1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Dự án sân bay Long Thành: Sẽ trình Chính phủ trong tháng 4

(Dân trí) - Quy mô đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành (giai đoạn 1) đảm bảo mức tối thiểu với phương án xây dựng 1 đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách công suất khoảng 17 triệu HK/năm. Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ báo cáo đầu tư trong tháng 4 này.

Chỉ đạo này của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vân tải (GTVT) Đinh La Thăng được đưa ra sau cuộc họp mới đây về việc thực hiện chuẩn bị đầu tư Dự án xây dựng Cảng hàng không Quốc tế (HKQT) Long Thành, với những báo cáo của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam về việc thực hiện chuẩn bị đầu tư Dự án, ý kiến của Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu và các thành viên dự họp.

Bộ trưởng Đinh La Thăng giao Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu chỉ đạo các Vụ, Cục có liên quan của Bộ tích cực tham gia, phối hợp chặt chẽ cùng với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam hoàn chỉnh Báo cáo đầu tư dự án để trình Chính phủ, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Phối cảnh Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành

Phối cảnh Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành

Với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Bộ trưởng Đinh La Thăng giao tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước cũng như các ý kiến tại cuộc họp, giải trình, làm rõ toàn bộ các vấn đề còn tồn tại với mục tiêu đầu tư dự án đảm bảo tính khả thi và thực sự hiệu quả. Nghiên cứu, tìm kiếm nguồn vốn để triển khai bước lập dự án đầu tư sau khi dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu trong Tờ trình Chính phủ, về quy mô cần giải trình, xác định làm rõ các nội dung: Diện tích đất dự kiến sử dụng là 5000ha sử dụng cho hàng không dân dụng, đất phục vụ cho quân sự, phương án giải phóng mặt bằng thu hồi đất, diện tích sử dụng đất cho mỗi giai đoạn đầu tư xây dựng.

Xác định thời điểm dự kiến đạt 25 triệu HK/năm, 50 triệu HK/năm, 100 triệu HK/năm và có tiếp tục duy trì hay dừng khai thác Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sau khi Cảng HKQT Long Thành hoàn thành. Quy mô đầu tư giai đoạn 1 đảm bảo mức tối thiểu, chỉ đưa vào danh mục đầu tư các hạng mục công trình được sử dụng để phục vụ trực tiếp hoạt động của Cảng và tính toán các chi phí tương ứng (phương án xây dựng 1 đường cất hạ cánh và nhà ga hành khách công suất khoảng 17 triệu HK/năm…).

Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu rà soát lại nguồn vốn, chỉ xác định vốn dùng cho đầu tư Cảng và phục vụ khai thác Cảng. Trong đó, cần xác định rõ các hạng mục xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA và nguồn vốn doanh nghiệp vay ODA; Làm rõ các hạng mục kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, đầu tư của các doanh nghiệp. Đối với nguồn vốn doanh nghiệp vay ODA, yêu cầu nghiên cứu, đề xuất 02 phương án đó là vay qua Chính phủ bảo lãnh, doanh nghiệp trả nợ hoặc đề nghị ODA trực tiếp cho doanh nghiệp vay và trả nợ.

Về giao thông kết nối, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng cần phải nghiên cứu giải trình rõ phương án kết nối từ TPHCM đi Long Thành và ngược lại, kiến nghị các dự án đầu tư đồng bộ các hạng mục giao thông kết nối với dự án xây dựng Cảng HKQT Long Thành.

Về giá, phải rà soát lại kỹ, đảm bảo chính xác. Giải trình rõ phương án mặt bằng thu hồi đất, đặc biệt lưu ý vấn đề đảm bảo tái định cư, điều kiện việc làm cho người dân. Không đưa chi phí xây dựng khu tái định cư vào khái toán tổng mức đầu tư dự án.

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến tham gia đóng góp, Bộ trưởng Đinh La Thăng giao Vụ Kế hoạch đầu tư, Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam hoàn chỉnh lại Tờ trình đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu, nêu bật những vấn đề chính, quan trọng nhằm khẳng định được sự cần thiết phải sớm đầu tư Cảng HKQT Long Thành và hoàn thành để trình Chính phủ vào đầu tháng 4/2014.

Châu Như Quỳnh