1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Dự kiến bỏ HĐND quận, huyện, phường tại 10 tỉnh

(Dân trí) - 10 tỉnh, thành phố sẽ thực hiện thí điểm bỏ HĐND đồng bộ tại quận, huyện, phường. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến khác nhau về tiêu chí lựa chọn và nhất là vấn đề ngân sách của những nơi không còn HĐND…

Theo tờ trình của Chính phủ với UB Thường vụ Quốc hội, 10 tỉnh, thành phố được lựa chọn thí điểm bao gồm: Lào Cai, Vĩnh Phúc, TP Hải Phòng, Nam Định, Quảng Trị, Tp Đà Nẵng, Phú Yên, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang.

Tổng cộng có 69 huyện, 32 quận và 483 phường sẽ tham gia thực hiện thí điểm. Thời điểm thực hiện dự kiến là tháng 4/2009.

Tại các địa phương thí điểm, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ, thành phố bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND huyện, quận. Chủ tịch UBND quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND phường.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm vẫn tuân thủ theo qui trình công tác cán bộ. Chẳng hạn, cơ quan tổ chức cấp huyện trình huyện ủy về nhân sự cần bổ nhiệm rồi trình lên Tỉnh ủy trước khi Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

Góp ý với đề xuất của Chính phủ, Chủ tịch HĐ Dân tộc của Quốc hội, Ksor Phước cho rằng, các tỉnh được lựa chọn vẫn chưa thực sự đặc trưng, trong đó một số tỉnh tại Bắc Bộ, Đông Nam Bộ “na ná” như nhau. Trong khi đó, tỉnh Nghệ An vừa có núi, có biển, có nhiều dân tộc hay các tỉnh Tây Trường Sơn lại không được lựa chọn.

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn lí giải, các địa phương được lựa chọn có tỉnh, có thành phố, đại diện cho 3 miền. Với các địa phương trong một khu vực, theo ông Tuấn cũng có những đặc trưng riêng.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách phân tích, nếu trong một tỉnh thí điểm bỏ HĐND ở tất cả các quận, huyện, phường sẽ không có đối chứng so sánh. Vì thế, ông Hiển đề nghị nên chọn một vài tỉnh thực hiện bỏ HĐND ở một nửa số quận, huyện, phường, còn một nửa giữ lại.

Đáp lại, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cho biết, vấn đề này đã được Chính phủ bàn luận trước khi trình Thường vụ Quốc hội. Theo đó, nếu để 2 hệ thống tại một địa phương theo kiểu “xôi - đỗ” sẽ khó cho việc thực hiện, khó cho công tác điều hành.

Lãnh đạo các địa phương cũng đề nghị, nếu thực hiện thí điểm tại địa phương nào thì nên thực hiện đồng bộ tại đó. Về việc so sánh, theo ông Tuấn mô hình có HĐND trước đó tại mỗi địa phương sẽ là đối chứng.

Vấn đề xác định huyện, quận, phường không tổ chức HĐND là một cấp ngân sách hay chỉ là một đơn vị dự toán ngân sách cũng có những ý kiến khác nhau. Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách cho rằng, nếu UBND tại các địa phương này quyết định vấn đề ngân sách sẽ vướng luật Ngân sách, bởi đây là chức năng của HĐND. Vấn đề đặt ra là sẽ phải sửa luật.

Trong khi đó, nếu bó hẹp cấp quận, huyện như một đơn vị dự toán, thu bao nhiêu nộp bấy nhiêu, chi theo qui định cấp trên, các địa phương này sẽ rất khó trong việc phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền đề nghị vẫn để quận, huyện là một cấp ngân sách. Với việc không còn HĐND ở cấp này, HĐND cấp thành phố, tỉnh khi có Nghị quyết giao ngân sách cần chi tiết hơn và UBND quận, huyện thực hiện theo như vậy.

Cấn Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm