(Dân trí) - Thôn xóm điêu tàn, những nhà dân bị lũ cào bằng nhiều không kể xiết, những ánh mắt thẫn thờ, ngơ ngác, những tiếng nấc tức tưởi, từng đoàn người đưa tang lặng lẽ nối nhau đi trên con đường làng vẫn còn ngập ngụa bùn non...
Đến chiều ngày 5/11, từng đoàn xe của lực lượng vũ trang về giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, hàng hoá cứu trợ vẫn nằm dài phía đầu cầu La Hai (thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) bị hỏng do mưa lũ gây chia cắt, cô lập các xã vùng sâu của huyện miền núi Đồng Xuân. Phía trên cao hút tầm mắt, cầu đường sắt Bắc - Nam đi qua thị trấn La Hai tại km 1134+800 cũng bị hư hỏng nặng gần 700 mét, vết lũ kinh hoàng đánh dấu bởi những rác rưởi, rơm rạ trôi theo lũ vắt ngang thân cầu đường sắt.
Theo ca nô chuyên dụng vượt qua khúc cầu gãy tiếp cận các xã vùng sâu của huyện này, chúng tôi chứng kiến toàn cảnh sức tàn phákinh hoàng của cơn thiên tai vừa hoành hành. Các tuyến đường lên xã vùng sâu bị xói lở hàng chục ki-lô-met.
Trên bãi đất trống trơn của xóm Trường, thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, những người lớn gục đầu buồn đau, những đứa trẻ khóc ngặt bên thi hài cha mẹ vừa tìm được. Em Trương Tuấn Nghĩa (12 tuổi) và anh trai Trương Trung Hưng (18 tuổi) cứ khóc nấc kêu ba, kêu mẹ. Thi hài vợ chồng anh Trương Minh Tuệ (48 tuổi) và chị Trương Thị Viên (47 tuổi), ba mẹ các em, nằm trong lán trại dựng tạm giữa bãi đất trơn, lạnh lẽo. Cơn lũ dữ đi qua, hai em Nghĩa, Hưng thành trẻ mồ côi, không nhà, không cửa.
Hai em Hưng, Nghĩa thẫn thờ bên thi hài ba mẹ.
Giọng nói nấc nghẹn, Trương Tuấn Nghĩa kể lại: Đêm đó, lũ đổ về nhanh quá, nước lớn lại mạnh, cả nhà bốn người leo lên nóc nhà chạy nạn. Nhưng lũ dâng cao, cuốn trôi cả nhà, cả gia đình em chơi vơi trong biển nước. Hưng nghe tiếng em Nghĩa kêu cứu, cố níu tay em, hai anh em bám vào đọt dừa. Đọt dừa gãy, hai anh em trôi một đoạn rồi bám vào được ngọn tre làng. Ngoảnh mặt nhìn quanh, các em không thấy ba mẹ đâu nữa, gọi khản giọng mà không ai trả lời.
Lũ tan, làng xóm dắt díu nhau về, đợi một ngày, hai ngày, ba mẹ vẫn không về. Đến ngày thứ ba, hai anh em rụng rời khi nhìn thấy thi hài ba mẹ, cứ nhào đến ôm ba ôm mẹ mà khóc.
Lũ đã xoá sổ toàn bộ nhà dân ở xóm Trường, thôn Triêm Đức. Toàn huyện Đồng Xuân có 26 người chết và 10 người mất tích theo thống kê chưa đầy đủ tính đến chiều ngày 5/11; riêng xóm Trường, đã có 12 người chết và 6 người mất tích; hầu như chẳng ai còn nhà cửa.
Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch xã Xuân Quang 2, cho biết, cả xã có hơn 1.000 hộ dân với hơn 4.000 nhân khẩu. Hơn 1.000 nhà dân đều bị ngập lũ cao trên 3 mét, hơn 4.000 dân đang đứng trước nguy cơ thiếu đói trầm trọng vì toàn bộ lúa gạo, hoa, màu, gia súc, gia cầm đều mất trắng. Trong cơn thiên tai, ai may lắm thì giữ được mạng người. Người chết nằm la liệt trên đất trống. Trong ngày hôm qua, trực thăng của TW chi viện cứu hộ, cứu nạn không chỉ tiếp tế những gói mì tôm rất đỗi quý giá mà còn mang đến Đồng Xuân nhưng rương hòm để chôn cất người chết.
Trong những món "hàng cứu trợ" do trực thăng chở đến có cả những chiếc quan tài cho người xấu số.
Trên lối vào thôn Tân Long, xã Xuân Sơn Nam, ngay đoạn cầu cống bị bão lũ đánh sập, hai cha con ông Trần Tấn Mẫn (60 tuổi) và chị Trần Thị Liên (34 tuổi) đã thiệt mạng trong khi chạy lũ; cháu Nguyễn Văn Hùng, cháu kêu ông Mẫn bằng ông cậu, cũng bị thiệt mạng ngay chỗ này. Hình ảnh con trai chị Liên ôm di ảnh mẹ trên đường đưa tang thương thắt ruột. Sau cơn thiên tai vừa quét qua các tỉnh Nam Trung Bộ, có bao nhiêu đứa trẻ bỗng thành mồ côi!
Con trai chị Liên thẫn thờ ôm di ảnh mẹ
Cụ Bảy Bàng đã hơn 80 tuổi, ôm niêu cơn trắng run run: “Hai ngày nay rồi mới thấy hạt cơm trắng, là của người ta mới giúp cho, mất hết rồi con ơi”…
Chia nhau những hạt cơm trắng muối vừng quý giá.
Chưa bao giờ Đồng Xuân tức tưởi, tan hoang quặn thắt lòng người đến vậy!
Thông tin từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, hiện vẫn còn hàng chục điểm sạt lở trên dọc tuyến đường sắt chạy qua địa phận miền Trung. Gần 20 chuyến tàu khách phải chuyển tải, hơn 5.000 người nằm chờ tại các ga.
Cụ thể, đến 8h sáng ngày 5/11, số chuyến tàu khách phải chuyển tải là 17 chuyến, số hành khách nằm chờ ở các ga là 5.368 người, số xuất ăn phục vụ miễn phí là 26.840 xuất, số hành khách được chuyển tải dự kiến hết ngày 4/11 là gần 4.600 người. Số đoàn tàu buộc phải bãi bỏ là 10 đoàn, Những ngày qua, ngành đường sắt đã huy động gần 1.000 cán bộ và nhiều thiết bị chuyên dùng để tổ chức cứu chữa khôi phục giao thông đường sắt.
Dự kiến đến ngày 10/11 sẽ thông tàu bước 1 trên toàn tuyến, kinh phí ban đầu để thông xe bước 1 khoảng 26,5 tỷ đồng. Dự kiến kinh phí để sửa chữa bước 2 lên tới 50 tỷ đồng. (Phúc Hưng)