Nghệ An:
Dự án được tài trợ 100%, xã vẫn thu của dân hàng chục triệu đồng?
(Dân trí) - Để có một chỗ ngồi trong khu buôn bán thực phẩm sạch chợ Mai Trang, tiểu thương phải nộp hàng chục triệu đồng cho UBND xã. Trong khi đó, đây là dự án được tài trợ 100% kinh phí xây dựng.
Chị N.T.L - một tiểu thương bán thịt ở chợ Mai Trang - cho biết: “Trước khi giải tỏa chợ cũ, người ta hứa là nếu chúng tôi vào buôn bán trong khu thực phẩm sạch này sẽ không phải chịu bất kỳ một khoản chi phí xây dựng nào ngoài các khoản phi thông thường phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Nhưng trên thực tế, để vào được đây, chúng tôi phải đóng 25 triệu đồng cho xã mà không được giải thích đó là khoản tiền gì”.
Trong khi đó, nếu muốn có một gian hàng trong khu bán cá, các tiểu thương cũng phải bỏ ra ít nhất là từ 20-25 triệu đồng tùy thuộc vào vị trí. Khu vực hành lang phía ngoài của khu thực phẩm tươi sống cũng được “bán” với giá 5 triệu đồng một chỗ ngồi có chiều rộng 1,2m. Những tiểu thương ở khu hành lang sau khi trả tiền “thuê chỗ ngồi” họ phải đầu tư hơn 2 triệu đồng để làm mái che nếu không muốn buôn bán giữa mưa, nắng.
Chị T.T.M - một tiểu thương bức xúc: “Hứa không thu tiền nhưng rồi lại thu với giá cao ngất ngưởng. Chúng tôi buôn bán nhỏ lấy đâu ra một lúc mấy chục triệu đồng mà nộp cho xã. Năn nỉ mãi họ mới cho nợ, chỉ được nợ 30% cộng với lãi suất ngân hàng và buộc phải thanh toán hết trong vòng 1 năm”.
Mặc dù các tiểu thương phải đóng nộp một khoản tiền từ 6 đến 25 triệu đồng nhưng chỉ được cấp một giấy biên nhận tiền từ một cán bộ UBND xã. Ngoài chữ ký của người này ra thì hoàn toàn không có bất kỳ một xác nhận đảm bảo nào từ phía chính quyền địa phương.
Bởi vì phải trả một lúc số tiền khá lớn nên hiện nay vẫn còn nhiều gian hàng ở khu bán thịt để trống, chưa có người đăng ký. Trong khi đó, khu bán cá lại được sử dụng để bán thịt hoặc rau củ. Còn hàng cá lại được chuyển ra hành lang.
Một điều khó hiểu là mặc dù dự án được thực hiện nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm tươi sống sạch nhưng theo quan sát của chúng tôi, các loại thịt được buôn bán trong khu này đều không được đóng dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. Các tiểu thương cho biết, đã hơn 2 tháng kể từ khi đi vào hoạt động, họ chưa thấy ai đến kiểm tra và đóng dấu kiểm dịch cho thực phẩm. Mọi hoạt động buôn bán ngành hàng này vẫn thực hiện như trước đây.
Đưa vấn đề này trao đổi với ông Nguyễn Duy Trí - Chủ tịch UBND xã Nghi Xuân, ông này cho biết để dự án có thể khởi công xây dựng, xã phải chịu trách nhiệm giải phòng mặt bằng khu chợ cũ với 128 ki ốt, 2 bãi gửi xe, 1 nhà BQL, 1/3 bờ rào của chợ cùng với việc nâng cấp 3 con đường phục vụ chuyên chở vật liệu. Khi dự án hoàn thành thì chỉ có 44 ki ốt. Như vậy có tới 84 hộ tiểu thương không có mặt bằng kinh doanh.
“Chợ làm xong rồi, gần 100 tiểu thương kéo lên xã “ăn vạ”. Để yên dân, chúng tôi phải phá dỡ các quầy hàng xây dựng trước đây mặc dù là đúng quy hoạch nhưng hơi rộng rồi chèn hành lang để làm thêm địa điểm. Nhu cầu về địa điểm kinh doanh cùng với đó là các khoản chi phí bỏ ra để giải phòng mặt bằng thực hiện dự án nên UBND xã đã họp và trình Ban thường vụ Đảng ủy thu một khoản tiền từ các tiểu thương muốn vào khu thực phẩm sống kinh doanh.
