1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Dự án “sân bay Nội Bài 2”: Mở rộng đỡ tốn hơn xây mới

(Dân trí) - Trước câu hỏi của phóng viên về dự án “sân bay Nội Bài 2”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết đây là dự kiến cải tạo, mở rộng nhà ga T1, T2 hiện có tại Nội Bài để cải thiện năng lực phục vụ khi 2 nhà ga đang quá tải. Việc này đơn giản, đỡ tốn kém, thực hiện nhanh hơn so với việc xây mới nhà ga T3, T4 như quy hoạch.

Dự án “sân bay Nội Bài 2” là vấn đề đặt ra với đại diện Bộ GTVT tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 được tổ chức chiều tối ngày 2/6.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Thủ tướng đã có phê duyệt quy hoạch tổng thể với 4 nhà ga, T1, T2, T3 và T4 của sân bay Nội Bài. Hiện đã hoàn thành xong hai nhà ga T1 và T2, còn hai nhà ga T3 và T4 sẽ nằm đối diện bên kia đường, theo quy hoạch cũng đã cắm mốc lộ giới để đảm bảo dành đất cho các dự án.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, hiện nay, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng không rất lớn, khoảng 14-17% một năm, riêng năm nay tăng trưởng 16%, nhiều hãng hàng không tăng trưởng lớn cả về đội tàu bay lẫn các tuyến bay trong và ngoài nước.

Sân bay Nội Bài sẽ sớm vượt công suất thiết kế ít năm tới.
Sân bay Nội Bài sẽ sớm vượt công suất thiết kế ít năm tới.

“Trước đây, dự báo đến năm 2020, lưu lượng khách của sân bay Nội Bài sẽ đạt 20 triệu khách/năm, nhưng thực tế, năm 2016, lượng khách đã đạt 17 triệu, dự kiến năm 2017 là 19,4 triệu khách. Vì thế, nhà ga T1 và T2 sẽ sớm quá tải" – Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường thông tin.

Riêng với hai nhà ga T3 và T4, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, nếu giờ thực hiện ngay dự án tại hai nhà ga này sẽ là một dự án rất lớn như dự án sân bay Long Thành hiện nay, phải trình xin ý kiến Quốc hội, quy trình như vậy có thể mất đến 10 năm, sẽ không kịp đáp ứng lưu lượng khách hiện đang quá tải.

“Do đó, phương án trước mắt là mở rộng T1 và T2 nhằm đảm bảo năng lực phục vụ ít nhất 20-25 triệu hành khách/năm. Sơ bộ, chúng tôi dự kiến sẽ xây thêm một đường cất hạ cánh ở phía Nam, cùng với 2 đường băng đang có hiện nay. Nhà ga T1 sẽ được mở rộng và cải tạo các tầng để đáp ứng lượng khách nội địa. Trong khi đó, với nhà ga T2, theo thiết kế của tư vấn Nhật Bản, đã có chỗ để sẵn cho việc kéo dài, mở thêm 6-8 sân đỗ nữa. Việc mở rộng T2 như thế rất đơn giản", Thứ trưởng Trường cho hay.

Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo Bộ GTVT, đây mới chỉ là phương hướng, còn kế hoạch cụ thể sẽ được lập và trình Chính phủ xem xét, nhưng tiến độ là đảm bảo thực hiện mở rộng Nội Bài trước năm 2020.

Trích lợi nhuận nhà đầu tư để trả phí cho người dân sống gần trạm BOT

Một nội dung khác được đặt ra với đại diện Bộ GTVT trong cuộc họp báo là về vị trí “tréo ngoe” của trạm thu phí BOT hầm Phú Gia – Phước Tượng vừa hoàn thành khi đặt cách xa hầm tới 6km, “bao” luôn nhiều hộ dân sống ở khu vực lân cận vào diện bị thu phí hàng ngày trong khi họ không sử dụng hầm.

Gạt bỏ nhận định này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh, để xác định vị trí đặt trạm thu phí, Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Ủy ban Nhân dân Thừa Thiên Huế đã lựa chọn địa điểm hết sức hợp lý, trên cơ sở theo kiến nghị của UBND Thừa Thiên Huế.

Nếu đặt trạm thu phí vị trí ở gần hầm Phú Gia – Phước Tượng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khách du lịch khu Lăng Cô, đồng thời quá gần trạm thu phí Phú Bài (chỉ trong khoảng chưa đầy 1km) cho nên trạm thu phí mới phải đẩy lùi ra phía hầm Hải Vân. Vị trí này nằm ở biên giới hai địa phương Huế và Đà Nẵng. Vị trí này là hợp lý và cách trạm Phú Bài khoảng 7km.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trường xác nhận, đặt trạm BOT Phú Gia – Phước Tượng ở đó xảy ra hiện tượng giống một số trạm khác nhân dân ở vùng lân cận đi qua trạm nhiều lần và phải mất phí. Vấn đề này sẽ được giải quyết giống các trạm khác.

Với các hộ kinh doanh vận tải, việc bán vé tháng áp dụng sẽ giúp giảm 50% chi phí so với giá vé thông thường hàng ngày. Còn đối với các hộ thường xuyên đưa con em đi học, địa phương đã yêu cầu UBND xã, phường tập hợp số lượng xe ô tô để có chính sách. Bộ GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư chích một phần nguồn thu để miễn phí cho các hộ gia đình đó.

“Hiện chúng tôi đã thực hiện thành công cách xử lý này ở trạm thu phí Việt Trì, Lương Sơn (Hòa Bình) và đến nay là trạm Phú Bài. Với trạm thu phí Phú Gia – Phước Tượng, phương thức cũng sẽ thực hiện như vậy, qua thăm dò, người dân đã đồng tình. Còn nếu ban hành một chính sách để giảm cho toàn bộ các đối tượng như trên thì sẽ không công bằng với các trạm thu phí khác nên thống nhất sẽ trích một phần lợi nhuận để hỗ trợ các hộ lân cận” – ông Trường giải thích.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng GTVT thông tin, sắp tới đây Bộ sẽ triển khai hầm Hải Vân thứ 2, khi xây dựng sẽ phối kết hợp trạm thu phí tại hầm Hải Vân với trạm Phú Gia – Phước Tượng này để không phát sinh trạm thu phí thứ 2 trong tổng thể hai dự án.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm