Đột phá trong cải cách tòa án giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý

Thế Kha

(Dân trí) - Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, đã tổ chức xét xử trực tuyến 3.614 vụ án. Việc này đánh dấu bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống tòa án, giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý.

Báo cáo về công tác của các tòa án trước Quốc hội sáng 8/11, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình thông tin, năm 2022, các tòa án đã thụ lý hơn 567.500 vụ việc, đã giải quyết được gần 504.700 vụ việc (đạt tỷ lệ 88,9%; cao hơn năm trước 7,7%).

Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,9%, đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra (không quá 1,5%).

Đội ngũ cán bộ tòa án các cấp tiếp tục được kiện toàn và nâng cao về chất lượng. Đến nay, TAND đã hoàn thành việc tinh giản biên chế theo quy định. Tổ chức thành công các kỳ thi tuyển chọn, nâng ngạch Thẩm phán, chuyên viên, chuyên viên chính, cán sự.

Đột phá trong cải cách tòa án giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý - 1

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình (Ảnh: Phạm Thắng).

Trong năm qua, Chánh án TAND tối cao đã trình Chủ tịch nước quyết định bổ nhiệm gần 1.300 thẩm phán và miễn nhiệm đối với 10 thẩm phán. Đội ngũ hội thẩm hiện nay về cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác xét xử, việc phân công hội thẩm tham gia phiên tòa đảm bảo thống nhất, khoa học.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, TAND tối cao đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021 và nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện xét xử trực tuyến; tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai thi hành Nghị quyết của Quốc hội đến tất cả TAND các cấp.

"Tính đến nay đã tổ chức xét xử trực tuyến với tổng cộng 3.614 vụ án. Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đánh dấu bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống tòa án, đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, tiết kiệm chi phí và thời gian, nhất là trong thời gian dịch bệnh", ông Bình nói.

Dù vậy, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng thẳng thắn thừa nhận hoạt động của các tòa án còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót như: tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan vẫn còn cao; vẫn còn một số ít vụ việc dân sự quá hạn giải quyết do nguyên nhân chủ quan; một số cán bộ không chịu rèn luyện đã vi phạm pháp luật và kỷ luật công tác.

Các hạn chế, thiếu sót đó do số lượng các loại vụ việc và đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà các tòa án phải thụ lý, giải quyết tăng nhanh và ngày càng phức tạp. Trong khi đó, số lượng thẩm phán, công chức chưa đủ nên áp lực công việc rất lớn. Một số cơ quan, tổ chức chưa thực sự quan tâm đến công tác phối hợp với tòa án, chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, giám định…

Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong thời gian, TAND tối cao xác định tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, công chức.

 "Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao năng lực chuyên môn; tăng cường thanh tra, kiểm tra và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức có liên quan trong quá trình thực hiện các mặt công tác của tòa án", Chánh án Nguyễn Hòa Bình thông tin trước Quốc hội..