1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa:

Dự án tiền tỷ bỏ không, dân thành phố “khát” nước sạch

(Dân trí) - Suốt 2 năm qua, gần 1.000 hộ dân sinh sống tại phường Đông Hải, thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa) vẫn thấp thỏm, lo âu chờ đợi nguồn nước sạch. Giếng khoan bị ô nhiễm, để có nước sinh hoạt, người dân nơi đây phải xây dựng các bể lắng, bể chứa nước mưa.

Dân “khát” nước sạch giữa lòng thành phố

Theo phản ánh từ người dân sinh sống tại 5 khu phố: Ái Sơn 1, Ái Sơn 2, Sơn Vạn, Xuân Minh, Xuân Lộc (phường Đông Hải, thành phố Thanh Hóa), hiện nay người dân tại đây đang “khát” nước sạch. Mặc dù dự án nước sạch đã được triển khai từ 2 năm trước, đường ống dẫn nước đã được lắp đặt đến từng nhà dân nhưng đến nay người dân vẫn chưa được sử dụng nước.

Anh Lê Xuân Đức (34 tuổi, phố Sơn Vạn), chia sẻ: “Năm 2015, nhận được thông báo dự án nước sạch về địa phương, chúng tôi cũng đồng thuận đóng góp. Ngày dự án được triển khai, chúng tôi rất phấn khởi, vui mừng vì sắp có nước sạch để dùng. Nhưng không hiểu sao đã 2 năm mà dự án vẫn chưa đưa vào hoạt động. Hiện nay, nước giếng khoan tại địa phương đã nhiễm phèn không thể sử dụng được, các thiết bị vệ sinh, vòi tắm sử dụng được một thời gian thì có dấu hiệu hoen rỉ…”.

Nguồn nước giếng khoan bị ô nhiễm nghiêm trọng, để có nước sinh hoạt, người dân phải xây dựng bể lắng
Nguồn nước giếng khoan bị ô nhiễm nghiêm trọng, để có nước sinh hoạt, người dân phải xây dựng bể lắng

Cùng chung cảnh ngộ như gia đình anh Đức, chị Lê Thị Khuyên (35 tuổi), bức xúc: “Tiền thì chúng tôi cũng đã đóng góp, nhưng nước sạch thì chưa thấy đâu. Là người dân đang sinh sống tại đất thành phố mà vẫn khát nước sạch khiến cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn. Gia đình tôi có cả mẹ già, con nhỏ, nhưng do nước giếng khoan hiện giờ không thể dùng được nên mỗi lần sử dụng lại phải sang nhà hàng xóm đi xin nước mưa về để nấu”.

Được biết, dự án nước sạch tại phường Đông Hải, thành phố Thanh Hóa được đầu tư, xây dựng với tổng số vốn hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, nửa số vốn được nhà nước đầu tư và nửa số vốn còn lại do người dân tự đóng góp. Theo đó, để có nước sạch sinh hoạt mỗi hộ dân sẽ đóng góp 5,5 triệu đồng.

Bình nước mới đưa vào sử dụng 3 tháng đã có dấu hiệu hoen rỉ
Bình nước mới đưa vào sử dụng 3 tháng đã có dấu hiệu hoen rỉ

Tiền thì người dân đã đóng, đường ống cũng đã được lắp đặt đến từng thôn, xóm nhưng vẫn chưa có nước sạch sử dụng khiến nhiều hộ dân vô cùng bức xúc. Đã nhiều lần người dân kiến nghị đến chính quyền địa phương nhưng hơn 2 năm qua, dự án vẫn chưa đưa vào sử dụng.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Trung Thành - Chủ tịch UBND phường Đông Hải, cho biết: “Chúng tôi đã nhận được phản ánh của người dân. Hiện tại, nước sạch đã có và về từng đường ống, nhưng nguyên nhân dẫn đến việc này là do nguồn vốn.

Ông Thành cho biết thêm: “Hiện chúng tôi mới chỉ nhận được 30% tiền hỗ trợ từ nhà nước và người dân cũng mới chỉ đóng góp được 40%. Tổng số tiền thu về mới có 3,5 tỷ đồng. Trong khi đó, nhà thầu thi công đã bỏ gần 10 tỷ đồng để xây dựng hệ thống. Chúng tôi cũng đang đợi nguồn vốn nhà nước rót về và huy động người dân khẩn trương đóng góp để dự án được hoàn thiện”.

Nhiều hộ dân đành phải xây bể chứa nước mưa trong thời gian chờ đợi nước sạch
Nhiều hộ dân đành phải xây bể chứa nước mưa trong thời gian chờ đợi nước sạch

Cũng theo ông Thành, 5 khu phố có gần 1.000 hộ dân sinh sống, nhưng thực tế khi triển khai mới có gần 600 hộ đóng góp. Địa phương cũng rất muốn nước về nhanh để người dân có nước sinh hoạt, mặt khác, có tiền hỗ trợ về kịp thời để chi trả cho nhà thầu.

Chính quyền địa phương đang cố gắng vận động nhà thầu hoàn thiện lắp đặt đồng hồ và đóng nước để người dân sử dụng. Sau đó sẽ tiến hành thu số tiền còn thiếu từ các hộ dân chưa đóng góp.

Thanh Tùng