1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đôi vợ chồng chống lại “lời nguyền chết chóc”

Hai đứa trẻ sinh đôi, đứa đầu được giữ lại để nuôi còn đứa thứ hai buộc phải chôn sống; người mẹ khi sinh nở không may bị chết thì đứa con cũng phải chôn theo… Đó là những hủ tục rùng rợn đã cướp đi nhiều sinh mạng trẻ em người dân tộc Ma Coong.

Bằng ý chí chống lại cái ác, cái lạc hậu, nhiều năm nay, một cặp vợ chồng ở miền tây Quảng Bình đã cứu giúp hàng chục đứa trẻ thoát khỏi luật tục chết chóc này.

 

Luật tục chết chóc

 

Chỉ vì mềm lòng, không dám chống lại những hủ tục của người Ma Coong mà bao năm nay, ông Y Hắt (64 tuổi, trú bản Khe Rung, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) phải sống trong ân hận, đau xót đến tột cùng. Chỉ tay về phía rừng ma, nơi người vợ và đứa con trai của ông đang yên nghỉ, Y Hắt nói trong tiếng nấc: “Ta khổ lắm chú ơi! Đã qua bao mùa bắp trên rẫy rồi nhưng ta cũng chỉ sống một mình, ăn một mình như thế này đây. Họ đã chết hết rồi! Chết hết rồi! Họ đã bị chính tay ta chôn sống!...”.

 

Sau một lúc nghẹn ngào, Y Hắt dùng khăn lau vội 2 dòng nước mắt đang chảy dài trên khuôn mặt nhăm túm, khắc khổ của mình rồi chậm rãi kể: Vào tháng 7/1993, bà Y Mốc (vợ ông) chuyển dạ sinh con. Mặc dù đứa bé đã lọt lòng được 3 ngày, nhưng nhau vẫn mắc lại trong bụng. Cuối cùng vì lên cơn sốt, nhiễm trùng rồi kiệt sức, người mẹ xấu số đã chết, bỏ lại đứa con tội nghiệp. Nghe được tin dữ, già làng và nhiều người dân trong bản Khe Rung đã kéo đến bao vây người chồng và đứa bé bất hạnh.

 

Họ yêu cầu Y Hắt phải chôn đứa bé theo luật tục của người Ma Coong: Người mẹ khi sinh nở bị chết “xấu” thì đứa bé buộc phải “đi theo”. Ruột đau như cắt, nhưng vì không thể chống lại luật tục và phần nhiều vì sợ con “ma rừng” về bắt tội cả làng nên Y Hắt đành nuốt nước mắt cùng với lũ làng dùng cuốc đào huyệt chôn sống đứa con còn đỏ hỏn trên tay.

 

Cùng chung cảnh ngộ như Y Hắt, ông Y Cư (67 tuổi, trú bản Bụt) cũng đau đớn không kém. Vì tuân theo luật tục của người Ma Coong và sợ “lời nguyền” của con “ma rừng” mà tháng 11/1994, Y Cư phải tự tay chôn người vợ xấu số và đứa con gái vừa tròn 4 ngày tuổi của mình.

 

Đã 16 năm trôi qua nhưng bây giờ, mỗi lúc nghĩ đến hành động của mình, Y Cư rất buồn và ân hận. “Lúc đó bố cứ nghĩ mẹ nó chết rồi thì đành phải cho nó “đi theo”. Bố không biết làm vậy là nhẫn tâm và phạm pháp. Ngày bố chôn “noong” (con), noong nằm im và mở tròn 2 mắt như không biết điều gì xảy ra. Chỉ khi bỏ xuống huyệt rồi, noong mới khóc ré lên” - Y Cư nói trong nước mắt.

 

Đau đớn hơn cả là cảnh ngộ của ông Y Hoi (73 tuổi, trú bản Cà Ròong 1). Một ngày cuối tháng 9/1989, bà Y Bắp (vợ ông) sau khi sinh đôi được 2 đứa con trai kháu khỉnh thì bị kiệt sức rồi chết. Nỗi đau mất vợ chưa nguôi thì Y Bắp bị sức ép từ người thân và lũ làng hung hãn kéo đến đòi chôn 2 đứa trẻ.

 

Ông Y Hấp (bố của Y Hoi) giật 2 đứa trẻ từ tay Y Hoi mà thét lớn: “Mày không đem chúng đi chôn thì cả làng này sẽ bị con ma rừng về “nguyền” chết hết. Mẹ chúng chết rồi thì còn đâu sữa cho chúng bú, cuối cùng chúng cũng chết thôi. Y Hoi, mày hãy chôn con mày trước đi để tránh con ma rừng về bắt tội cả làng!”. Nỗi đau như trăm ngàn vết cứa sâu vào tim nhưng không thể cưỡng lại luật tục và lời ra lệnh của bố đẻ, cuối cùng Y Hoi buộc phải chôn sống 2 đứa trẻ.    

