1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Dòng dầu đầu tiên đã chảy từ Dung Quất

Sau 44 tháng thi công, vượt qua bao khó khăn thử thách, ngày 22/2/2009 trở thành ngày lịch sử của ngành dầu khí Việt Nam khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chính thức cho ra các sản phẩm dầu khí.

Dòng dầu đầu tiên đã chảy từ Dung Quất  - 1
Nơi đây, những dòng dầu đầu tiên sẽ xuất xưởng.
 
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đánh dấu sự thành công của một dự án trọng điểm quốc gia, làm bật dậy tiềm năng kinh tế của cả khu vực Quảng Ngãi, của miền Trung và cả nước. 

 

Sự bứt phá thần kỳ

 

Hợp đồng chính xây dựng NMLD Dung Quất đã được Petrovietnam ký với tổ hợp nhà thầu Technip gồm các nhà thầu: Technip (Pháp), Technip (Malaysia), JGC (Nhật Bản) và Tecnicas Reunidas (Tây Ban Nha). NMLD Dung Quất đặt tại Khu Kinh tế Dung Quất, thuộc địa bàn các xã Bình Thuận, Bình Trị, thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

 

Với một khối lượng công việc khổng lồ nhưng phải thi công trong một thời gian ngắn, nên ban quản lý dự án và nhà thầu chính Technip đã huy động khoảng 120 nhà thầu phụ và nhà cung cấp thiết bị, dịch vụ trong và ngoài nước, mang đến cơ hội việc làm cho hàng chục ngàn lao động, phần lớn là lao động của tỉnh Quảng Ngãi.

 

Đến tháng 12/2008, tổng thể tiến độ xây dựng nhà máy đã cơ bản hoàn thành. Trong đó gói thầu 5A đê chắn sóng dài 1.600m đã hoàn thành vào tháng 5/2008, trước thời hạn 5 tháng. Cùng với đẩy nhanh tiến độ thi công, nguồn nhân lực cho vận hành nhà máy được chủ đầu tư quan tâm hàng đầu. Sau khi tuyển chọn nguồn nhân lực, ban quản lý dự án và nhà thầu đã phối hợp đưa đi đào tạo trong nước và nước ngoài. Đến nay có hơn 1.046 người tham gia vận hành nhà máy, trong đó có 510 kỹ sư, công nhân kỹ thuật là người Quảng Ngãi. Hầu hết cán bộ kỹ sư, công nhân ở đây đều rất trẻ, trên dưới 30 tuổi, đảm đương được các phần việc từ quản lý đến vận hành sản xuất cho ra sản phẩm.

 

Ông Trương Văn Tuyến, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Trưởng Ban Quản lý dự án NMLD  Dung Quất, cho biết: Năm 2007 là thời điểm huy động tổng lực, coi như là một cuộc “tổng tiến công” trên công trường để bảo đảm tiến độ theo hợp đồng. Có thời điểm, các đơn vị thi công đã huy động hơn 12.000 người lên công trường, trong đó có gần 500 chuyên gia nước ngoài tham gia thi công, giám sát.

 

Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) là đơn vị có một đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề tham gia thi công trên công trường nhiều nhất, có lúc đơn vị này đã huy động 15 công ty thành viên với hơn 7.000 kỹ sư, công nhân tham gia. Ông Nguyễn Đình Hải, Phó Tổng Giám đốc Lilama, cho rằng đây là lần đầu tiên đơn vị đảm nhận các phần việc lắp đặt các thiết bị công nghệ tiên tiến, phức tạp nhất với yêu cầu  khẩn trương về mặt tiến độ và phải bảo đảm an toàn kỹ thuật và độ chính xác 100%. Vừa thi công vừa học tập  nâng cao tay nghề, nên cán bộ kỹ sư, công nhân đã đảm đương hầu hết các phần việc lắp đặt nhà máy đúng yêu cầu. Hàng chục ngàn nông dân Quảng Ngãi đã thay đổi cuộc đời khi gắn bó với công trình NMLD Dung Quất. 

 

Sức thu hút và động lực Dung Quất

 

Ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị quản lý và vận hành NMLD Dung Quất), cho biết: Với công suất 6,5 triệu tấn/năm, tương đương 148.000 thùng/ngày, khi vận hành công suất ở mức 100% (dự kiến vào tháng 8/2009), mỗi tháng NMLD Dung Quất sẽ sản xuất gần 150.000 tấn xăng, 240.000 tấn dầu diesel, khoảng 23.000 tấn LPG và các sản phẩm khác như propylene (trên 8.000 tấn), xăng máy bay Jet-A1 (khoảng 30.000 tấn) và dầu F.O (khoảng 25.000 tấn).

 

NMLD Dung Quất sẽ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu sử dụng xăng dầu trong nước, từng bước bảo đảm về an ninh năng lượng. Giai đoạn 1, nhà máy sử dụng 100% dầu thô từ mỏ Bạch Hổ để chế biến. Giai đoạn 2, chế biến dầu thô hỗn hợp (85% dầu thô Bạch Hổ, 15% dầu chua Dubai).

 
Dòng dầu đầu tiên đã chảy từ Dung Quất  - 2
Công nhân kỹ thuật thao tác bơm dầu vào boong để chuẩn bị sản xuất. 
 

