1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đôi vợ chồng gánh nước thuê danh tiếng

Gánh nước thuê, một công việc không có trong “danh mục” nghề nghiệp. Vậy mà có một đôi vợ chồng gắn bó đến 50 năm với nghề này, lạ kỳ thay, đó cũng là một nét văn hóa không thể thiếu ở di sản văn hóa thế giới Hội An.

Nhiều hãng thông tấn quốc tế đã gặp để quay những thước phim phóng sự, nhiều người nước ngoài nóng lòng đến Hội An để thăm, gặp và chụp hình với đôi vợ chồng gánh nước thuê. Nhiều cán bộ quản lý tại Hội An còn nói vui - đây là gia đình “di sản”...

Kỷ lục Guinness cho gánh nước thuê...

Trong một con hẻm ngoằn ngoèo, nhỏ xíu nhưng sạch như lau của Hội An, ngôi nhà của vợ chồng cụ ông Nguyễn Đường và bà Nguyễn Thị Mỹ (đã ngoài 70 tuổi) nằm khiêm tốn như một mảnh ghép nhỏ của phố Hội. Cái khuôn viên rộng chừng 20m2 ấy, hai vợ chồng ông, cùng anh con trai nay gần 50 tuổi, vẫn ngây ngô như đứa bé mới lớn, bắt đầu khởi nghiệp gánh nước của mình.

Cụ bà Mỹ vẫn không thể nào quên những ngày tháng đẩy đưa vợ chồng bà đến với cái nghề mà tính đến nay, đã nuôi gia đình bà suốt 50 năm trường. Ngày cậu con trai đầu lòng chào đời, cũng như những đứa trẻ khác, lanh lợi và rạng rỡ. Nhưng khi đầy 1 tuổi, bỗng dưng một cơn sốt ác nghiệt đã lấy đi tất cả niềm vui, hạnh phúc lớn nhất của gia đình bé nhỏ. Hai vợ chồng ra Bắc, vào Nam, đi khắp các nơi để chạy chữa cho con nhưng không thể, tài sản gia đình cứ đội nón ra đi cho bằng hết.

Lang thang giữa phố Hội kiếm kế sinh nhai, may mắn thay, một gia đình thấy thương hoàn cảnh ngặt nghèo, cho hai vợ chồng một khoanh đất, dựng lều ở tạm. Không vốn liếng trong tay, cả gia đình loay hoay đánh vật với cơm, áo, gạo, tiền...

Một hôm, tình cờ bà phát hiện người dân Hội An thích dùng nước giếng Bá Lễ. Làm gì, nấu gì, pha gì cũng phải là nước giếng này. Bà mới thử thăm dò những hàng quán, những gia đình trong phố Hội... Thấy được nhu cầu là có thật, bà lẳng lặng về sắm quang gánh, cùng chồng ngày ngày đi đổ nước cho các nhà trong phố. Cuộc sống bắt đầu khá lên và có cơm ăn, áo mặc, rồi dựng nên một mái nhà tươm tất trên mảnh đất nhỏ hẹp...

Năm lên 12 tuổi, cậu con trai mắc bệnh cũng tập gánh, rồi thay mẹ kiêm nhiệm. 50 năm qua, hình ảnh của đôi vợ chồng - vợ múc nước, chồng và cậu con trai "già mà trẻ" gánh nước thuê này đã trở nên quá đỗi quen thuộc với người dân phố Hội. Mỗi đôi nước tùy xa gần mà xê xích giá từ 2.000 - 6.000 đồng. "Rứa là quá đủ sống rồi phải không cô? 50 năm gánh nước, mua được cái ti vi to, bếp ga, nồi cơm điện... Sống đủ đầy hơn khối người!".

Trong căn nhà nhỏ, vật được để trang trọng và sạch sẽ nhất chính là... đôi thùng gánh nước. Dấu vết thời gian không hề che giấu, thanh gỗ nơi nối đôi thùng với đoạn cây sắt để quàng gánh đã mòn nhẵn, bóng lưỡng. "Nếu nói về kỷ lục Guinness, chắc đôi thùng và chiếc đòn gánh này chiếm ngôi đầu, vì cứ một ngày, nó gánh đi đổ hàng trăm gánh nước. Mà 50 năm rồi, vẫn chạy tốt..." - cụ ông hài hước. Kỹ lưỡng, ông bà cho đôi thùng gánh nước chính là vật linh thiêng giúp cho ông bà mưu sinh, nên rất trân trọng, gìn giữ. Cứ mỗi khi gánh nước xong về, bà chùi thật khô, tránh gỉ sét.

