1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Doanh nghiệp chỉ cần làm một dự án là giàu ngay (?!)

(Dân trí) - Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh (Cao Bằng) nêu quan điểm: Không thể chấp nhận một xã hội mà doanh nghiệp chỉ cần làm được một dự án là giàu ngay. Ông Hoàng Anh đề nghị phải tăng cường thu thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu không, nhà nước thất thoát nguồn thu nội địa lớn.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên).
Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên).

“Chung chung thế này bà con không yên tâm”

Thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội sáng 22/5, đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) nhấn mạnh, cử tri rất quan tâm đến vấn đề tham nhũng, đặc biệt là thu hồi tài sản tham nhũng.

“Đi đến đâu cử tri cũng hỏi thu hồi được bao nhiêu rồi? Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng. Có dự án nhỏ ở vùng cao thôi nhưng thất thoát lãng phí bằng cả đóng góp của một đảng bộ huyện trong 150 năm - nghĩa là mất 150 năm mới bằng số tiền thất thoát tham nhũng. Do đó báo cáo về phòng chống tham nhũng phải rõ nét, chứ chung chung thế này bà con không yên tâm" - ông Hùng thẳng thắn.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đánh giá vấn đề tội phạm xảy ra thời gian qua khiến dư luận bức xúc, đặc biệt khi tội phạm nằm ngay trong cơ quan phòng chống tội phạm. Điển hình như vụ đánh bạc trên mạng nghìn tỷ liên quan đến nhiều cán bộ C50 - Bộ Công an đã cho thấy đánh bạc nằm ngay trong cơ quan phòng chống tội phạm công nghệ cao.

“Ở câu chuyện này có 2 luồng dư luận, một luồng hoan nghênh đã cương quyết xử lý nghiêm, còn một luồng thì lo lắng khi xảy ra ngay trong cơ quan phòng chống tội phạm. Tuy nhiên nghiêng về ý kiến đầu tiên nhiều hơn”- bà Nga nói.

Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh (Cao Bằng) nêu quan điểm: Không thể chấp nhận một xã hội mà doanh nghiệp chỉ cần làm được một dự án là giàu ngay.

Chỉ ra điểm bất hợp lý khi cơ chế tạo ra siêu lợi nhuận cho nhà đầu tư như vậy, ông Hoàng Anh đề nghị phải tăng cường thu thuế thu nhập doanh nghiệp vào đây, nếu không, nhà nước thất thoát nguồn thu nội địa lớn.

“Khi đầu tư không phải là siêu lợi nhuận nữa thì người ta cũng sẽ không đổ xô đi “chạy” dự án, đi xin công trình nữa. Hơn nữa, dự án đầu tư kỹ thuật lớn cần ràng buộc điều kiện năng lực, không thể để ai cũng đi làm đường cao tốc, ai cũng xây nhà chung cư, rồi dẫn đến cháy nổ như vừa qua. Cần giảm lợi nhuận bằng việc thu thuế để giảm chạy chọt dự án” - ông Hoàng Anh kiến nghị.

Khẳng định trong công tác phòng chống tham nhũng thì quan tâm nhất là thu hồi tài sản tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng muốn thu hồi được thì phải phát hiện kịp thời. “Nghĩa là phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm để xử lý, còn để tẩu tán hoặc khi pháp lý ở mức mà chúng ta không xử lý được thì không thu hồi được. Thường thường những người phạm tội mà có tài sản thì sẽ vung vãi, tiêu xài thoải mái. Cho nên, với những vụ mới có dấu hiệu đã phát hiện thì sẽ sẽ thu hồi được tài sản, không gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản, con người, cán bộ”- ông Khái nói.

Để làm việc đó, Thanh tra Chính phủ và các địa phương phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát để làm sao phát hiện kịp thời và có giải pháp ngăn chặn để răn đe thì hi vọng yêu cầu của đại biểu Quốc hội sẽ đáp ứng được.

Tình hình an ninh trên biển diễn biến phức tạp

Đại biểu Quốc hội Lê Chiêm- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, tình hình an ninh trên biển trong những tháng đầu năm 2018 có diễn biến tương đối phức tạp. Đặc biệt dưới sự hỗ trợ của lực lượng chuyên trách của Trung Quốc đã hỗ trợ ngư dân đánh bắt sâu trong vùng biển của Việt Nam, cách khu vực đảo Lý Sơn chỉ 40-50 hải lý.

