1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ninh Bình:

Dự án di dân khỏi vùng "khẩn cấp", gần chục năm vẫn còn trên... giấy

(Dân trí) - Gần 200 hộ dân ở Ninh Bình nằm trong vùng nguy hiểm được sắp xếp di dân từ năm 2008. Thế nhưng, nhiều năm trôi qua dự án tái định cư cho dân vùng "khẩn cấp" này vẫn nằm trên giấy vì... đói vốn!

Tháng 12/2012, UBND tỉnh Ninh Bình có Quyết định thu hồi đất, giao đất để thực hiện dự án phục vụ tái định cư 2 thôn Tràng An và Đồng An, xã Lạng Phong, huyện Nho Quan thuộc Dự án bố trí, sắp xếp dân cư ra khỏi vùng sạt lở đất, lũ ống, lũ quyét huyện Nho Quan và huyện Gia Viễn.

Theo Quyết định trên, UBND tỉnh Ninh Bình thu hồi 435m2 đất, gồm 80m2 đất giao thông, 355m2 đất thủy lợi do UBND xã Lạng Phong quản lý. Giao diện tích đất trên và 9.873,45m2 đất (được UBND huyện Nho Quan thu hồi tại Quyết định 4404/QĐ-UBND ngày 12/12/2010) cho Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) thực hiện dự án phục vụ khu tái định cư 2 thôn: Tràng An và Đồng An xã Lạng Phong thuộc Dự án bố trí, sắp xếp dân cư ra khỏi vùng sạt lở đất, lũ ống, lũ quyét huyện Nho Quan và huyện Gia Viễn (Ninh Bình).

Khoảng 200 hộ dân thôn Tràng An và Đồng An đang sống trong vùng nguy hiểm cần được di dời.
Khoảng 200 hộ dân thôn Tràng An và Đồng An đang sống trong "vùng nguy hiểm" cần được di dời.

Ông Phạm Văn Lưu - Chủ tịch UBND xã Lạng Phong cho biết, hai thôn Tràng An và Đồng An nằm ngoài đê Nho Quan, giáp với sông Lạng nên thường xuyên phải "sống chung với lũ". Có năm, người dân nơi đây phải đối mặt với 2 - 3 trận lũ, nước dâng cao lên đến nhà cửa, ngập đường đi là chuyện bình thường. Bà con hai thôn chủ yếu sống bằng nghề sông nước nên mỗi khi lũ lụt, phương tiện di chuyển chủ yếu là thuyền bè.

"Hai thôn Đồng An và Tràng An có gần 200 hộ dân với khoảng 900 nhân khẩu. Hầu hết các hộ dân ở đây đều sống trên diện tích đất có nguồn gốc từ đời ông cha để lại. Đặc biệt có hộ đã năm đời sinh sống trên thửa đất ven sông của gia đình. Do sống bên sông thường xuyên ngập lụt, nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đất, nhu cầu mở rộng về đất ở, giãn dân nên nhiều hộ dân ở đây cũng mong muốn được di dời vào trong đê để sinh sống", ông Lưu nói.

Được biết, dự án tái định cư phục vụ 200 hộ dân "vùng nguy hiểm" nói trên được thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh Ninh Bình từ tháng 8/2008 với tổng số vốn hơn 274 tỷ đồng. Tuy nhiên, do không có nguồn vốn nên dự án "dậm chân tại chỗ" nhiều năm qua. Hiện quy hoạch khu tái định cư vẫn còn nằm trên... giấy.

Khu tái định cư cho khoảng 900 dân sau 5 năm xây dựng hiện mới chỉ làm được con đường, chưa thể đền bù, giải phóng mặt bằng vì... đói vốn.
Khu tái định cư cho khoảng 900 dân sau 5 năm xây dựng hiện mới chỉ làm được con đường, chưa thể đền bù, giải phóng mặt bằng vì... đói vốn.

