Dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông: Cuối năm 2015 phải hoàn thành
Trước tiến độ Dự án Đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh- Hà Đông thi công chậm, sáng 2/4, Bộ GTVT (chủ đầu tư) có buổi làm việc với Tổng thầu EPC Trung Quốc, Ban Quản lý Dự án đường sắt và các đơn vị liên quan. Bộ GTVT yêu cầu Tổng thầu phải bỏ “khoán” việc cho thầu phụ, bằng mọi giá cuối năm 2015 phải hoàn thành thi công dự án.
Hình thức Tổng thầu EPC đi lạc hướng
Về tiến độ dự án, ông Lê Kim Thành, Giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt (đại diện chủ đầu tư) cho biết, sau hơn 2 tháng tạm dừng, đến nay dự án đã khởi động lại. Trong thời gian qua, dự án đã thi công được 171 cọc khoan nhồi, 21 bệ trụ khu gian trên tuyến và bệ trụ vào đề-pô; lao lắp 11 dầm đường ray trước cửa Đại học Quốc gia, hoàn thành cơ bản các đốt nối tại cầu vượt sông Nhuệ (Hà Đông). Hiện Tổng thầu đã cử một lượng công nhân, kỹ sư tương đối để giám sát.
Theo ông Thành, các phần việc nặng nhất hiện nay là thi công nhà ga và lao lắp dầm. Hiện dự án đang triển khai lao lắp dầm trên đường Nguyễn Trãi, tuy nhiên thi công đến nút giao thông Thanh Xuân thì gặp phải cầu vượt đi bộ và đường vành đai 3 trên cao, khiến cẩu dầm long môn không thể di chuyển tiếp. Ban Quản lý yêu cầu Tổng thầu phải có phương án thi công phù hợp. Với các nhà ga, hiện ga Cát Linh còn vướng nhà của 6 hộ dân chưa được thành phố Hà Nội giải phóng.
Về Tổng thầu, ông Thành đánh giá, sau khi có sự thay đổi nhân sự, sự phối hợp giữa Tổng thầu, Tư vấn giám sát (TVGS) có sự nhịp nhàng hơn. Nhưng Tổng thầu vẫn có những khiếm khuyết cần phải khắc phục, như phải tăng thêm nhân lực để có người thi công, giám sát chứ không phó mặc cho tư vấn, thầu phụ.
Đại diện Viện Khoa học và Công nghệ GTVT cho rằng, với công trình được thực hiện theo hình thức Tổng thầu EPC, dự án phải có Tổng kiến trúc sư công trình. Từ đó giúp dự án có tính kết nối tổng thể tốt, tuy nhiên tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa có Tổng kiến trúc sư công trình dẫn thi công rời rạc, khó kiểm soát, khiến chủ đầu tư phải vất vả can thiệp. Điều này đang chứng tỏ dự án không còn là Tổng thầu EPC (chìa khóa trao tay) nữa.
Tổng thầu sẽ dùng cẩu dọc để lắp dầm vượt đường trên cao - vành đai 3 (Thanh Xuân). Ảnh: Trọng Đảng.Bỏ “khoán” việc cho thầu phụ
Thay mặt Tổng thầu EPC, ông Dư Giang (quốc tịch Trung Quốc)- Giám đốc Dự án Đường sắt Cát Linh- Hà Đông cho biết, Tổng thầu đang từng bước khắc phục những thiếu sót vừa qua. Ban lãnh đạo mới đã kiện toàn nhân sự thi công để đẩy nhanh tiến độ. Với vị trí Tổng Công trình sư, ông Dư Giang cho biết, Tổng thầu đã cử ông Vương Hải Ba (quốc tịch Trung Quốc), Phó Tổng Công trình sư của Cty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc sang làm Tổng công trình sư tại dự án.
Với công tác thi công dầm trên hiện trường, dại diện Tổng thầu cho rằng, lâu nay việc này do một nhà thầu phụ Trung Quốc đảm nhiệm, nhưng nay Tổng thầu sẽ trực tiếp làm. Tổng thầu đã mua lại toàn bộ máy móc, thiết bị của nhà thầu phụ kia để thi công.
Với việc lao lắp dầm qua nút Thanh Xuân, ông Dư Giang cho biết, thay vì dùng cẩu long môn đặt ngang đường cẩu dầm lên, nay Tổng thầu sẽ dùng cẩu dọc chạy dọc trên không trung. Với 7 nhà ga đang thi công, đại diện tổng thầu cho biết, Tổng thầu đang từng bước đơn giản hóa thủ tục thẩm tra, cùng với trả dần số nợ cho các nhà thầu phụ để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Ông Dư Giang cũng nêu một số khó khăn, đề nghị Chủ đầu tư sớm phê duyệt tổng mức đầu tư để làm dự toán chính thức. Tuy nhiên, đại diện Chủ đầu tư - ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT bày tỏ: “Tổng thầu đang có 180 hồ sơ dự án đã lập nhưng mới hoàn thiện được 40 hồ sơ, còn khoảng 140 bộ chưa xong thì ông kiến nghị gì”.
Đánh giá về dự án, ông Trường cho rằng, 3 tháng của năm 2015 đã đi qua, nhưng tiến độ thi công rất chậm và không đáp ứng được mong muốn của người dân. Do vậy, cùng với việc tăng cường lực lượng thi công giám sát và triển khai dự án theo đúng hình thức EPC, ông Trường yêu cầu tháng 4/2015 cả Tổng thầu và Ban Quản lý dự án Đường sắt phải xây dựng xong điều chỉnh bổ sung tổng thể dự án. Sau đó phải thực hiện cho bằng được các hạng mục để đạt tiến độ cuối năm 2015 hoàn thành xây dựng hạ tầng, đầu quý 2 năm 2016 đưa dự án vào chạy thử, khai thác.
Tiền Phong