1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Đóng “hụi chết” cho thanh tra giao thông

Lợi dụng chủ trương kiểm tra các phương tiện ôtô chạy “dù”, đón khách không đúng qui định, trong thời gian vừa qua có không ít nhân viên thanh tra giao thông biến chất đã đưa ra một thứ luật lệ bất thành văn: các tài xế xe phải đóng tiền tháng, mà họ thường gọi là đóng “hụi chết”!

Trả treo trắng trợn

 

Theo “bật mí” của cánh tài xế, cứ trung tuần hằng tháng họ đều phải tề tựu trước cổng Ban thanh tra giao thông công chính (Sở Giao thông công chính TPHCM), số 286 Lê Hồng Phong, phường 4, quận 5, TPHCM, để đóng “hụi chết” cho thanh tra giao thông (TTGT).

 

Khoảng 7h30, một tốp gồm bốn tài xế đã kéo nhau đến quán cà phê phía bên phải của Ban TTGT với hai túi “quà” bọc nilông trắng. Họ ngồi ở hàng ghế đầu vừa tán gẫu vừa móc điện thoại di động gọi cho ai đó... Một lúc sau, hai chiếc ôtô màu xanh trờ tới đậu ngay bên lề đường, một nhóm TTGT bước xuống, hai trong số người này sà ngay vào bàn của các tài xế đang ngồi. Một vài TTGT còn lại ngồi uống cà phê ở hàng ghế phía sau.

 

Hơn 8h sáng, đường phố bắt đầu tấp nập người xe qua lại. Bốn tài xế và hai TTGT tên Thông và Vĩnh cùng ngồi uống cà phê. Một tài xế móc túi quần ra hai xấp tiền mệnh giá 50.000 đồng và 100.000 đồng rồi rụt rè đưa cho Thông. Viên TTGT này không ngần ngại cầm tiền bỏ vào túi áo. “Tháng này mấy anh em lo đủ rồi, tui không nói. Bắt đầu tháng sau, bốn xe chia đều cho bốn anh em. Mỗi xe ba “xị” (tức 300.000 đồng theo cách nói lóng). Giữa tháng, đúng 15 tây, anh em xoay tua nhau gom tiền đem lại đây cho tui. Tui lấy tròn 1 triệu, được chưa?”.

 

 “Vậy,  bốn xe là...”, một trong bốn tài xế chưa nói hết câu thì Thông đã gằn giọng: “Triệu hai (1,2 triệu đồng - pv). Nhưng tui chỉ lấy 1 triệu. Tới tua người nào đi thì người đó chỉ bỏ 100.000 đồng, được hưởng 200.000 đồng...”. Theo giải thích của Thông, đến ngày 15 hằng tháng bốn tài xế phân công nhau một người lên “chung” tiền cho Thông (người nào đi “chung” thì chỉ đóng 100.000 đồng), “khỏi mất công đi nhiều người”, vả lại “qua bên này đông quá cơ quan cũng để ý” và Thông “khỏi mất công gọi điện”.

 

Tốp tài xế lên tiếng cù cưa, trình bày “hoàn cảnh” nhưng Thông không đồng ý, “tháng sau mà còn “ẹo” (cù cưa) nữa là không được đâu đó”. Trước khi chia tay, các tài xế không quên “biếu” Thông và Vĩnh hai túi “quà” bọc nilông trắng. Vĩnh khệ nệ xách ra bỏ vào chiếc xe của TTGT (biển số 51B-0328) đậu bên lề đường, rồi phóng xe đi...

 

Trong khi đó, một tốp tài xế khác lại trờ xe tới “tay bắt mặt mừng” với nhóm TTGT còn ngồi uống cà phê ở bàn phía sau. Chúng tôi bám theo một trong bốn tài xế, anh này thật thà cho biết ngoài tiền “hụi chết” phải đóng hằng tháng 300.000 đồng còn phải “biếu” chút gì đó cho “mấy ổng” nhậu, hai túi khi nãy là mực một nắng.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, barem giá “chung hụi” hằng tháng cho TTGT đối với loại xe 12 chỗ ngồi là 300.000 đồng/xe, xe 24 chỗ ngồi là 400.000 đồng/xe. Nếu đến hẹn mà làm lơ hoặc cù cưa thì chắc chắn sẽ lãnh “hậu quả”, tức là xe bị “vịn” và phạt nặng bằng cách giam xe từ 20 ngày trở lên.

