1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
  3. Thảm họa lũ quét Làng Nủ

Du khách liên tục bị lạc trong sương mù, đêm tối ở núi Langbiang

Minh Hậu

(Dân trí) - Nhiều du khách tự ý thực hiện hành trình khám phá núi Langbiang ở Lâm Đồng nhưng sau đó bị lạc đường bởi trời mưa, sương mù, đêm tối. Nhiều trường hợp được tìm thấy trong tình trạng đói, rét.

Núi Langbiang thuộc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, nằm trong địa phận huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng có độ cao 2.167m so với mặt nước biển. Địa điểm này cách thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) 12km, từ lâu đã là điểm đến hấp dẫn đối với người dân, du khách.

Langbiang đa dạng về sinh học, cảnh đẹp và nơi này đang được khai thác các tuyến du lịch, đưa du khách trải nghiệm, khám phá. Tuy nhiên, gần đây, nhiều du khách tự ý thực hiện hành trình khám phá núi, không thông qua các đơn vị quản lý dẫn đến lạc đường, rơi vào tình huống nguy hiểm.

Du khách liên tục bị lạc trong sương mù, đêm tối ở núi Langbiang - 1

Một lối mòn từ khu sản xuất nông nghiệp ở thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng dẫn lên núi Langbiang (Ảnh: Minh Hậu).

Theo ghi nhận, từ tháng 7 đến nay, có 10 du khách (3 vụ) lạc đường ở núi Langbiang khiến lực lượng chức năng phải vào cuộc tìm kiếm, giải cứu.

Ngày 24/7, nhóm 3 du khách từ TPHCM đến núi này khám phá nhưng sau đó đi vào rừng già rồi mất phương hướng. Khuya cùng ngày, sau nhiều giờ băng rừng, lực lượng chức năng mới tìm thấy nhóm du khách gặp nạn trong tình trạng tinh thần hoảng loạn, ướt sũng, đói và rét.

Tiếp đó, vào chiều 30/8, nhóm 5 sinh viên ở TPHCM đi xe máy đến lối mòn dẫn lên núi Langbiang rồi bỏ lại xe, đi bộ khám phá. Nhóm này sau đó đi vào khu vực rừng rậm, cách vị trí xuất phát khoảng 5km.

Đến 21h cùng ngày, 5 sinh viên trên mới được lực lượng chức năng tìm thấy, đưa ra khỏi rừng.

Gần đây nhất, vào ngày 29/9, cặp đôi du khách đi lạc ở núi Langbiang và đến khuya cùng ngày, lực lượng cứu hộ mới đưa được họ trở về.

Theo ông Phạm Xuân Nguyên, cán bộ Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, du khách thường nắm bắt thông tin khám phá núi Langbiang qua các diễn đàn, hội nhóm, trang mạng xã hội. Nhiều người sau đó khám phá núi dù chưa hiểu cụ thể về địa hình, thời tiết nơi đây.

Du khách liên tục bị lạc trong sương mù, đêm tối ở núi Langbiang - 2

Lực lượng chức năng giải cứu du khách đi lạc trên núi Langbiang vào đêm 30/8 vừa qua (Ảnh: Công an Lâm Đồng).

Ông Nguyên cho biết, về mùa mưa (tháng 4-11), khu vực núi Langbiang thường nắng đẹp vào buổi sáng, mưa vào buổi chiều.

"Nhiều du khách đến núi vào giờ trưa, cảm nhận thời tiết có nắng đẹp nên vô tư khám phá núi. Đến 14-15h, trời chuyển mưa, nhiệt độ xuống thấp, sau đó xuất hiện sương mù dày đặc nên đa phần họ bị mất phương hướng, đi lạc", ông Nguyên chia sẻ.

Ông Phan Đức Hùng, Giám đốc Khu du lịch Langbiang - đơn vị tổ chức tuyến khám phá núi Langbiang cho biết, hiện nay, do đặc thù thời tiết mưa và sương mù về chiều nên đơn vị tạm ngưng hoạt động đi bộ khám phá núi.

"Ngày thời tiết đẹp, chúng tôi tổ chức cho khách khám phá núi và bố trí đội ngũ hướng dẫn viên để đảm bảo an toàn", ông Hùng chia sẻ.

Du khách liên tục bị lạc trong sương mù, đêm tối ở núi Langbiang - 3

Bảng thông báo tạm ngưng tuyến đi bộ khám phá núi Langbiang (Ảnh: Minh Hậu).

Cũng theo ông Hùng, núi Langbiang có phong cảnh đẹp, đa dạng về các loài động, thực vật. Tuy nhiên, ngọn núi này cũng tiềm ẩn các yếu tố nguy hiểm có thể gây tai nạn như: dốc cao, đường trơn trượt, cây mục đổ gãy…

Ông Phạm Xuân Nguyên cho biết thêm, hiện nay, để ngăn chặn tình trạng du khách lạc đường khi tự ý khám phá núi Langbiang, đơn vị đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng cắm các biển báo, bảng cấm tại những lối mòn dẫn vào rừng; tuần tra, sớm phát hiện và ngăn chặn các trường hợp du khách leo núi tự phát để đảm bảo an toàn.

Khách khám phá núi nhưng không có trang bị

Theo ông Phan Đức Hùng, Giám đốc Khu du lịch Langbiang, để thực hiện hành trình khám phá núi Langbiang, du khách phải có sức khỏe, đảm bảo trang bị chuyên dụng như: gậy, giày, áo mưa, nước uống, thức ăn… Đặc biệt phải nắm bắt thông tin về thời tiết, địa hình.

"Vừa qua, đa phần du khách đi lạc đều không có trang thiết bị chuyên dụng và chưa có đủ kiến thức về hành trình. Nhiều người thích là đi, không biết sự nguy hiểm của rừng", ông Hùng nói.