1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đồng thuận nâng thuế đất ở để chống đầu cơ

(Dân trí) - Thông qua Luật thuế sử dụng phi nông nghiệp sáng nay, Quốc hội đã quyết định nâng đồng loạt mức thuế suất đối với các hạn mức sử dụng đất từ 0,06-0,2% so với phương án xây dựng ban đầu. Nhà ở cũng chính thức được loại khỏi diện đánh thuế.

Nhà ở chính thức được loại bỏ khỏi đối tượng chịu thuế. Kết quả thăm dò ý kiến của UB Thường vụ Quốc hội có 256/32 đại biểu tán thành phương án này. Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn đề nghị đánh thuế với nhà nhằm đảm bảo mục tiêu hạn chế đầu cơ, khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm.

Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm, việc áp dụng thuế nhà ở hiện tại chưa có sự đồng thuận cao. Hơn nữa, khi nền kinh tế của Việt Nam chưa thực sự ổn định, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, việc áp dụng thuế nhà ở sẽ tác động đến tâm lý và làm tăng thêm nghĩa vụ tài chính đối với một bộ phận rất lớn người dân. Nhiều nước có nền kinh tế phát triển cũng chưa đưa nhà vào diện chịu thuế.
 
Đồng thuận nâng thuế đất ở để chống đầu cơ  - 1

Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển "giải trình" thêm các nội dung trong dự thảo luật. (ảnh: Việt Hưng).
 
Một trong những mục tiêu áp dụng thuế đối với nhà ở là nhằm góp phần hạn chế đầu cơ nhà ở, song trên thực tế, giá trị nhà ở gắn liền với giá trị đất và thực chất, về cơ bản vẫn là đầu cơ đất. Cơ quan thẩm tra dự án luật cho rằng việc áp dụng công cụ thuế để điều tiết đối với thị trường nhà, đất là cần thiết nhưng chỉ có thể góp phần làm hạn chế đầu cơ. Việc chống đầu cơ nhà, đất cần áp dụng đồng bộ các giải pháp, trong đó có thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp... 

Phân tích “thiệt hơn”, UB Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa đánh thuế với nhà ở. Dự luật vì vậy được đổi tên thành Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Với ý kiến đề xuất áp dụng thuế nhà đối với trường hợp sở hữu từ nhà thứ 2 trở lên, ông Phùng Quốc Hiển cảnh báo khả năng phát sinh hiện tượng không công bằng trong áp dụng chính sách, vì trên thực tế, có trường hợp người có một nhà nhưng giá trị nhà đó lớn gấp nhiều lần tổng giá trị của 2 nhà, thậm chí 3 nhà, đặc biệt là nhà ở đô thị so với nhà ở nông thôn.

Đối với đất, nhiều đại biểu đề nghị cần thu thuế đối với diện tích đất lấn chiếm. Một số ý kiến khác lại lo ngại việc thu thuế có thể là hình thức công nhận tính hợp pháp của loại đất này, dẫn đến thiếu chặt chẽ trong quản lý.

UB Thường vụ phân tích, thực tế, tình trạng lấn, chiếm đất vẫn đang xảy ra. Một số trường hợp diện tích đất lấn, chiếm còn lớn hơn diện tích ghi trong Giấy chứng nhận. Hiện tại, nhà nước vẫn đang thu thuế đối với toàn bộ diện tích đất sử dụng thực tế, kể cả đối với đất lấn, chiếm.

Đa số ý kiến trong UB Thường vụ đề nghị giải quyết vấn đề này theo hướng đánh thuế với diện tích đất sử dụng thực tế, khẳng định rõ việc thu thuế đối với diện tích đất lấn chiếm không phải là căn cứ công nhận tính hợp pháp của diện tích này đồng thời đề nghị cơ quan chức năng xử lý hành vi lấn chiếm theo quy định pháp luật.
 
Đồng thuận nâng thuế đất ở để chống đầu cơ  - 2
86% đại biểu thống nhất nâng mức thuế suất đánh vào đất ở

432 đại biểu (tương đương 87,42%) đã biểu quyết tán thành phương án quy định đối tượng chịu thuế đã loại bỏ nhóm nhà ở.

Về vấn đề mức thuế suất, nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng mức thuế suất cao hơn so với mức quy định trong Dự luật để góp phần hạn chế đầu cơ. 

Thực tế, tình trạng đầu cơ đất đai ở Việt Nam được đánh giá đang diễn ra ngày càng phức tạp, trở thành vấn đề bức xúc trong quản lý, ảnh hưởng lớn đến tính lành mạnh của thị trường bất động sản, đồng thời dẫn đến lãng phí nguồn lực tài nguyên đất đai.

Tiếp thu ý kiến nhiều đại biểu, UB Thường vụ thống nhất điều chỉnh mức thuế suất đối với phần diện tích đất ở vượt không quá 3 lần hạn mức thuế suất từ 0,06% lên 0,07%. Phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức thuế suất từ 0,1% lên 0,15%, đất sử dụng không đúng mục đích, chưa sử dụng theo quy định cũng tăng mức thuế suất từ 0,1% lên 0,15%. Riêng đối với đất lấn, chiếm, mức thuế suất nâng từ 0,15% lên 0,2%.

Gần 85% đại biểu bỏ phiếu thuận đồng ý việc nâng thuế suất này.

Toàn bộ nội dung dự thảo Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đã được Quốc hội thông qua với 86% phiếu thuận. Luật sẽ được chính thức áp dụng từ 1/1/2012.
 
Trong buổi sáng 17/6, Quốc hội cũng thông qua 4 dự án Luật khác: Luật bưu chính, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, Luật người khuyết tật, Luật nuôi con nuôi.

P. Thảo