 

“Chạy xe dù là sai nhưng giam xe 20 ngày coi như chúng tôi chết đói nên ai cũng phải chấp nhận đóng hụi chết”, một tài xế cay đắng nói. Từ tờ mờ sáng mỗi ngày, TTGT đã có mặt tại các chợ đầu mối hoặc các địa điểm được xác định là “bến bãi” của xe “dù” để... làm nhiệm vụ, do đó không một xe nào có thể chạy trót lọt mà không đóng “hụi” tháng cho TTGT.

 

Muốn chạy xe “dù” phải “ra mắt” TTGT!

 

Theo “chỉ bảo” của một tài xế, sáng 18/8 chúng tôi điện thoại cho Ân - công tác tại đội tuần tra kiểm soát Ban TTGT ở bến xe buýt trước cổng chợ Bến Thành (quận 1, TPHCM).

 

Sau một hồi ca cẩm về việc chạy xe hợp đồng ế khách, có ý định chạy xe “dù” và nhờ Ân giúp đỡ, đầu dây bên kia giọng Ân hồ hởi: “Có gì mai ra trạm uống cà phê nói chuyện luôn”. Đúng hẹn, sáng 19/8, chúng tôi có mặt tại trạm để gặp ba TTGT là Ân, Lộc và Minh. Không cần rào trước đón sau, Minh vào đề ngay: “Có gì đưa tui luôn đi, ghi biển số xe đưa đây”.

 

Ngay lúc đó, một TTGT mang bảng tên Trần Tấn Lộc bước vào phòng, nhìn chúng tôi với thái độ dò xét rồi hoạnh họe: “Ai giới thiệu ông tới đây?”. Khi nghe nói tên người giới thiệu xong, Lộc điện thoại xác minh. Biết chắc chắn “người quen” giới thiệu, Lộc hạ giọng: “Xe về bỏ khách ở đâu?”. “Bỏ trên đường Lê Lợi (quận Gò Vấp), Bệnh viện Từ Dũ và trên đường Lê Lai (quận 1)”, chúng tôi trả lời.

 

“Bỏ đây thì được, đừng bỏ trên khu vực Gò Vấp, đó là địa bàn của bến xe miền Đông”, TTGT Trần Tấn Lộc nói. Chúng tôi hỏi giá cả, ngày đưa tiền, Lộc cho biết ở đây thường cuối tháng, ngày 20, “tùy anh em chạy xe ít chỗ hay nhiều chỗ, muốn đưa bây giờ hay cuối tháng sau đưa cũng được”. Nhưng cụ thể là đưa bao nhiêu tiền?

 

“Tùy. Muốn đưa bao nhiêu thì đưa. Cả tập thể chứ tui đâu có ôm hết được. Đội có 50 người, chia ra hai tổ thay nhau đi”. Nói vậy nhưng cuối cùng Lộc cũng “gút” lại: “Có thì đưa ba “xị”, lúc nào ít chạy thì đưa hai “xị”. Anh em không đòi hỏi, giúp nhau mà sống (!?)”.

 

Chúng tôi hỏi đưa tiền ở đâu, Lộc nói đưa ngay tại trạm. Trước khi chia tay, Lộc ra vẻ thân mật: “Ông ra xe liên hệ trước với tôi là khôn đó, để vài bữa nữa tui gặp là mệt đó...”.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đối với những xe không được người quen giới thiệu thì phải có phong bì “ra mắt” không dưới một “chai” (tức 1 triệu đồng), sau đó hằng tháng đều đóng “hụi chết” như những xe khác. Hầu như không có một xe “dù” nào qua mặt được TTGT, vì những TTGT biến chất luôn có một vài xe ôm làm nhiệm vụ tai mắt, phát hiện xe “dù” nào không chịu “làm luật” là lập tức báo ngay cho TTGT để nhận tiền “bồi dưỡng”. 

 

Qua điều tra này, chúng tôi muốn phản ánh một thực tế. Điều còn lại là lãnh đạo các cấp quản lý có biết hay không?

 

Theo Hoàng Khương – Võ Hồng Quỳnh
Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm