1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Trị:

Dự án khẩn cấp, thi công... ì ạch

(Dân trí) - Dù đã quá thời gian thực hiện gần 1 năm nhưng Dự án di dân ra khỏi vùng lũ ống, lũ quét xã Húc Nghì, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị vẫn đang thi công dang dở. Hàng trăm hộ dân đang sống trong lo lắng ở khu vực nguy hiểm.

Dự án tiền tỷ “án binh bất động”

Người dân Vân Kiều vẫn chưa thể quên được trận lũ ống, lũ quét xảy ra vào cuối năm 2009 khiến hàng trăm ngôi nhà dọc con sông Đakrông hung dữ cùng một số công trình công cộng như trường học, trạm y tế,... bị cuốn phăng. Hàng nghìn người dân phải lên núi lánh nạn sau cơn “đại hồng thủy”.

Năm 2010, “Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng lũ ống, lũ quét xã Húc Nghì và một số xã lân cận của huyện Đakrông” được phê duyệt xây dựng, với tổng mức đầu tư gần 70 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng của trung ương. Thời gian hoàn thành dự án là năm 2012. Theo đó, có 188 hộ dân nằm trong diện phải di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm sát mép sông. Dự án sẽ tập trung bố trí tái định cư cho 109 hộ dân xã Húc Nghì, còn lại 79 hộ của các xã Tà Long, Tà Rụt sẽ được bố trí tái định cư xen vào các thôn, bản đang sinh sống. Có thể nói rằng, đây là chủ trương đúng đắn đáp ứng được mong mỏi của hàng trăm hộ dân bấy lâu nay khi họ đang sống tạm bợ dọc con sông và có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào.

Khu tái định cư chưa hoàn thành nên ngôi nhà tạm bợ của bà Hồ Thị Pin vẫn chưa có cơ hội sửa sang

Khu tái định cư chưa hoàn thành nên ngôi nhà tạm bợ của bà Hồ Thị Pin vẫn chưa có cơ hội sửa sang

Tuy nhiên, đến thời điểm này (7/2013), tức sau gần 4 năm thực hiện, dự án vẫn chưa có một hạng mục nào được hoàn thành. Theo quan sát của PV và những thông tin từ lãnh đạo xã Húc Nghì cung cấp thì hiện tại đơn vị thi công mới chỉ hoàn thành cơ bản việc san lấp mặt bằng, hệ thống điện hạ thế, xây xong cầu bắc qua sông nhưng chưa có đường dẫn, hệ thống kè chống sạt lở bờ sông vẫn hết sức ngổn ngang, công trình nước sinh hoạt vẫn chưa có ống dẫn, các công trình công cộng phục vụ người dân như trường học, trụ sở UBND xã, trạm y tế… vẫn chưa được khởi công.

Khu tái định cư chưa hoàn thành nên ngôi nhà tạm bợ của bà Hồ Thị Pin vẫn chưa có cơ hội sửa sang

Sau 4 năm thực hiện, khu tái định cư mới chỉ hoàn thành một phần việc san ủi mặt bằng cạnh chân đồi heo hút, và cây cầu bắc qua sông, còn nhiều công trình công cộng vẫn chưa được triển khai

Được biết, trong các cuộc tiếp xúc cử tri gần đây, người dân đã nhiều lần phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền cần sớm quan tâm giải quyết việc tái định cư cho người dân, đặc biệt là 25 hộ dân sống trong khu vực xung yếu cần được di dời gấp. Thế nhưng, công trình hiện vẫn đang “án binh bất động” và chưa biết khi nào mới hoàn thành.

Người dân sống thấp thỏm cạnh mép sông

Trong khi đơn vị chủ đầu tư thi công hết sức ì ạch, hàng trăm hộ dân Húc Nghì vẫn đang dựng lều sống tạm bợ bên cạnh mép sông rất nguy hiểm vì chưa biết di dời đi đâu. Gia đình anh Hồ Văn Nghiệp mấy năm nay sống bên cạnh mép sông, cách điểm sạt lở chưa đầy 2m than thở: “Trước đây gia đình tui ở cạnh Uỷ ban xã nhưng trận lũ năm 2009 đã cuốn đi tất cả nhà cửa, đồ đạc nên phải lên núi tránh lũ. Sau đó, do không có chỗ ở nên vợ chồng tui mới về đây dựng lều ở tạm đợi chuyển đến khu tái định cư. Thế nhưng, đã gần 4 năm rồi mà công trình chưa xong nên không chuyển đi được. Mùa mưa bão sắp đến rồi, sợ nhà bị gió xô đổ nên tui cùng các con lên rừng đốn tre về thưng lại xung quanh nhà, sửa lại căn bếp xiêu vẹo để ở chứ không biết khi nào mới được ở nhà mới". Nhà anh Nghiệp là một trong số 25 hộ dân thuộc diện di dời khẩn cấp ở xã Húc Nghì.

