Nhân ngày Chăm sóc và Bảo vệ người khuyết tật Việt Nam 18/4:
DRD - Đời Rất Đẹp!
(Dân trí) - Tập trung toàn những người khuyết tật (NKT), nhưng tổ chức ấy không ngừng lớn mạnh trong suốt 4 năm qua. Bởi những con người này không cam chịu đầu hàng số phận, luôn lạc quan tin tưởng: “Đời Rất Đẹp!”.
Tổ chức chúng tôi muốn nói đến là Chương trình Khuyết tật và Phát triển (DRD), một dự án hoạt động nhằm nâng cao nhận thức tích cực của cộng đồng đối với NKT và tạo điều kiện cho họ phát triển. DRD được thành lập từ năm 2005, hoạt động dưới sự tài trợ của Quỹ Ford Việt Nam và trực thuộc khoa Xã hội học trường ĐH Mở TPHCM.
Giám đốc DRD là chị Võ Thị Hoàng Yến. Chị Yến bị tật chân sau cơn sốt bại liệt năm ba tuổi, một chân của chị mất khả năng vận động, chân còn lại rất yếu. Chị chỉ có thể di chuyển bằng nạng trong một quãng đường ngắn.
Trợ lý giám đốc của DRD là chị Lưu Thị Ánh Loan. Cũng sau một cơn sốt, một chân của chị bị teo nhỏ, khả năng vận động mất hẳn. Nhưng nhờ quá trình tập luyện, chị vẫn có thể sử dụng chiếc chân ấy và đi trên hai chân của mình dù hơi khó khăn.
Chuyên viên phụ trách mảng khiếm thính của DRD là chị Dương Phương Hạnh, cũng là một người khiếm thính. Lúc chào đời, chị bình thường như bao trẻ khác, nhưng sau một cơn bạo bệnh năm 6 tuổi, chị mất dần khả năng nghe.
Còn Nguyễn Thanh Tùng, nhân viên phụ trách tổ chức và truyền thông bị liệt cả hai chân, phải di chuyển bằng cặp nạng. Anh Nguyễn Văn Cử, nhân viên phụ trách mảng tập huấn và việc làm, cũng bị liệt một chân… Tóm lại, cả DRD không có lấy một nhân viên lành lặn hoàn toàn, trừ những tình nguyện viên quốc tế đến làm việc tại tổ chức này.
Nhưng không cam chịu
Giám đốc DRD Võ Thị Hoàng Yến
Như chị Võ Thị Hoàng Yến, có hai bằng Đại học (Kinh tế và Ngoại ngữ), lại tốt nghiệp thạc sĩ ngành Khoa học hành vi tại ĐH Kansas, Hoa Kỳ với khóa luận xuất sắc. Chị từng nhận được nhiều giải thưởng của các tổ chức quốc tế về hoạt động nghiên cứu và cống hiến cho cộng đồng NKT Việt Nam.
Lưu Thị Ánh Loan cũng tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Chị là một trong những chuyên gia đầu tiên thực hiện chương trình chữa trị tâm lý bằng phương pháp tham vấn đồng cảnh tại nước ta.
Nhóm tham vấn đồng cảnh của chị đã triển khai chương trình này ở hàng loạt cơ sở y tế như: Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, BV Điều dưỡng phục hồi chức năng & Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM, BV Chợ Rẫy…
Dù bị khiếm thính nhưng chị Dương Phương Hạnh kiên trì học chữ, học giao tiếp, rồi hoàn thành chương trình học phổ thông. Sau đó, chị lại cố gắng đeo đuổi chương trình ĐH tại trường ĐH Bách Khoa, trau dồi khả năng ngoại ngữ.
Đến nay, chị là một trong những NKT vô cùng đặc biệt. Vì ngoài ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính, chị còn am hiểu kỹ năng nhìn môi đoán tiếng, không chỉ tiếng Việt mà còn có khả năng giao tiếp đơn giản bằng tiếng Anh, khả năng dịch thì rất “cừ”.
Đời rất đẹp!
Điểm đặc biệt ở những con người này chính là tinh thần lạc quan, không vì bị tật mà đau khổ, than thân trách phận.
Chị Hoàng Yến tự tin: “Anh có thể chạy nhanh hơn tôi, nhưng làm việc trí óc anh chưa chắc hơn tôi”. Chị Ánh Loan cho rằng: “Cuộc đời khép cánh cửa này tất sẽ mở ra cánh cửa khác”. Chị Phương Hạnh thì triết lý: “Có đi sẽ đến”…
Tinh thần ấy đã tạo nên phương châm hành động của DRD là: “Khuyết tật chỉ là hạn chế; NKT hoàn toàn có thể học tập, làm việc không thua kém người không khuyết tật, nếu được tạo điều kiện học tập, làm việc thích hợp”.
Bởi thế, DRD không nhận tiền từ thiện, chỉ nhận ủng hộ học bổng cho trẻ khuyết tật và tiền tài trợ thực hiện dự án. Các dự án của DRD thực hiện cũng khá kỳ lạ so với các tổ chức NKT khác. Nào là: “Vận động các tổ chức xây dựng trụ sở đúng quy chuẩn cho NKT tiếp cận”, “Tư vấn cho các doanh nghiệp cách sử dụng lao động là NKT”, “Tư vấn cho NKT kỹ năng xin việc”…
Đến ngay cả hội quán mà DRD vừa thành lập để tạo công ăn việc làm cho các bạn khiếm thính cũng mang đậm tinh thần DRD. Hội quán ấy dù từ người làm cho đến chủ nhiệm đều là NKT, đối tượng phục vụ chủ yếu cũng là NKT nhưng lại mang cái tên rất lạc quan: “Đời Rất Đẹp”.
Theo DRD, NKT vốn không cần bảo vệ và chăm sóc như những đứa trẻ mà cần được tạo điều kiện tốt nhất cho họ phát triển bản thân.
Tùng Nguyên