiều nguyên nhân chứ không chỉ có nguyên nhân đầu cơ mà đánh thuế hàng chục triệu người để hạn chế? Vả lại thuế suất thấp như vậy thì dù có đánh thuế lũy tiến thì liệu có ngăn chặn được không?” - TS Liêm nói.
 
Tương tự mục tiêu “khuyến khích thị trường BĐS phát triển lành mạnh” cũng không rõ vì nhiều lắm cũng chỉ là hạn chế chuyển nhượng nhà, đất chui.
 
Mức thuế dự thảo cao hay thấp?
 
Theo nhận định của GS. TSKH Đặng Hùng Võ, khó có thể nói là cao hay thấp. Hiện nay, mức lũy tiến đối với thuế đất chỉ tính cho trường hợp đất ở có nhà do một hộ gia đình sử dụng, tất cả các trường hợp khác đều chịu chung thuế suất ở mức sàn là 0,03%.
 
“Theo tôi, mức sàn 0,03% áp dụng cho những nơi có lợi thế kinh doanh như trung tâm Hà Nội là quá nhẹ, nhưng áp dụng cho các khu công nghiệp (KCN) ở xa trung tâm đô thị thì lại quá nặng. Vì KCN chỉ sinh ra lợi nhuận từ sử dụng đất, đã chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nay lại thêm thuế đất thì quá nặng” - ông Võ nói.
 
Bên cạnh đó, ông Võ cũng không nhất trí với quan điểm xác định hạn mức tính thuế theo giá trị nhà vì khó định giá cho từng căn nhà chính xác.
 
“Thuế cần tính theo giá trị nhưng hạn mức phải tính theo diện tích sử dụng trên đầu người. Giá trị đất được xác định căn cứ theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định và theo từng loại nhà, cấp nhà” - ông Võ đề xuất.
 
Liên quan tới mức thuế, TS Nguyễn Minh Phong - Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế (Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội) cho rằng: “Cần xem lại con số khởi điểm giá tính thuế nhà ở là 600 triệu đồng, vì tuyệt đại đa số người dân đâu có mua được giá “gốc” như quy định của Luật mà đều phải mua giá có cộng chênh lệch.
 
Hơn nữa, trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động như hiện nay, việc cố định con số tuyệt đối trong khi lại “thả nổi” tỷ lệ phần trăm trên đơn giá 1m2 nhà ở xây dựng mới của nhà ở cùng loại để tính giá thuế nhà ở là chưa thoả đáng cả về tình và lý”.
 
Để Luật thuế nhà đất phát huy tác dụng, Luật gia Vũ Xuân Tiền có đưa ra ý kiến: Không nên thu thuế đối với những gia đình chỉ có một căn nhà ở duy nhất bởi lẽ mục đích chủ yếu của thuế nhà, đất là chống đầu cơ về nhà đất. Do đó, những hộ gia đình chỉ có một căn nhà ở duy nhất cần được Nhà nước bảo đảm cho họ thực hiện quyền về có một nhà ở…
 
Lan Hương