Nhiều túp lều được người dân dựng và sống tạm bên mép sông

Nhiều túp lều được người dân dựng và sống tạm bên mép sông

Anh Hồ Văn Mai nói: cuộc sống bà con ở đây khó khăn quá, nhà tui chỉ cách mép sông chưa đầy 3m, mỗi mùa mưa đến là nghe đất từ sau nhà cứ trôi xuống sông ầm ầm. Vợ chồng tui cùng mấy đứa con phải “cố thủ” trong nhà chứ không dám đi đâu hết. Không có đất làm nhà nên mới tạm ở đây chứ nguy hiểm lắm chú ơi. Bà con ở đây mong muốn được chuyển đến khu tái định cư để yên tâm sinh sống và làm ăn”.

Anh Hồ Văn Nghiệp đang tu sửa lại căn bếp đã xiêu vẹo

Anh Hồ Văn Nghiệp đang tu sửa lại căn bếp đã xiêu vẹo
 

Chị Hồ Thị Viềng, vợ của anh Hồ Văn Mỳ chỉ tay về phía khoảnh đất bị sạt lở rồi tỏ vẻ bực dọc: Chú nhà báo xem coi, trước kia đất nhà miềng ra tận ngoài kia nhưng qua mấy mùa mưa nó đã tiến sát mép nhà rồi. Cả nhà miềng lo lắm, muốn chuyển đến nơi ở mới nhưng không có đất, mà khu tái định cư thì chưa xây dựng xong. Sắp đến mùa mưa rồi không biết tính răng đây?. 

Anh Hồ Văn Nghiệp đang tu sửa lại căn bếp đã xiêu vẹo

Không thể chờ đợi ngày chuyển đến khu tái định cư, ông Vỗ Yên phải dựng lại nhà mới ngay trên nên đất cũ

Không thể chờ đợi chuyển đến khu tái định cư, 4 hộ dân gồm: Hồ Y Tuôi, Vỗ Yên, Hồ Văn Lai, Hồ Văn Miên đã xây dựng nhà ngay trên nền đất cũ để có chỗ sinh sống.

Cũng vì đơn vị thi công chưa xây dựng trường học nên nhiều năm qua Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Húc Nghì được tận dụng làm trường mầm non để phục vụ dạy chữ cho con em. Cô giáo Trần Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường mầm non Húc Nghì cho biết, năm 2009, trường Mầm non đã bị lũ cuốn trôi nên phải mượn tạm nhà sinh hoạt cộng đồng để dạy học. Đây là điểm trường trung tâm nên có đến 50 cháu nhưng phòng học rất chật chội, chỗ ở cho cán bộ, giáo viên lại không có.  

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Đàm, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng lũ ống, lũ quét xã Húc Nghì do Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư. Bên cạnh việc xây dựng khu tái định cư cho người dân, nhiều công trình hạ tầng công cộng như trạm y tế, trường học, hệ thống điện, nước sạch sinh hoạt cũng sẽ được đầu tư xây dựng để đảm bảo người dân được sống trong điều kiện tốt nhất. Tuy nhiên, do nguồn vốn giải ngân chậm, đến nay sau gần 4 năm triển khai thực hiện các đơn vị thi công mới chỉ hoàn thành được hơn 50% khối lượng, nhiều công trình thuộc dự án vẫn còn dang dở. Lãnh đạo tỉnh cũng nhiều lần yêu cầu các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ hơn nữa để huy động nguồn vốn đầu tư, nhanh chóng triển khai và hoàn thành các hạng mục và thực hiện việc di dân trước mùa mưa lũ năm nay.

“Không chỉ người dân mà cán bộ xã cũng rất mong muốn dự án sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng để người dân được di dời ra khỏi vùng nguy hiểm, yên tâm định cư sản xuất” – ông Đàm nói.

Đăng Đức