1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Động đất: Các nhà khoa học nói gì?

Sau những trận động đất sáng và chiều qua (8/11), cùng với các cơn địa chấn khác xảy ra gần đây tại vùng Đông Nam Bộ, nhiều câu hỏi đã được đặt lên bàn các nhà khoa học như: liệu còn có các trận động đất khác nữa không? VN có thể dự báo được động đất? Người dân cũng như cơ quan chức năng phải làm gì trước thiên tai?

PGS. TS Nguyễn Ngọc Thủy - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu: Sẽ không xảy ra động đất mạnh hơn nữa

 

Chưa có dấu hiệu để nói những trận động đất (ĐĐ) trong ngày 8/11 là tiền chấn của một trận ĐĐ mạnh sẽ xuất hiện trong thời gian tới.

 

Hai trận ĐĐ trong ngày 8/11 nằm ở điểm giao giữa đứt gãy Thuận Hải - Minh Hải và đứt gãy kinh tuyến 109 độ kinh đông (còn gọi là kinh tuyến 110), nhưng chủ yếu trên đứt gãy Thuận Hải - Minh Hải mà ĐĐ mạnh nhất dự báo có khả năng xảy ra trên đứt gãy này chỉ là 5,5 độ Richter, tức là trận ĐĐ chiều 8/11 đã đạt cường độ cực đại theo dự báo.

 

Do đó sẽ không xảy ra ĐĐ mạnh hơn nữa. Tất nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi hoạt động của ĐĐ tại khu vực này vì chắc chắn trong thời gian tới, thậm chí kéo dài tới 1-2 tháng, sẽ tiếp tục xảy ra những trận ĐĐ nhỏ hơn.

 

Thưa ông, những trận ĐĐ xảy ra liên tục tại khu vực này trong thời gian qua dường như nằm ngoài qui luật mà các nhà khoa học đã dự báo?

 

Trước năm 1991, khu vực phía Nam rất ít ĐĐ. Từ giữa năm 1991 và năm 2005 đến nay, ĐĐ xảy ra tại đây nhiều hơn nhưng không đủ cơ sở để nói sẽ xảy ra ĐĐ mạnh trong thời gian tới. Tôi khẳng định ĐĐ tại VN đang hoạt động tích cực hơn nhưng rõ ràng không có gì nguy hiểm. Người dân không vì thế mà quá lo lắng.

 

Nhưng người dân cần có những thông báo chính thức từ phía các cơ quan khoa học về việc có hay không ĐĐ mạnh xảy ra trong thời gian tới?

 

Chúng tôi tin ở bản đồ phân vùng ĐĐ và khẳng định chưa có dấu hiệu xuất hiện ĐĐ mạnh. Chỉ khi nào có ĐĐ mạnh hơn 5,5 độ Richter xảy ra trên đứt gãy Thuận Hải - Minh Hải hoặc xảy ra liên tiếp ĐĐ trên đứt gãy kinh tuyến 109 độ kinh đông mới phải tính đến khả năng xảy ra ĐĐ mạnh hơn trong khu vực.

 

Trong thang cấp độ chấn động 1-12, cấp 7 trở xuống là không đáng lo ngại, chỉ làm những ngôi nhà cấp 3, cấp 4 bị rung hoặc nứt, nhưng không gây sụp đổ.

 

Cấp 6 chỉ gây rung nhẹ và làm dịch chuyển một số vật nặng, các cấp dưới nữa thì hầu như không thể nhận ra.

 

Từ cấp 8 (có cường độ từ 6,7-6,8 độ Richter trở lên) đến cấp 12 là ở mức nguy hiểm.

Tất nhiên, dự báo chính xác ĐĐ vẫn là bài toán khó đối với cả thế giới chứ không riêng gì các nhà khoa học VN. Đấy là chưa nói tới chuyện chúng ta thiếu quá nhiều cơ sở vật chất cho nghiên cứu ĐĐ. Khi có nhiều trạm quan trắc có thể ghi nhận được những trận ĐĐ nhỏ hơn và đó là cơ sở để đánh giá khả năng xảy ra ĐĐ lớn.

 

Theo ông, vì sao thời gian qua liên tục xảy ra ĐĐ tại vùng biển phía Nam?

 

Đó là do vỏ Trái đất khu vực phía đông nam của miền Nam đang hoạt động làm cho các khối đất đá chuyển động sinh ra ĐĐ. Rất khó xác định nguyên nhân vì sao vỏ Trái đất tại đây hoạt động, chỉ có thể quan sát xem sự chuyển động của nó như thế nào, xu hướng dịch chuyển ra sao để đánh giá khả năng ĐĐ trong thời gian tới.

 

GS.TS Lê Minh Triết - chủ tịch Hội đồng khoa học liên ngành, Viện Khoa học và công nghệ VN: Động đất ở TPHCM sẽ không quá cấp độ 6

 

ĐĐ thường xảy ra có chu kỳ, năng lượng sau khi tích tụ sẽ bùng phát và gây đứt gãy. Mặc dù từ trước đến nay khu vực phía Nam được xem là nơi tương đối ổn định, thế nhưng không phải không có ĐĐ.

 

Nếu nói khu vực phía Nam đang vào chu kỳ hoạt động mới thì có thể hơi sớm nhưng điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu vào chu kỳ, ĐĐ sẽ còn xảy ra liên tục trong một thời gian rồi mới ngưng. Trên bản đồ phân vùng ĐĐ toàn quốc, ở khu vực phía Nam có thể thấy đứt gãy diễn ra ở sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông. TPHCM cũng nằm trong vùng đứt gãy này. Tuy nhiên, ĐĐ khi xảy ra sẽ không quá cấp 6 (cấp độ gây mất thăng bằng, vỡ chén bát, làm trượt hoặc dịch chuyển vật nặng hoặc gây hư hại nhà cửa không kiên cố).

 

Những nơi khác nhau sẽ có những chấn động khác nhau. Vì vậy trong việc tính toán xây dựng cần chú ý hơn đến địa chấn của công trình (sức chịu đựng của công trình khi xảy ra rung động), đặc biệt là những công trình cao tầng, công trình ngầm như xe điện ngầm, hầm Thủ Thiêm...

 

TS Lê Tự Sơn - Trưởng phòng quan sát động đất Viện Vật lý địa cầu: VN chưa dự báo được động đất

 

Tài liệu về hoạt động đứt gãy khu vực Đông Nam bộ là không nhiều. Bên cạnh đó, hệ thống quan sát ĐĐ vùng này không có. Ngoài ra, chúng tôi cũng chưa tiếp cận các tài liệu nói về các đứt gãy họat động của TP.HCM và vùng lân cận. Do đó, chúng tôi chưa thể có câu trả lời cho vấn đề này trong thời điểm hiện nay.

 

Nguồn lực VN chưa thể dự báo được ĐĐ, kể cả Chính phủ đầu tư vào một số tiền lớn. Việc định hướng cho một ngành nghiên cứu khó khăn như vậy tốn thời gian không phải chỉ một vài năm mà cần phải có thời gian một vài chục năm. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, việc đánh giá nguy hiểm của ĐĐ (một kiểu dự báo dài hạn) là có thể làm được.

 

Theo tôi, với các ĐĐ dưới dạng chuỗi như vừa qua thì còn có thể xảy ra. Tuy nhiên, cường độ ĐĐ sẽ không lớn hơn nhiều so với các ĐĐ đã xảy ra.

 

Theo Tuổi trẻ

Dòng sự kiện: Động đất