1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đôi vợ chồng già 32 năm nhặt rác nuôi con

Đó là câu chuyện của đôi vợ chồng già sống trên bãi Phúc Xá, phường Phúc Tân, quận Ba Đình, Hà Nội. Ông năm nay 73 tuổi, bà 62, vẫn ngày đi nhặt rác nuôi đứa con trai ngớ ngẩn; đêm ngủ vỉa hè. “Nhà” ông bà chỗ nào cũng có rác.

32 năm lang bạt, nhặt rác

 

Chỗ ở của ông bà hiện tại vẫn là một đoạn vỉa hè trên bãi Phúc Xá. Xung quanh là vô số những thùng chứa rác, chăn bông, quần áo cũ. Hai ông bà chỉ vỏn vẹn có một tấm nilon trải ra để ngồi, đêm ngủ không được căng màn. Mấy bộ quần áo bông sờn rách mặc trên người không chống nổi những cơn gió lồng lộng thốc vào từ bãi nổi sông Hồng.

 

Ông tên Nguyễn Văn Ba, còn bà tên Nguyễn Thị Thìn. Hai ông bà đều là những thân phận thiệt thòi, người vì quá nghèo khổ mà lang bạt, người thì vì bệnh tật, mồ côi nên cũng bỏ xứ mà đi. Họ gặp nhau trên Hà Nội, sống với nhau như vợ chồng và có một cậu con trai. Chẳng may, cậu con trai cũng bị ngớ ngẩn như bố. Gánh nặng cơm áo, bệnh tật vì thế mà càng nặng hơn.

 

32 năm nay, hai ông bà sống và nuôi con bằng nghề nhặt rác. Bà Thìn cho biết: “Ban đầu chúng tôi nhặt vỏ cam, vỏ quýt ở chợ Long Biên để bán cho những người làm thuốc trong phố cổ. Nhưng sau họ tự nhặt lấy, chúng tôi mất việc. May là có người muốn mua rác, mua sắt vụn nên chúng tôi chuyển sang nhặt rác kiếm sống”.

 

Nói rồi bà Thìn chỉ vào căn lều lụp xụp, rách nát, trực đổ xuống bất cứ lúc nào: “Đấy! Cái lều kia ngày xưa giá có trăm rưỡi, nhưng giờ đã ba trăm, vì ông chủ bảo rác lên giá, phòng cũng lên giá. Mà chật thì chật khủng khiếp! Chúng tôi không thở được nên phải chui ra ngoài, ngủ trên vỉa hè cho thoáng”.

 

Nói rồi bà đưa tay trỏ sang căn nhà chưa hoàn thiện nằm ngay cạnh: “Ngày xưa bà chủ nhà này cho chúng tôi ở nhờ 4 tháng. Nhưng sau có người vào thuê, họ có tiền trả nên chúng tôi không còn nhờ được. Thế là cả nhà tôi lại kéo nhau ra đoạn vỉa hè này. Nghe đâu đến vài hôm nữa người ta sẽ họp chợ rau ở đây. Chúng tôi lại đang loanh quanh tìm chỗ tá túc ban ngày, đêm lại chuyển về chỗ này để ngủ”.

 

Trước đây, hàng ngày, hai ông bà dìu nhau đi nhặt rác, cậu con trai đi thu gom rác cho đội vệ sinh phường mỗi ngày được 20.000 đồng. Nhưng khoảng hơn một năm nay, ông Ba do bệnh thần kinh nặng thêm, chân tay run rẩy, ngồi đâu ngồi đấy nên chỉ còn mình bà Thìn đi nhặt. “Tôi mắt kém, có khi thấy vỏ lon hay hộp nhựa không nhặt mà cứ đi bới lung tung. Không ăn thua cô ạ! Mỗi ngày, người nhặt rác một đông. Rác thì không tăng giá nhưng mọi thứ đều đắt đỏ cả Trước đây, tôi còn được 20.000/ ngày. Nhưng bây giờ tôi chỉ được 6.000 đến 10.000/ ngày”.