Theo đó, giai đoạn 1 của dự án theo quy hoạch sẽ thu hồi khoảng 5ha đất hai lúa của người dân thôn Đồng Đinh (xã Lạng Phong). UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, đến hết năm 2016 dự án đã được thi công một số hạng mục như: san nền, thoát nước và đường phân lô, nhà văn hóa, nhà trẻ, trạm y tế... với giá trị thực hiện hơn 5,2 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, toàn bộ khu tái định cư này hiện vẫn đang chỉ là "đồng không mông quạnh", không có gì ngoài con đường dài khoảng 1km, rộng 5m (đổ bê tông rộng 3m); diện tích đất theo quy hoạch vẫn chưa thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng...

Chủ tịch UBND xã Lạng Phong cho biết thêm, diện tích bị thu hồi phục vụ giai đoạn 1 của dự án là đất sản nông nghiệp của hơn 50 hộ dân. Những hộ dân này thấy có quyết định thu hồi đất từ nhiều năm qua nhưng mãi vẫn không thấy đền bù, giải phóng nên luôn "thấp thỏm lo âu". Các hộ dân có ý kiến về dự án có thu hồi đất nữa hay không để yên tâm sản xuất.

Các hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi "nóng ruột" là thế, ngược lại nhiều hộ dân ở thôn Tràng An và Đồng An có nhu cầu về đất ở, nhà cửa xuống cấp... cũng "đứng ngồi không yên" nhiều năm qua. Các hộ dân này khi biết có dự án di dân và tái định cư rất mong muốn được vào trong đê để ổn định cuộc sống, tránh cảnh cứ hơi mưa là nước ngập dâng lên đến nhà, con cái phải nghỉ học vì đường ngập, chưa kể nhiều nguy hiểm luôn rình rập như lũ quét, lũ ống, sạt lở đất khi mùa mưa bão đến.

Ghi nhận của PV Dân trí, sau nhiều năm dự án di dân chậm triển khai, nhiều hộ dân ở hai thôn Tràng An và Đồng An đã không còn chờ đợi và hy vọng vào dự án trên. Họ đã tự xây những căn nhà lớn, kiên cố giáp bờ sông để ứng phó với thiên tai. Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới cho họ.

Chưa biết đến bao giờ các hộ dân vùng khẩn cấp của huyện Nho Quan mới được vào nơi ở mới.
Chưa biết đến bao giờ các hộ dân vùng "khẩn cấp" của huyện Nho Quan mới được vào nơi ở mới.

"Đối với các hộ dân có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi làm dự án tái định cư, sau khi được các cấp ngành của tỉnh trả lời về lý do chậm tiến độ dự án, đến nay đã yên tâm sản xuất. Ngược lại, nhiều hộ dân ở hai thôn Tràng An và Đồng Đinh nếu giờ di dời vào khu tái định cư họ cũng không muốn đi nữa vì đã xây nhà kiên cố, ở "quen đất" ông cha, nơi ở thuận tiện cho công việc làm ăn sinh sống", ông Lưu chia sẻ.

Đề cập đến nguyên nhân dự án di dân vùng "khẩn cấp" của xã bị chậm tiến độ, ông Lưu cho hay, do khó khăn về nguồn vốn. "Xã không phải chủ đầu tư dự án mà chỉ phối hợp thực hiện. Nếu đúng tiến độ thì dự án di dân và tái định cư này hoàn thành giai đoạn 1 năm 2016. Lý do dự án chậm triển khai xã cũng chỉ được thông qua, hiện chúng tôi vẫn tiếp tục tuyên truyền để nhân dân vùng bị ảnh hưởng từ dự án để họ chia sẻ với nhà nước, yên tâm sinh sống, sản xuất, khi nào dự án tiếp tục xã sẽ có thông báo", ông Lưu chia sẻ.

UBND tỉnh Ninh Bình lý giải: Đây là dự án đầu tư bằng nguồn vốn vượt thu ngân sách của Chính phủ theo năm ngân sách, vì vậy kinh phí có năm được cấp, có năm không được cấp.

Thái Bá