Dự “phiên tòa” đặc biệt xử chàng “truất ngựa truy phong”
(Dân trí) - Đã qua 6 “phiên xét xử”, Thật vẫn không chịu cưới H’Lai sau khi đã làm cô có mang. Thật chỉ chấp nhận đóng tiền phạt và có trách nhiệm nuôi con, song không đồng tình với mức phạt “tòa” phán. “Phiên tòa” thứ 7 dự kiến sẽ diễn ra sau khi H’Lai sinh con...
Mặc dù văn hóa hiện đại đã và đang làm thay đổi rất nhiều các phong tục, văn hóa của người dân tộc Bahnar trên Tây Nguyên, nhưng có 1 nét văn hóa đậm tính nhân văn và sự đoàn kết của người dân nơi đây mà hiếm nơi nào có được. Đó là việc đòi lại công bằng cho người phụ nữ trót mang thai với người yêu rồi bị chàng trai phụ tình.
Với người Bahnar ở làng Kon Tum KơNâm, những chàng trai “ăn cơm trước kẻng” khiến người con gái có bầu rồi lại muốn chối bỏ trách nhiệm sẽ phải chịu sự phán xét nghiêm khắc trước họ hàng 2 bên và chịu hình phạt đánh vào kinh tế.
H'Lai bình thản ngồi nghe "phiên tòa" xử cuộc đời mình.
Với người Bahnar ở làng Kon Tum KơNâm, phường Thống Nhất, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum, những chàng Sở Khanh trước khi được “đoạn tuyệt” với người con gái của mình phải cùng gia đình mình chịu sự phán xét của “hội đồng xét xử” do họ hàng 2 bên và chính quyền làng lập nên.
Cách đây 3 năm, Thật (28 tuổi, phường Quang Trung, TP Kon Tum) đã trúng sét ái tình ngay từ lần đầu tiên gặp H’Lai (26 tuổi, làng Kon Tum Kơ Nâm) trong một lần đi nhà thờ. Từ đó Thật tìm mọi cách tiếp cận, tán tỉnh H’Lai. Trước sự tấn công mãnh liệt của Thật, H’lai đã động lòng và nhận lời yêu.
Tình yêu ngày càng lớn và khi H’Lai chuẩn bị tốt nghiệp lớp trung cấp mầm non cách đây hơn nửa năm, cô gái đã trao cái quý giá nhất của đời con gái cho Thật. Hơn 1 tháng sau, H’Lai báo tin mình đã mang thai. Trái với niềm vui của H'Lai, Thật phũ phàng chối bỏ trách nhiệm.
Trước sự việc trên, gia đình, làng xóm không hề trách móc hay mắng nhiếc H’Lai mà ngược lại, họ luôn tìm cách đòi lại công bằng cho H’Lai. Và một “phiên tòa” theo tục lệ nhiều đời nay đã được lập nên để xét xử kẻ phụ tình.
Ông K’Dang, bố H’Lai, đã đến nhà Thật yêu cầu gia đình Thật phải có trách nhiệm với con gái mình. Họ hẹn nhau vào chiều chủ nhật cuối tháng 2/2011.
Đúng ngày hôm ấy, Thật cùng bố mẹ và hơn chục người cao tuổi trong họ kéo đến nhà H’Lai để tham dự “phiên tòa”. Để có thêm sức mạnh, gia đình H’Lai cũng mời hơn chục người lớn tuổi trong họ nhà mình đến, cùng “hội đồng” chính quyền làng là thôn trưởng, già làng, ban mặt trận… đến đòi công lý.
Trước áp lực của “phiên tòa”, Thật đã đồng ý đến tháng 3 sẽ cưới H’Lai. Nhưng đến hẹn, Thật vẫn chưa chịu cưới H’Lai về làm vợ. Những “phiên tòa” lại tiếp tục diễn ra. Gia đình H’Lai và gia đình Thật đã phải tốn khá nhiều tiền của mua rượu, thịt để mở tới 5 “phiên tòa”.
Phiên tòa diễn ra khá gay gắt.
Và “phiên tòa” thứ 6 vừa diễn ra ngày 12/6. Lúc này, H’Lai đã mang bầu ở tháng thứ 7 và đã lấy được bằng trung cấp mầm non.
Khi 2 nhân vật chính cùng bố mẹ, họ hàng 2 bên đã có mặt, bà trưởng thôn kiêm thư kí “phiên tòa” cất cao giọng xét xử. Gia đình H’Lai cho rằng: “Con không cha như nhà không nóc, đứa trẻ cần có sự dạy dỗ, dẫn dắt của cha mẹ thì mới thành người công dân tốt có ích cho xã hội được. Nếu thiếu đi người cha nó sẽ trở thành đứa trẻ hư, gây ảnh hưởng xấu cho xã hội, sẽ là mầm họa xấu cho xã hội. Vì vậy, chúng tôi muốn Thật có trách nhiệm với H’Lai, cưới H’Lai về làm vợ. Cả 2 đã yêu nhau, có thời gian tìm hiểu gần 3 năm chứ không phải là ít nên không thể gọi là bồng bột được”.
Thật nêu lý do bản thân chưa muốn cưới vợ, chưa muốn có sự ràng buộc và nhất là không còn cảm tình gì với H’Lai nên không cưới H’Lai nhưng sẽ có trách nhiệm với đứa con của mình và đền cho gia đình 1 con bò, 1 chiếc chăn đắp. Khi H’Lai đẻ, Thật sẽ có mặt, giúp H’Lai nuôi con cho đến 18 tuổi bằng cách lúc nào con đau ốm thì sẽ có mặt chăm sóc, chứ không cưới.
Thật (áo trắng, góc phải) và H'Lai xa cách trong phiên xét xử.
Trước “hội đồng xét xử”, Thật vẫn giữ vững lập trường của mình là không cưới. Sau một hồi đứng về phía gia đình H’Lai khuyên răn Thật không được, hội đồng nhà Thật đành phải bênh vực Thật với lý lẽ: “Thật nó muốn vậy thì phải chiều theo nó thôi”. Bù lại, gia đình Thật sẽ đền bù cho H’Lai 30 triệu đồng. Thật không đồng ý, rút số tiền xuống còn 15 triệu đồng và có trách nhiệm nuôi con như đã hứa.
Trước quyết định trên của Thật, gia đình H’Lai không đồng ý vì gia đình cô đã phải vay ngân hàng 20 triệu đồng cho H’Lai đi học trung cấp, bây giờ ra trường lại có bầu sắp sinh nên không thể xin được việc. Rồi mất thêm bao nhiêu là tiền cho việc sinh đẻ, nuôi nấng đứa bé, nên số tiền đền bù trên là quá ít.
Do không đồng thuận với nhau về mức đền bù, một lần nữa “phiên tòa” thất bại. Họ hàng đôi bên lại hẹn nhau chờ khi H’Lai sinh con xong sẽ mở phiên tòa thứ 7, tiếp tục đòi quyền lợi cho H’Lai.
Phiên xử chưa có hồi kết, đợi tới khi H'Lai sinh con sẽ mở phiên tiếp theo.
Già làng Kon Tum KơNâm cho biết đây là tục lệ lâu đời của người Bahnar nơi đây. Thời xưa những phiên tòa thế này cũng có nhưng hiếm, còn bây giờ thì khá nhiều!
Thiên Thư