Dưới gầm giường vẫn có nhiều đôi thùng mới, nhưng bà nói: "Tui thích gánh bằng đôi thùng ni hơn, nó với tui như bạn tri kỷ rứa!". Nói về chuyện gánh nước thuê, lúc lắc mái đầu xám bạc, cụ ông cười - cái miệng móm sọm vì tuổi tác: "Gánh hoài rồi quen chớ có chi đâu cô, gánh miết, chừ trên vai cũng có cục chai nè, nên đâu có đau chi đâu!". Rồi cụ cởi phăng chiếc áo ngoài, trên vai trái, những cục chai lộ rõ, xám xịt trên làn da đồi mồi...

“Gánh nước di sản”

Tồn tại gần 1.000 năm, giếng cổ Bá Lễ trở nên vô cùng quan trọng đối với người Hội An. Nhiều món ăn nổi tiếng của Hội An, ngon và có mùi vị đặc trưng như cao lầu, mì quảng, xí mà... không dùng nước giếng Bá Lễ, không thể chế biến.

Mạch ngầm nước dồi dào, trong sạch và ngọt, cộng thêm nguồn nước thanh mát, khiến ai đã một lần nếm, không thể nào quên. Đó cũng chính là lý do mà đa phần người dân Hội An, dù trong nhà đã có nước giếng đóng, nước thủy cục nhưng vẫn phải sử dụng nước giếng Bá Lễ để nấu ăn, pha trà, uống thường ngày. Chẳng ai dùng nước giếng Bá Lễ để tắm bao giờ, vì như vậy là phí phạm.

Mùa mưa cũng như mùa nắng, mạch nước ngầm tươi mát của giếng Bá Lễ không bao giờ cạn, vì vậy mà kế sinh nhai của ông bà không bị đứt quãng. Tôi vốc tay, nhấp một ngụm nước giếng mát lành, ngọt lịm, nghe cụ bà kể chuyện. "Không biết vì vợ chồng tui gánh nước giếng Bá Lễ - vốn là một di sản nên được... để ý, hay do hiếm ai gắn bó như vợ chồng và con tui với nghề gánh nước thuê, nên thỉnh thoảng, lại có nhiều đoàn khách du lịch Tây, ta, rồi nhiều đoàn phóng viên nước ngoài tới phỏng vấn, quay phim về nghề của vợ chồng tui". Cụ bà khoe những tấm ảnh chụp, báo chí có, nghệ thuật có.

Ông cười hồn hậu: "Đó là chưa kể những lần đóng phim nữa, vui phải biết. Có một cảnh mà tui với thằng Quốc (con trai ông bà) diễn đi diễn lại miết! Nhưng sau này đóng riết, rồi quen, nên có đoàn nào mời là tui đóng xịn rồi". Trong những lễ hội tái hiện Hội An, sẽ thấy hình ảnh của gia đình gánh nước thuê này tại các phân cảnh. Và hình ảnh của ông, cuốn hút du khách, bằng sự mộc mạc lạ kỳ. Nhiều người cho rằng, khuyết đi hình ảnh gánh nước của ông, Hội An mất đi nét cổ xưa...

50 năm nay, cứ hễ đến rằm, mùng một hay những ngày lễ lạc lớn, ông bà cùng cậu con trai đều đến cúng kiếng thần giếng Bá Lễ. "Vái tạ ơn ông thần giếng đã giúp cho vợ chồng tui rời chốn bĩ cực, sống cuộc sống yên ấm, hạnh phúc... Cầu cho mưa thuận gió hòa, nguồn nước luôn mát lành cho người dân phố Hội".

Và sự trăn trở lớn nhất của ông bà bây giờ là cậu con trai - gần 50 tuổi vẫn là đứa trẻ mới lớn. Tôi hỏi vui "Có thích lấy vợ không?", lập tức bị ông bà bác đi. Ông kể, trước cậu có thích một cô gái bán hàng rong, cả hai chơi với nhau rất thân, rồi một cơn bạo bệnh cô gái mất đi. "Vậy là thằng Quốc lúc nào cũng thẫn thờ, từ đó ai nói đến chuyện vợ là nó ghét, không thèm nhìn mặt. Nó nói, nó chỉ thủy chung với cô gái đó thôi. Đến rằm, mồng một, sau khi đi cúng giếng, nó xin tiền mẹ mua hương, hoa quả đến cúng cô ấy! Cái thằng, ngẩn ngơ vậy mà cũng thủy chung!".

Rồi giọng ông trầm mặc: "Đời cha, đời con đều gánh nước thuê, nhưng gia đình tui thấy hạnh phúc lắm! Chỉ lo lúc vợ chồng già ni không còn, không biết có ai cưu mang nó. Cũng may có cái nghề gánh nước ni. Nó có thể tự nuôi sống mình!...".

Theo Diệu Hiền
Thanh Niên