1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Hà Nội:

“Dự án Kim Liên - Ô Chợ Dừa đi qua di tích tối quan trọng của quốc gia”

(Dân trí) - Chiều qua 15/11, một cán bộ Viện Khảo cổ học đã khẳng định như vậy. Di tích ông muốn nói đến là đàn tế Xã Tắc - chốn thiêng bậc nhất, một trong ba đàn tế Xã Tắc ít ỏi của lịch sử hàng nghìn năm các triều đại phong kiến Việt Nam.

Từ ngày 31/10, đoàn khảo cổ học của Viện Khảo cổ đã thực hiện thám sát quanh vị trí có địa danh cổ là khu Xã Đàn (tại ngã tư Tôn Đức Thắng - đê La Thành - Khâm Thiên - Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội) và đã phát hiện dấu vết ban đầu của một khu di tích cổ.

 

Theo lời khẳng định của ông Nguyễn Hồng Kiên - cán bộ Viện Khảo cổ học - UBND TP Hà Nội và Viện Khảo cổ tiến hành khảo cứu khoa học địa điểm này nhằm tìm ra câu trả lời cuối cùng cho những băn khoăn, tranh cãi bấy lâu nay của nhiều nhà khảo cổ học trong nước: Địa điểm này có phải đàn tế Xã Tắc hay không? Nếu đúng thì quy mô, sự bảo tồn còn đến mức nào?

 

Cho đến thời điểm hiện tại, 4 hố khai quật, 3 hố thám sát trên tổng diện tích chừng 200 m2 đã được mở ra. Và những gì phát hiện được đã thực sự gây bất ngờ lớn cho nhiều nhà khảo cổ học.

 

Trong các triều đại phong kiến, sự hưng thịnh và tồn vong của bất cứ triều đại nào cũng gắn liền với hai đàn tế Nam Giao và Xã Tắc.

 

Đàn tế Nam Giao thờ trời, đàn tế Xã Tắc thờ đất. Đây là những nơi lễ trọng của các vị vua các triều đại phong kiến, cầu ấm no cho dân tộc, thịnh trị cho triều đại.

Theo ông Kiên, đến thời điểm này có thể khẳng định 100% đây chính là di tích đàn Xã Tắc - một di tích có tầm quan trọng đặc biệt mà trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, chỉ có 3 đàn tế Xã Tắc được các triều đại vua lập nên.

 

Đàn tế Xã Tắc này là nơi tế lễ của các vị vua các đời Lý, Trần, Lê. Đến thời nhà Hồ, vua Hồ Quý Ly dời đô vào Thanh Hoá, đàn tế Nam Giao, Xã Tắc cũng đồng thời được xây dựng ở đây. Đến triều Nguyễn, đàn tế Nam Giao, Xã Tắc lại được dời vào Phú Xuân (Huế).

 

Một điều rất đặc biệt tại khu di chỉ này, trong quá trình thi công dự án đường cũng như thám sát khảo cổ học, đã phát hiện khá nhiều bộ hài cốt còn tương đối nguyên vẹn nằm dưới độ sâu chừng 1,8 đến 2,5 m. Nhiều luồng thông tin cho rằng đây là những hài cốt dùng để yểm bùa tại các công trình quan trọng theo như tục của người xưa. Theo quan sát của chúng tôi, những bộ hài cốt này có thể chỉ được “vùi” xuống chứ không theo hình thức mộ táng vì xung quanh không có quách cũng như những di chỉ kèm theo. “Đây chắc chắn không phải là những hài cốt yểm bùa”, một nhà khảo cổ học tại đây khẳng định.

 

Một cán bộ của Viện Khảo cổ học cho biết: Nếu được đào thoải mái thì có thể thư thả nhưng do liên quan đến tiến độ xây dựng đường quan trọng của thủ đô nên thời gian tiến hành khảo cổ cũng phải có giới hạn. Cụ thể, trước khi phát lộ di chỉ khảo cổ, dự trù thời gian của Viện Khảo cổ học với BQL Dự án và UBND TP Hà Nội là 1 tháng. Tuy nhiên, trước những phát hiện mới, thời gian đã được kéo dãn ra 2 tháng. “Hy vọng khoảng thời gian đó là đủ để chúng ta tìm lại được một di tích thiêng của ông cha” - ông Kiên nói.

 

Hùng Hưng