Đông Hồ “bỏ” tranh làm hàng mã
(Dân trí) - Làng Đông Hồ thuộc xã Song Hồ, Thuận Thành - Bắc Ninh được biết tới là nơi cung ứng lượng hàng mã lớn cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Những ngày giáp Tết, cả làng sống trong không khí hối hả, khẩn trương.
Đông Hồ vốn nổi tiếng với tranh dân gian, nhưng tranh Đông Hồ giờ trong làng không còn mấy ai làm. Thời buổi kinh tế thị trường, làm sản phẩm phải bán được mới sống được. Cả làng, từ lâu đã “chuyển ngang” sang làm hàng mã. Nguyên vật liệu chỉ có giấy, tre, hồ.
Chị Hà Thị Chèng vừa thoăn thoắt đẩy chiếc chổi đầy phẩm đỏ lên mặt giấy bồi, vừa nói như phân bua: “Nghề tranh ngày trước cả dân cả làng làm nhưng bây giờ hầu như người ta chỉ còn làm hàng mã thôi, bỏ hết tranh ảnh rồi. Mỗi nhà làm một “món” riêng: nhà chuyên quần áo, giày dép, nhà thì xe máy, nhà chuyên làm ngựa, ô tô…” Như nhà chị Chèng, chỉ chuyên làm giấy màu bán cho các nhà khác hoặc bán ra thị trường.
Dân Đông Hồ làm hàng mã quanh năm. Người ta cũng không nhớ nghề hàng mã có từ bao giờ, chỉ biết rằng cả năm có hai dịp nhộn nhịp hơn cả, là Rằm tháng 7 xá tội vong nhân với ngày ông Công ông Táo. Trong những ngày này, nhà nào nhà nấy đều tràn ngập giấy màu xanh đỏ, tre, hồ… Ai ai cũng tíu tít để làm hàng cho kịp hẹn với khách.
Nhà Thao Kết là một trong những nhà làm hàng mã nhiều nhất làng. Chị Tuyên em gái chị Kết cứ đến cuối năm là luôn phải có mặt tham gia làm giúp vì hàng nhiều quá. Chị Tuyên kể, có những người đặt hàng chục triệu tiền vàng mã các loại. “Người ta cứ đặt hàng là mình có việc làm, còn các cụ ở dưới kia có nhận được cả hay không thì mình chịu”, chị Tuyên cười.
Còn anh Thao thì nói nhỏ: Cách đây độ chục năm, nghề làm hàng mã bị huyện cấm tiệt vì cho rằng đó là mê tín dị đoan. Nhưng nay thì nhà nhà, người người ở đây đều coi đó như một nghề thời vụ, giúp họ có đồng ra đồng vào. Chính vì có công ăn việc làm nên cả làng không có tệ nạn gì, không người nghiện hút, không trộm cắp…