 

Khi hỏi chuyện ăn uống, tắm rửa, vệ sinh, bà Thìn cười chua chát: “Mấy chục năm nay, chúng tôi không được ăn một bữa cơm cho ra bữa cơm, kể cả ngày tết. Làm gì có nhà cửa, làm gì có tiền. Được bao nhiêu tiền, không dám ăn gì, để dành chữa bệnh, thuốc thang. Mỗi ngày, ba người ăn hết 5.000 gạo. Có khi gạo được người ta cho. Còn thức ăn là thứ xa xỉ. Rau cỏ chúng tôi xin những cái vương vãi trong sọt của những người bán buôn ở chợ sớm. Bữa cơm chỉ có vậy thôi. Còn tắm rửa thì tắm ở đâu… chẳng được! Che một tí ở cạnh bờ tường là có chỗ tắm rồi”.

 

Điển hình cho 1.001 phận nghèo, éo le

 

Mỗi người có một cảnh ngộ, số phận riêng. Nhưng câu chuyện của ông Ba, bà Thìn là điển hình cho rất nhiều số phận nghèo khổ, éo le đang sống trong những khu nhà ổ chuột lụp xụp hoặc sống ở bất cứ nơi nào quanh thành phố: vỉa hè, công viên, vườn hoa, thậm chí là cả trong… ống cống!

 

Trên đường Yên Phụ, có một người đàn ông trạc ngoài 60 tuổi luôn ngủ dưới gầm những cầu thang dành cho người đi bộ sang đường. Ông không nhớ tên, tuổi, quê quán của mình. Hàng ngày, ông đi ăn xin, nhặt nhạnh đủ thứ để kiếm ăn. Đôi lúc có vẻ tỉnh táo, ông kể lể về chuyện bị anh em ruồng rẫy, tranh cướp tài sản rồi mỗi người li tán một phương. Bức xúc, ông bỏ lên Hà Nội. Sau vài trận ốm thập tử nhất sinh, không thuốc thang, không người chăm sóc, ông mới trở nên thân tàn ma dại, ngớ ngẩn thế này!

 

Có những người nghèo khổ, ngày đi nhặt rác, đêm về tạnh ráo thì ngủ ở ven hồ, mưa gió thì phải ngủ trong… ống cống! Như câu chuyện của đôi “Romeo và Juliet già” sống trong ống cống cạnh hồ Đống Đa. Bác Hiền, ngoài 50 tuổi, thần kinh không bình thường, gia cảnh quá nghèo, con lại phá phách, lâm vào đường cùng, đành bỏ xứ lên Hà Nội nhặt rác kiếm sống. Cảm thương số phận người đàn bà bất hạnh, lại vì con cái cũng quá nghèo không nuôi nổi, bác Dinh, ngoài 60 tuổi, cũng bỏ con cháu để ra sống chung cảnh “màn trời chiếu đất”.

 

Xót xa, đau lòng như cuộc đời bà Đỗ, quê Hưng Yên, sống ở gần gầm cầu Long Biên. Cách đây chục năm, cả gia đình bà chuyển từ Hưng Yên lên Hà Nội kiếm sống. Chồng bà không may đi chở than bị tai nạn giao thông không qua khỏi. Hai thằng con trai hút chích ma tuý.

 

Hàng ngày, bà đi nhặt rác quanh chợ, đêm về lại xuống khu bãi nổi gần gầm cầu Long Biên ngủ. “Một thằng đã “đi” được hơn một năm rồi. Còn một thằng thì chả biết nó ở chỗ nào, sống chết ra sao, có bao giờ nó về thăm tôi đâu”, bà Đỗ rưng rưng.

 

Bên cạnh một Hà Nội phù hoa, vẫn còn một góc không nhỏ Hà Nội đói nghèo, khốn cùng. Những mảnh đời như bà Thìn, ông Ba, bác Hiền, bác Dinh, bà Đỗ… là phần tất yếu của một đô thị hiện đại.

 

Theo Cẩm Quyên

VietNamnet