Thái Bình:
Dự án gần nghìn tỷ trầy trật… “bò” với 10 tỷ được giải ngân
(Dân trí) - Dự án nâng cấp quốc lộ 37 đoạn qua địa phận Thái Bình và cầu sông Hóa nối Thái Bình – Hải Phòng có tổng mức đầu tư hơn 900 tỷ đồng, đáng ra đã hết hạn 1,5 năm trước. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đường chưa thấy, cầu cũng chưa thành hình. Người dân “dài cổ” ngóng, địa phương, nhà thầu thì như ngồi trên lửa…
Nhà thầu bỏ 100 tỷ, được thanh toán10 tỷ
Cầu Sông Hóa – công trường ngổn ngang nhiều tháng nay. Vật liệu chất đống rải rác. Máy móc tập kết tại công trường đứng trơ, lặng lẽ. Trạm trộn bê tông, trạm biến áp, lán trại cho nhân công… đầy đủ nhưng vẫn ở trạng thái… chờ. Đầu đường dẫn vào công trường vẫn chưa rõ hình hài con đường khi cỏ dại đã mọc um. Dưới lòng sông Hóa, những ụ cọc khoan nhồi, những mố trụ đã hoàn thành cũng buồn tênh, đứng phơi mưa, phơi nắng.
Công trường đã đình trệ, chỉ hoạt động cầm chừngsuốt thời gian qua. Dự án được báo cáo là chậm tiến độ gần nửa năm so với kế hoạch.
Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình Nguyễn Hồng Diên (trái) kiểm tra hiện trường thi công công trình
Trong đợt kiểm tra tiến độ thi công những ngày cuối tháng 2 vừa qua, Bí thư tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Hồng Diên tỏ rõ sự lo lắng, sốt ruột vì những vướng mắc, cản trở với dự án trọng điểm của tỉnh.
Dự án nâng cấp quốc lộ 37 đoạn qua địa phận Thái Bình và cầu sông Hóa tổng mức đầu tư 904,789 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Đây là tuyến đường nối với quốc lộ 39 tại nút giao thị trấn Diêm Điền với dự án quốc lộ 37 đoạn qua huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng... Theo tiến độ hợp đồng, đến tháng 6/2017 hết hạn, tuy nhiên tiến độ đã được điều chỉnh đến tháng 8/2019. Tiến độ thực tế tại công trường đến nay đã chậm hơn 5 tháng so với kế hoạch.
Bí thư Nguyễn Hồng Diên yêu cầu nhà thầu, đơn vị thi công hàng tuần phải có báo cáo kết quả tiến độ thi công dự án với Thường trực Tỉnh ủy.
Trạm trộn, biến thế, máy cẩu... nằm bất động tại công trường
Báo cáo mới nhất (ngày 28/2/2019) từ nhà thầu – TCTy Đầu tư xây dựng Quyết Tiến về công tác thi công, những vướng mắc, kiến nghị đối với gói thầu cho biết, kể từ ngày khởi công (tháng 11/2015) tới nay, mặt bằng thi công đã được bàn giao 4 lần, lần đầu vào cuối tháng 5/2016, lần cuối cách đây 3 tháng nhưng vẫn chưa đầy đủ. Nhưng phần đã bàn giao đến nay cũng chưa sạch hoàn toàn, còn một số vị trí xen kẹt người dân chưa cho thi công, gây khó khăn cho hoạt động của nhà thầu.
Vướng mắc khác, theo nội dung hợp đồng đã ký Nhà thầu sẽ được tạm ứng 10% giá trị hợp đồng (không bao gồm giá trị dự phòng), tương đương khoảng 42 tỷ đồng nhưng Nhà thầu mới chỉ được tạm ứng 10 tỷ đồng, sau đó đã thu hồi hết ngay vào lần thanh toán đầu tiên.