“Có những lúc vài chục tàu của ngư dân dưới sự hỗ trợ của lực lượng thực thi pháp luật của Trung Quốc tuyên bố vùng biển này là vùng biển của Trung Quốc, xua đuổi ngư dân Việt Nam ra khỏi khu vực này”- ông Lê Chiêm thông tin.

Đại biểu Quốc hội Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Đại biểu Quốc hội Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

“Trước tình hình đó, chúng tôi cũng nhận đinh đây là thủ đoạn tuyên truyền, đồng thời là xâm lấn, tuyên bố chủ quyền trên biển, tuyên bố thực thi đường lưỡi bò. Chúng tôi đã tổ chức kiên quyết, tuyên truyền vận động và xua đuổi các tàu thuyền này ra khỏi khu vực. Trong tháng 4 có 3 vụ, có vụ cao điểm lên tới vài ba chục tàu. Có những lúc tàu ngư dân Trung Quốc vào đến vùng biển cách bờ biển Đà Nẵng chỉ 30 hải lý để đánh bắt”- ông Chiêm nói tiếp.

Gần nhất, theo ông Chiêm, trong tuần vừa rồi, tàu của hải quân Indonesia qua vùng biển Việt Nam và bắt tàu đánh cá Việt Nam; bắt người và lái tàu đưa qua bên kia biên giới. Tàu cảnh sát biển Việt Nam phát hiện và tổ chức giải cứu. Việt Nam cũng đã giải cứu được nhiều lần, có nhiều giải pháp trao đổi lãnh sự quán, đại sứ quán của các nước có chung đường biên giới trên biển.

Liên quan tới kinh tế quốc phòng, đại biểu Lê Chiêm đánh giá, chương trình hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ đã có chủ trương nhưng đến giờ hiệu quả chưa thật cao. Nghị định 67 về đóng tàu công suất cao để đánh bắt xa bờ thì gặp quá nhiều vấn đề phức tạp liên quan tới các nhà máy đóng tàu cho ngư dân không thực hiện đúng cam kết, dẫn đến hậu quả ngư dân nợ vốn ngân hàng còn tàu thuyền vẫn nằm trên bờ. Lãnh đạo chính quyền địa phương cũng chưa giải quyết một cách dứt điểm.

“Lỗi, trách nhiệm thuộc về ai? Phải truy tố, phải giải quyết dứt điểm chứ bây giờ người ta vay tiền đưa cho ông đóng tàu, đóng thuyền không đóng, không đạt tiêu chuẩn rồi nói trên trời dưới đất thì không minh bạch, không thẳng thắn trong vấn đề này. Thiệt hại là người dân thôi. Chỗ này chưa thật kiên quyết”- ông Lê Chiêm thẳng thắn.

Làm rõ có tiêu cực trong việc phá rừng hay không?

Theo đại biểu Lê Chiêm, hàng loạt vụ việc xảy ra ở tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum.... thời gian qua cho thấy tình trạng phá rừng đang rất nghiêm trọng.

"Ta thực hiện đóng cửa rừng ở Tây Nguyên nhưng quán triệt thực hiện ở cơ sở là rất kém. Tại sao tồn tại những xưởng gỗ rất lớn làm gỗ lậu như ở Gia Lai vừa rồi nằm ngay ở thị trấn, rồi vụ gỗ ở Đắk Lắk. Nếu không có vụ việc đó và Trung ương không vào làm thì làm sao phát hiện ra được?"-ông Chiêm đặt vấn đề.

Mặc dù thực hiện đóng cửa rừng nhưng vẫn nhập gỗ từ Lào, Campuchia, làm như thế cơ quan chức năng rất khó xử lý. Gỗ nhập vào 1 cây nhưng gỗ lậu 4-5 cây. Riêng biên phòng vừa rồi phải đình chỉ công tác, kiểm điểm, cách chức nhiều cán bộ liên quan tới khai thác rừng. Ông Chiêm cho rằng phải xử lý nghiêm túc vì rừng càng ngày càng cạn kiệt, kho gỗ, xưởng gỗ nằm ngay trên địa bàn mà địa phương không xử lý được.

Tại tổ Thái Nguyên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị lưu ý về tình trạng phá rừng trầm trọng thời gian qua tại một số địa phương. "Vậy trách nhiệm của ai?. Mặc dù dưới địa bàn trách nhiệm do công an và kiểm lâm nhưng phải làm rõ do trách nhiệm người đứng đầu của cơ quan đó có tiêu cực không? Hay thiếu đội ngũ cán bộ để thực hiện?"- bà Nga đặt vấn đề.

Thế Kha - Quang Phong