Dự án "khủng" trồng 7,5 triệu cây xanh giúp thành phố giảm 1-2 độ C
(Dân trí) - Việc trồng 7,5 triệu cây xanh đến năm 2030 sẽ giúp cho thành phố giảm nhiệt độ 1-2 độ C, tăng tỷ lệ không gian xanh trên đầu người.
Dự án Green Riyadh ở Ả Rập Saudi nhằm mục đích tạo ra thành phố xanh hơn và thân thiện hơn với môi trường bằng cách trồng 7,5 triệu cây xanh vào năm 2030. Đây là một trong 4 siêu dự án của thủ đô Riyadh do vua Salman Bin Abdulaziz công bố hồi năm 2019. Dự án sẽ là cột mốc quan trọng góp phần hoàn thành mục tiêu của Tầm Nhìn Ả Rập Saudi năm 2030, thúc đẩy vị thế của Riyadh trong top 100 thành phố đáng sống nhất trên thế giới.
Các công viên đô thị toàn thành phố Riyadh cũng được quy hoạch, không chỉ có vai trò với môi trường và khí hậu bằng cách giảm ô nhiễm không khí và bụi, mà còn giúp ích cho xã hội và đô thị bằng cách tạo bóng râm cho người đi bộ.
Có khoảng 72 loài cây bóng mát bản địa phù hợp với môi trường của Riyadh được sử dụng cho dự án. Trong đó, phần lớn cây được các chuyên gia lựa chọn là keo, do chúng có khả năng chịu được khí hậu khô cằn trong khu vực. Hiện các vườn ươm đã trồng cây giống để cung cấp cho dự án. Khoảng 1 triệu m3 nước sẽ được dùng để tưới cho cây trong dự án này mỗi ngày. Nguồn nước được tái chế từ nước thái tại một hệ thống phức hợp mới.
Theo giám đốc dự án - ông Abdelaziz al-Moqbel dự đoán, dự án này sẽ giúp giảm nhiệt độ của thành phố từ 1-2 độ C. Các cây xanh sẽ được trồng ở công viên, nhà thờ Hồi Giáo, trường học, cơ sở chăm sóc sức khỏe, sân bay King Khaled và các con đường, phố, bãi đỗ xe và thung lũng của thành phố.
Website của dự án này cho biết, Green Riyadh sẽ góp phần tăng tỷ lệ không gian xanh bình quân đầu người và nâng cao tổng không gian xanh. Cụ thể, mục tiêu đặt ra là nâng không gian xanh bình quân đầu người của thành phố này từ 1,7m2/người lên 28m2/người và tổng không gian xanh của thành phố tăng 9% lên mức 541km2. Nếu làm được điều này tức cao hơn nhiều so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 9 m²/người.
Sáng kiến phủ xanh này cũng giúp cải thiện chất lượng không khí, khuyến khích công dân của thủ đô Riyadh tuân thủ lối sống lành mạnh - một phần trong Tầm Nhìn 2030 của vương quốc này. Sự thành công của dự án còn đạt được một số mục tiêu chương trình chuyển đổi quốc gia của Ả Rập Saudi trong đó có tăng không gian xanh, giảm thiểu nước thải, cải thiện hiệu quả của mạng lưới thoát lũ và sử dụng tốt hơn nước thải đã qua xử lý.
Không chỉ có Riyadh của Ả Rập Saudi, ở quy mô nhỏ hơn, Australia đã thực hiện các dự án tương tự tại Sydney và Canada cũng có dự án ở Montreal. Đây chắc chắn là bước khởi đầu cho sự phát triển rộng rãi hơn của kiểu dự án này ở vào thời điểm các vấn đề môi trường trở thành ưu tiên của các quốc gia trên thế giới.