Kế hoạch “giải cứu”
Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư xây dựng Quyết Tiến Nguyễn Khánh Chuyển quả quyết, mặc dù vậy, nhà thầu vẫn đã huy động vốn, máy móc thiết bị, nhân công tích cực triển khai thi công dự án. Đến nay, nhiều khối lượng công việc đã hoàn thành như san lấp mặt bằng thi công, xây dựng lán trại, lắp đặt trạm trộn bê tông, làm đường công vụ; đúc và thi công đóng hoàn thiện toàn bộ cọc bê tông cốt thép của mố A0 và trụ P1 cầu sông Hóa.
Đơn vị thi công cũng đã hoàn thiện toàn bộ cọc khoan nhồi trụ các trụ từ P2 đến P7 cầu sông Hóa và cọc khoan nhồi cầu kênh N; đã thi công đổ bê tông hoàn thiện bệ, thân, xà mũ trụ các trụ từ P2 đến P6 cầu sông Hóa; lắp đặt bệ đúc và đã đúc được 5/30 phiến dầm phía bờ Thái Bình.
Tính ra, tổng giá trị các hạng mục công trình đã thực hiện đến nay khoảng 100 tỷ đồng nhưng nhà thầu mới được tạm ứng và thanh toán vỏn vẹn 10 tỷ đồng. Tổng giá trị còn phải thi công của dự án là 324 tỷ đồng, trong đó phần cho cầu sông Hoá là 160 tỷ đồng, phần đường 145 tỷ đồng…
Người dân đã ngóng đợi cây cầu suốt mấy năm qua nhưng ngày qua ngày vẫn phải vượt sông Hoá qua cây cầu phao cũ kỹ, xuống cấp
Như vậy, khó khăn về vốn là nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc công trình đình trệ, chậm tiến độ. Than khó có thể “tay không bắt giặc” mãi, nhà thầu đề nghị phía Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thái Bình báo cáo, kiến nghị lên cấp trên để bố trí vốn kịp thời cho công trình, đảm bảo cho công trình được thi công hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng sớm, phát huy tính hiệu quả kinh tế xã hội của dự án; tránh trường hợp công trình bị thi công dở dang, lãng phí và tạo dư luận không hay trong xã hội.
Trong thời gian chờ Chính phủ bố trí vốn, nhà thầu cũng mong UBND tỉnh Thái Bình cho dự án vay vốn để tiếp tục thi công gói thầu, trước mắt là để giải phóng mặt bằng đối với phần còn lại và tập trung thi công hoàn thành toàn bộ cầu sông Hóa theo phân kỳ đầu tư. Giá trị đề nghị cho vay là 200-250 tỷ đồng.
Trao đổi với PV, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hồng Diên xác nhận những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ cho dự án. Ủng hộ những đề xuất của nhà thầu, Bí thư Diên cho biết, Thái Bình đã chính thức gửi văn bản lên Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đề nghị giao các cơ quan bố trí đủ vốn cho dự án như kế hoạch để địa phương hoàn thành công trình, tránh để dở dang, trái với Nghị quyết số 71 năm 2018 của Quốc hội về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Trước mắt, phía tỉnh Thái Bình sẽ ứng vốn để nhà thầu thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Lãnh đạo Tỉnh uỷ cũng đã giao Sở GTVT Thái Bình sớm làm việc với đơn vị đồng cấp của Hải Phòng đề ra phương án, đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng (bên phía Hải Phòng) để dự án hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
Nghị quyết 71 năm 2018 của Quốc hội nêu nguyên tắc ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trrung hạn giai đoạn 2016-2020 đang thực hiện dở dang, thiếu vốn thuộc nghĩa vụ của ngân sách trung ương; thanh toán các khoản nợ thuộc nghĩa vụ của ngân sác trung ương đối với các dự án đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng; các dự án ngân sách trung ương đang nợ tiền đền bù giải phóng mặt bằng và thanh toán theo tiến độ…
N.S