Từ ngày 14/2 đến nay, nhà máy đã cho ra các sản phẩm như khí đốt, dầu diesel, dầu hỏa. Trong tháng 2 này  có 2 sản phẩm thương mại đưa ra thị trường là diesel động cơ và dầu hỏa; tiếp đó là xăng A90, A92, A95...

 

NMLD Dung Quất tạo sức hút lớn đối với các nhà đầu tư đến với Quảng Ngãi. Năm 2007, Khu Kinh tế Dung Quất thu hút được 126 dự án, với tổng vốn đăng ký lên đến gần 140.0000 tỉ đồng thì năm 2008 có tới 157 dự án đã được cấp chứng nhận đầu tư và chấp thuận đầu tư với tổng vốn đăng ký tương đương 10,3 tỉ USD. Quảng Ngãi từ vị trí thứ 37 vươn lên lọt vào top 5 trong số 10 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư FDI. 

 

Ông Nguyễn Xuân Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định: “Sự kiện NMLD Dung Quất đi vào hoạt động, ngoài ý nghĩa chính trị to lớn của đất nước, có tác động rất lớn và toàn diện tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi, là động lực đưa Quảng Ngãi từ một tỉnh nghèo trở thành tỉnh phát triển. Sự ra đời của tổ hợp hóa dầu đã và đang mang đến việc làm cho hàng trăm lao động và góp phần rất lớn nâng cao trình độ nguồn nhân lực tại địa phương”.

 

Ngay trong ngày đón dòng sản phẩm đầu tiên của NMLD Dung Quất, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng chính thức công bố quy hoạch chi tiết và thiết kế khu đô thị mới Vạn Tường có diện tích 3.828 ha thuộc 5 xã ở phía Đông huyện Bình Sơn nằm trong Khu Kinh tế Dung Quất. Cũng nhân sự kiện  này, UBND tỉnh Quảng Ngãi  tổ chức gắn biển đặt tên con đường dài 23 km từ ngã ba Bình Long (Bình Sơn) đến cảng Dung Quất là đường Võ Văn Kiệt, để ghi nhớ công lao to lớn của người đã trực tiếp đề xuất  với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ  cho xây dựng NMLD Dung Quất và thành lập Khu Kinh  tế Dung Quất.

 

Những mốc thời gian đáng nhớ

 

Sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhiều lần đến vùng đất nghèo khó đầy gió cát, xương rồng để khảo sát tìm địa điểm xây dựng NMLD. Ngày 9/11/1994, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ra quyết định về địa điểm xây dựng NMLD số 1 và quy hoạch khu kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó chính thức chọn Dung Quất - Quảng Ngãi làm địa điểm xây dựng NMLD số 1.

 

- Ngày 10/7/1997 Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt dự án NMLD số 1 - Dung Quất theo hình thức VN tự đầu tư, với công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, tổng vốn đầu tư 1,5 tỉ USD. Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), được giao làm chủ đầu tư. Ngày 8/1/1998, lễ động thổ xây dựng đã được tiến hành tại xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. 

 

- Ngày 25/8/1998, Chính phủ VN và Chính phủ Liên bang Nga đã ký hiệp định liên chính phủ về việc xây dựng, vận hành NMLD số 1 tại Dung Quất. Theo đó, hai chính phủ thống nhất giao cho Petrovietnam và Liên đoàn Kinh tế hải ngoại Nhà nước Liên bang Nga (Zarubezhneft) cùng làm chủ đầu tư. Ngày 19/11/1998, hai phía đã thỏa thuận thành lập liên doanh xây dựng và vận hành NMLD. Thời gian hoạt động của liên doanh dự kiến là 25 năm.

 

- Ngày 28/12/1998, Công ty Liên doanh NMLD Việt - Nga (Vietross) chính thức được thành lập. Theo quyết định của Chính phủ, tổng mức đầu tư cho dự án là 1,297 tỉ USD.

 

- Ngày 5/1/2003, Bộ Công sản Nga, Zarubezhneft và Petrovietnam đã ký biên bản chuyển giao toàn bộ nghĩa vụ và trách nhiệm tham gia liên doanh Vietross của phía Nga hoàn toàn về cho phía VN. Công ty liên doanh Vietross chấm dứt hoạt động. Thất bại trong liên doanh, VN vẫn quyết tâm xây dựng nhà máy.

 

- Ngày 18/2/2004, HĐQT Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đã phê duyệt hợp đồng phát triển thiết kế tổng thể (FDC) được ký giữa Petrovietnam và tổ hợp nhà thầu Technip. Ngày 28/11/2005, lễ khởi công các gói thầu EPC 1+2+3+4 được tổ hợp nhà thầu Technip phối hợp với Petrovietnam tổ chức tại công trường. Việc xây dựng NMLD chính thức được khởi động trở lại. Tổng mức đầu tư của dự án NMLD Dung Quất là 2,501 tỉ USD.

 

- Ngày 22/2/2009, dòng xăng lần dầu tiên “Made in Vietnam” được chảy ra từ NMLD số 1.

 

Theo Xuân Long - Nguyễn Rộng
Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm