1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Du lịch 30/4: Thất vọng Thiên Sơn - Suối Ngà!

(Dân trí) - Một anh bạn làm báo cho biết: Nếu rảnh rỗi, vào ngày nghỉ cuối tuần thử lên Thiên Sơn, Suối Ngà ở Ba Vì. Phong cảnh ở đấy rất đẹp, hấp dẫn du khách lắm. Thế là Chủ nhật vừa rồi (23/4) chúng tôi đi Thiên Sơn, lòng vui khấp khởi để tiền trạm cho chuyến du lịch vào ngày 30/4 sắp tới.

Để “chắc ăn” tôi xin số điện thoại của T., người quản lý khu Thiên Sơn - Suối Ngà. Tôi được giải thích một hồi về các loại giá dịch vụ ở đây, với rất nhiều tiện ích, và T. nói chắc như đinh đóng cột rằng cứ lên sẽ thấy không phí công, vô ích.

 

Qua thị xã Sơn Tây, chúng tôi rẽ vào lối Vườn Quốc gia Ba Vì, nhưng thay vì lên Vườn, chúng tôi rẽ trái và cũng không đi vào Khoang Xanh mà rẽ phải tiếp để vào Thiên Sơn. Đây là khu du lịch mới được đưa vào khai thác khoảng 2 năm nay và được coi là có đầu tư công phu.

 

Còn nhớ 15 năm trước, khu du lịch Khoang Xanh mới mở, hoang sơ lắm nhưng thơ mộng vô cùng. Có lẽ đó là một vùng sơn thuỷ hữu tình nhất mà tôi từng gặp. Cả một khu du lịch chỉ có duy nhất 1 cái quán nước với ít bánh trái. Vậy mà giờ đây lên Khoang Xanh chúng tôi gặp bạt ngàn khách sạn, nhà nghỉ, hàng quán. Xung quanh Ba Vì đã có quá nhiều khu du lịch được đưa vào khai thác như Ao Vua, Khoang Xanh, Thác Đa, Đầm Long… khiến dưới chân núi tản như bị băm nát.

 

Lên Thiên Sơn chúng tôi hy vọng gặp được những nét hoang sơ của rừng núi. Bước qua cổng vào, chúng tôi phải mua 30.000 đồng một vé cho mỗi người vào tham quan. Học sinh thì ít hơn, giá 5.000 đồng.

 

Đúng là Thiên Sơn rất đẹp. Những dòng suối trong vắt đổ thành thác từ trên núi Tản xuống, những khu rừng chạy dọc theo sườn núi tạo thành mây núi, nước non thật quyến rũ.

 

Phải nói một cách công bằng, những người chủ đầu tư khai thác khu Thiên Sơn đã phải tốn rất nhiều công sức để đầu tư vào khu du lịch này. Những con đường lát bê tông trải dài, những khu vui chơi, dịch vụ ăn uống đều được xây dựng khá công phu. Khách đến cũng rất đông. Từng đoàn học sinh, người lớn nối đuôi nhau vào Thiên Sơn.

 

Ở đây chia làm 2 khu chính. Khu 1 có nhà hàng ăn uống, nơi nghỉ ngơi, còn khu 2 chủ yếu làm thăm phong cảnh. Lúc chúng tôi vào khu 2 thì người đã chật cứng. Mặc dù thùng rác có ở khắp nơi nhưng rác vẫn vứt bừa bãi. Những cái túi ni lông nổi lềnh bềnh trên mặt nước, những vỏ lon nước ngọt vứt khắp nơi.

 

Trên bờ suối, có khá nhiều tốp học sinh ngồi ăn uống rồi vứt rác ra ngay dưới chân. Thỉnh thoảng mấy cô giáo đi lại trông nom bọn trẻ cũng vô tư thả rác xuống. Chẳng có ai nghiêm khắc nhắc nhở, cũng chẳng có ai phạt du khách về tội vứt rác. Tôi cứ nghĩ nếu có một Khu du lịch nào mạnh dạn có quy định bất cứ ai vứt rác ở khu du lịch phạt từ 50.000 đồng đến 500.000 đồng chắc chắn ý thức của người dân sẽ được nâng lên rất nhiều và các khu du lịch sẽ sạch đẹp hơn rất nhiều.

 

Quá chán bởi toàn rác ở khu 2, chúng tôi vòng ra khu 1. Cả một dòng suối đục lờ như nước vo gạo bởi  phía trên người ta chặn nước lại để xây đập tạo phong cảnh. Một cái hồ có khoảng 20 cái thuyền thiên nga đạp nước nhưng bị xếp vào một xó. Trong nhà ăn nào cũng vọng ra tiếng nhạc xập xình và từng đoàn người ăn uống nhốn nháo. Một nhân viên phục vụ ở đây cho biết riêng ngày hôm nay đã có khoảng 60 bàn ăn được đặt.

 

Đi lên đi xuống cũng chỉ thấy có mấy đoạn suối với dòng người đông đặc, chúng tôi lui về khu 1 và đặt ăn. Đang loay hoay tìm chỗ ngồi đã thấy một đoàn mặt đỏ gay đi xuống ra quầy lễ tân trả tiền rồi nói thẳng với cô nhân viên: “Em ơi! Bọn anh đến đây lần đầu nhưng cũng là lần cuối”. Hỏi ra mới biết dịch vụ phục vụ ở đây rất kém.

 

Ngồi gần chỗ chúng tôi có 2 bàn nữa cũng trong tình trạng “đợi chờ trong cơn mưa” cả tiếng đồng hồ. Trong thực đơn ghi rất nhiều món nhưng món gì gọi cũng lắc đầu kêu hết.  Cuối cùng thì phải gọi cực kỳ đơn giản là trứng rán và rau muống luộc. Nhưng cũng phải 45 phút sau món ăn mới được đưa ra. Tình trạng chậm chạp trong phục vụ khiến tất cả các bàn ăn đều kêu ca và quyết “lần sau không bao giờ trở lại Thiên Sơn nữa”.

 

Chúng tôi thử ra khu nghỉ (mà theo T. giới thiệu là chẳng khác gì khách sạn 3 sao ở trên Hà Nội). Đứng mãi mới thấy một nhân viên hớt ha hớt hải chạy đến hỏi. Giá một phòng thuê theo giờ ở đây là 150.000 đồng/1 giờ, nếu cứ thêm 1 giờ thì cộng thêm 30.000 đồng nữa, còn nếu thuê cả ngày đêm thì 400.000 đồng.

 

Trong phòng nghỉ, mùi ẩm mốc xông lên khá nồng nặc. Cũng có mấy phòng bên cạnh có người thuê, nhưng hình như chỉ một lát sau họ lại trả phòng. Cuối cùng thì chúng tôi cũng trả phòng vì cảm thấy nó cứ tối om om và chật chội.

 

Chúng tôi dự định ở đến tận tối để cảm nhận được cái không khí đêm ở vùng sơn cước, nhưng mới 3 giờ chiều đã vội vã rút lui. Khá nhiều khách đến đây cũng thất vọng như chúng tôi.

 

Điều thất vọng nhất là những người làm du lịch ở đây đã không tính đến đẳng cấp của du khách. Khách dám tiêu tiền, thích ăn sang, ở sang ngày càng nhiều, tất nhiên họ không thể cảm thấy phục vụ như đuổi khách đi ở đây hoặc bị lẫn lộn với quá nhiều học sinh chỉ thích nghịch ngợm và xả rác.

 

Tôi lại nhớ đến khu V-Resort ở Hoà Bình mặc dù giá thuê phòng và dịch vụ khá đắt nhưng lúc nào cũng đông khách (có đẳng cấp) đến nghỉ ngơi. Và mấy người trong đoàn chúng tôi trên đường về đều đồng thanh tương ứng: “Lần đầu và cũng là lần cuối đến Thiên Sơn - Suối Ngà”!

 

Đã đến lúc những người làm du lịch rất cần phải tính đến tính chuyên nghiệp cao nếu không thì vẫn chỉ là một cách để kiếm tiền thật nhanh. Một cách làm du lịch  rất manh mún.

 

Đức Trung - Kiều Nga