Thực tế thì số tiền thu được từ các hộ tiểu thương không nhiều, chỉ có 4 hộ từ 20-25 triệu đồng, gần chục hộ từ 10-15 triệu đồng, còn lại là 6-8 triệu đồng. Tổng số tiền thu được là 480 triệu, trong khi xã cần đến 750 triệu để nâng cấp chợ. Số tiền này là tiền thu trong vòng 10 năm, tính ra thì mỗi năm cũng chỉ có vài triệu đồng còn nếu tính theo ngày thì cũng chỉ ở mức từ 3.500-7.000 đồng”, ông Trí cho biết.
Về việc khi nộp tiền chỉ được cấp giấy “biên nhận” được ông Trí giải thích là do quy định về việc ghi hóa đơn. Sợ rằng khi ghi hóa đơn sẽ có sai sót hoặc người dân không giữ được hóa đơn nên phải cấp giấy biên nhận rồi sau đó sẽ đổi lại hóa đơn để nộp lên Chi cục Thuế theo đúng quy định của Nhà nước. Trong biên lai thu tiền nộp lên cơ quan thuế, khoản tiền này được ghi hết sức rõ ràng là “tiền thuê mặt bằng kinh doanh”.
Về phản ánh việc thu tiền lãi suất cho khoản nợ của các tiểu thương, ông Tý cho biết là đã bỏ ngay sau đó. Ông Chủ tịch cho rằng chợ Mai Trang không chỉ để phục vụ mỗi người dân Nghi Xuân kinh doanh, buôn bán mà còn có một số lượng lớn người dân các địa phương lân cận. Bởi vậy, sử dụng ngân sách xã để đầu tư, nâng cấp chợ thì người dân không đồng ý nên phải thu tiền của các hộ dân hưởng lợi từ dự án để lấy kinh phí nâng cấp các hạng mục khác không nằm trong dự án.
Ông Lưu Công Hoa - Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở NN-PTNN tỉnh kiêm Phó BQL dự án cho biết toàn bộ kinh phi thực hiện dự án do Ngân hàng thế giới tài trợ. Người dân không phải bỏ bất kỳ một chi phí xây dựng nào ngoài các khoản phí tăng thêm như phí vệ sinh chung, chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng. Sau khi bàn giao, xã có trách nhiệm họp các chủ hộ kinh doanh, phân quầy, thống nhất mức thu phí trong quá trình sử dụng bằng văn bản rồi gửi về BQL dự án.
“Tại chợ Mai Trang, giữa UBND xã Nghi Xuân và người dân chưa thỏa thuận được với nhau về mức thu phí nên chưa gửi biên bản thỏa thuận về BQL dự án nên chúng tôi không nắm được mức thu phí cụ thể. Qua một số kênh thông tin, chúng tôi có nghe phản ánh về số tiền xã thu của các hộ tiểu thương thuộc khu thực phẩm tươi sống. Gọi điện cho lãnh đạo xã thì họ bảo đó là số tiền thuê đất chứ không phải là tiền thuê quầy.
Chúng tôi cũng không rõ là xã được phép thu tiền thuê đất của các tiểu thương hay không như trong dự án thì không có quy định về việc thuê đất, thuê quầy. Riêng về việc xã để cho các hộ kinh doanh rau, thịt trong khu quy hoạch bán cá là vi phạm, chúng tôi sẽ làm việc với UBND xã và BQL chợ về vấn đề này”.
Ông Nguyễn Duy Trí: “Trách nhiệm kiểm tra và đóng dấu kiểm dịch thuộc về Phòng thú y huyện, chúng tôi chỉ là đơn vị phối hợp. Xã không có quyền được đóng dấu kiểm dịch vào thực phẩm tươi sống nhưng thỉnh thoảng chúng tôi có đi kiểm tra bằng cảm quan. Nếu có thịt nghi có bệnh sẽ yêu cầu người dân không bán”. |
Một dự án 100% vốn đầu tư từ Ngân hàng Thế giới nhưng người thụ hưởng lại phải đóng tiền để được kinh doanh. Không những thế, mặc dù mục đích đưa ra là nhằm xây dựng một khu bán thực phẩm tươi sống để hình thành một chợ kiểu mẫu điển hình đảm bảo vệ sinh, tiêu độc, khử trùng có kiểm soát, kiểm dịch theo định kỳ nhưng trên thực tế vẫn chỉ bán thực phẩm chưa qua kiểm dịch. Những “trái khoáy” này vẫn đang ngang nhiên tồn tại tại chợ Mai Trang khiến người dân hết sức băn khoăn.
Hoàng Lam