Bình Định:
Đồng ruộng bỏ hoang, lúa “tắc” đòng vì khô hạn
(Dân trí) - Hàng trăm ha đất chuyên trồng lúa của người dân xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) thường bị khô cháy, mất mùa, thậm chí bỏ hoang vì thiếu nước tưới.
Đồng ruộng khô cháy
Người dân thôn Thuận Hạnh (xã Bình Thuận) cho biết, mỗi năm cứ vào mùa khô ruộng đồng lại khô cháy, mạch nước ngầm bị rút cạn, nước sinh hoạt thiếu trầm trọng làm cuộc sống người dân nơi này trở nên bí bách.
Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng Chà Rang (47 ha đất) đang bỏ hoang vì thiếu nước sản xuất, những gốc rạ của mùa vụ cũ xen lẫn cỏ dại đều chết cháy từng đám. Nông dân Võ Phong (50 tuổi) kể: “Đồng Chà Rang được mệnh danh là ruộng mật nên trồng cây gì cũng tươi tốt và ít sâu bệnh. Nếu trời cho mưa nắng thuận hòa, mỗi năm chúng tôi trồng lúa và rau màu đạt năng suất cao. Nhiều năm nay, do thường xuyên thiếu nước sản xuất, bà con chỉ làm được 1 vụ mà thường thất thu. Gia đình tôi có hơn 10 sào ruộng nhưng cũng bỏ hoang… Bà con kêu cứu khắp nơi xin nước để sản xuất nhưng chẳng có”.
Cùng có ruộng ở cánh đồng Chà Rang, ông Nguyễn Văn Ninh (67 tuổi) than thở: “Càng ngày hạn hán càng khốc liệt, nhất là 2 năm này hạn hán kinh khủng nhất. Đồng ruộng khô cháy, có làm mà không có hưởng. Tôi giờ tuổi cũng lớn rồi sống nhờ vào mấy đám ruộng mà càng làm càng đói kiểu này chỉ có chết đói!”.
Tương tự, tại cánh đồng có tục danh đồng Ốc (thôn Thuận Hạnh), nhiều ruộng lúa đã trổ bông gần chín nhưng thiếu nước chết cháy hàng loạt, có đám ruộng thì lúa bị “tắc” trổ bông không được nổi. Trong khi đó, hàng trăm hộ dân ở 2 thôn Thuận Hạnh, Thuận Hiệp (xã Bình Thuận) đang bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng khi mùa khô mới bắt đầu.
Bà Trương Thị Xuân (xóm 2, thôn Thuận Hạnh) nói như khóc: “Ruộng đồng chết cháy đã đành, nhưng khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt. Đặc biệt, năm ngoái đến hết tháng 9 mà người dân vẫn phải đi gánh từng can nước về uống và nuôi gia súc. Nhiều gia đình bỏ tiền triệu để khoan đào giếng ngầm, mua ống dẫn nước… nhưng mọi cách đều không khả thi”.
“Khát” nước bên kênh thủy lợi
Theo ông Nguyễn Đình Kiều, trưởng thôn Thuận Hạnh, cánh đồng Chà Rang rộng 47ha, có trên 50 hộ dân đang canh tác. Tình trạng thiếu nước sản xuất ở đồng Chà Rang diễn ra hơn 10 năm qua.
“Tuy nhiên, đáng nói là gần đồng Chà Rang có kênh mương N24 dẫn nước từ đập dâng Văn Phong về chỉ cách khoảng gần 2km. Nhiều năm nay, bà con kiến nghị mở một trạm bơm từ kênh N24 vào đồng Chà Rang. Sau đó, thấy có cán bộ của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định về khảo sát, đo đạc sau đó thì không thấy làm khiến bà con rất bất bình”, trưởng thôn Thuận Hạnh nói.
Ông Đặng Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận thừa nhận, dù có kênh mương N24 đi qua, nhưng cả trăm ha đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu trồng lúa ở xã Bình Thuận đang thiếu nước và hàng trăm hộ dân thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Trong đó, cấp bách nhất vẫn là ở đồng Chà Rang và vùng dân cư 2 thôn Thuận Hạnh, Thuận Hiệp.
“Ngay trong vụ Đông Xuân này, nhiều diện tích lúa và cây màu của người dân bị thiệt hại, khô cháy. Thực tế, cánh đồng Chà Rang có cao trình cao hơn kênh mương hiện hữu N24. Vì vậy, ở đây chỉ có thể lập trạm bơm để cung cấp nước người dân sản xuất và bổ sung vào mạch nước ngầm cho bà con sử dụng. Tuy nhiên, để làm trạm bơm rất nhiều tiền nhưng xã thì không có kinh phí”, ông Hiền cho hay.
Người dân xã Bình Thuận cho biết, nhiều năm trước, khi về tiếp xúc cử tri, ông Lê Kim Toàn, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đã ghi nhận ý kiến người dân và đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tỉnh này sớm nghiên cứu, đầu tư hệ thống dẫn nước về cho đồng Chà Rang. Sau đó có nhiều đoàn về nghiên cứu, khảo sát, đo đạc rầm rộ để lập dự án trạm bơm đồng Chà Rang. Tuy nhiên, người dân xã Bình Thuận chưa kịp mừng thì dự án này bị chấm dứt do không có vốn khiến cho bà con rất bức xúc.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết: “Vừa rồi, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt đầu tư kênh Thượng Sơn mang nước từ hồ An Khê - Ka Nak về khoảng 400 tỷ, đang đầu tư 2 tháng nữa sẽ xong. Kênh Thượng Sơn có đi qua vùng sản xuất ở xã Bình Thuận. Trong quy hoạch chúng tôi sẽ đầu tư từng bước các hệ thống kênh mương phụ hoặc trạm bơm, chứ chưa thể giải quyết một lần được. Tuy nhiên, còn phải phụ thuộc vào nguồn vốn và nguồn nước ở hồ An Khê - Ka Nak”.
Doãn Công