 

Không phải chiến tranh, không phải ốm đau, bệnh tật, nhưng từ bao đời nay đã có hàng trăm người đàn ông dân tộc Ma Coong ở các bản làng vùng biên xã Thượng Trạch phải sống trong cô độc và xót xa. Bởi họ vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân khi đã tự tay chôn đi những đứa con của mình vì người vợ không thể “vượt cạn”. 

 

Đôi vợ chồng chống lại lời nguyền

 

“Nhìn người chồng gầy yếu, người vợ có nước da ngăm đen hằn trên khuôn mặt khắc khổ, tôi không tưởng tượng được rằng họ lại có đủ sức mạnh để chống lại những hủ tục chết chóc từ bao đời nay của người Ma Coong giữa chốn thâm sơn cùng cốc. Việc làm của họ không chỉ giúp nhiều đứa trẻ thoát khỏi cảnh phải chôn sống mà còn minh chứng cho sự lương thiện, tiến bộ của con người có thể chiến thắng cái ác, cái lạc hậu và số phận nghiệt ngã” - đó là lời tâm sự của ông Đinh Hợp - Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch về vợ chồng anh Nguyễn Diệu và chị Y Nhoang (trú bản Cà Ròong 1, xã Thượng Trạch).

 

Đôi vợ chồng chống lại “lời nguyền chết chóc”   - 1
Vợ chồng Nguyễn Diệu và Y Nhoang, người tiên phong chống lại “luật tục chết chóc” của người Ma Coong.

 

Xuất thân từ một gia đình nhà nho ở thôn Vĩ Dạ, huyện Hương Phú, TP Huế, nhưng số phận đã đưa Nguyễn Diệu đến với chốn rừng núi miền tây của tỉnh Quảng Bình. Ngay từ những ngày đầu vừa lập gia đình, Diệu không chỉ nghe kể mà còn được trực tiếp chứng kiến hủ tục chôn con theo mẹ của người Ma Coong. Sau bao đêm trằn trọc suy nghĩ, vì tình yêu thương những đứa trẻ vô tội, anh đã quyết định bàn bạc với Y Nhoang (vợ anh) là phải mạnh mẽ đứng lên chống lại rồi đi đến xóa bỏ hủ tục chết chóc. Thật bất ngờ, quyết định táo bạo, liều lĩnh này của anh đã được Y Nhoang ủng hộ. 

 

Tháng 9/1995, biết được thông tin chị Y Xoong (trú bản Cà Ròong 2) bị chết sau khi sinh một bé trai, vợ chồng Nguyễn Diệu, Y Nhoang tức tốc băng rừng, lội suối tìm đến. Khi đứa trẻ khóc ngằn ngặt trên tay già làng vừa được đặt xuống huyệt thì Nguyễn Diệu đã lao đến can ngăn và bế lên, phóng chạy một mạch về nhà trong đêm tối. Ngay trong đêm đó, đứa bé được cắt rốn, tắm rửa sạch sẽ và đặt nằm bên cạnh vợ chồng Nguyễn Diệu...

 

Đôi vợ chồng chống lại “lời nguyền chết chóc”   - 2

Đinh Đồng (trái), đứa trẻ được vợ chồng Nguyễn Diệu cứu sống.

 

Những ngày đầu, mỗi lúc làng gặp chuyện gì không may là hàng chục người lại kéo đến nhà vợ chồng Nguyễn Diệu đòi chôn đứa bé. Phải bằng mọi cách giải thích, thuyết phục và kiên quyết đến cùng, Nguyễn Diệu mới giữ đứa trẻ lại được. Đã nhiều lần vợ chồng anh phải nuốt nước mắt “chường mặt” ra cho lũ làng chỉ trích: “Rồi cả nhà mày sẽ bị con ma rừng nguyền chết hết thôi”.     

 

Nhưng từ ngày được cứu sống, điều kỳ lạ là đứa trẻ khỏe mạnh, lớn lên trong sự chở che của đôi vợ chồng nhân hậu và sự thách thức, huyễn hoặc của lũ làng. Nhiều năm trôi qua, dân bản Cà Ròong vẫn bình yên, đứa bé đó được vợ chồng Nguyễn Diệu đặt tên là Đinh Đồng. Năm nay Đinh Đồng đã 15 tuổi, em đang theo học lớp 7 Trường Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình. Chính từ trường hợp của Đinh Đồng, người dân đã dần hiểu ra những luật tục lạc hậu của mình và cùng chung sức xóa bỏ.

 

Nhiều già làng đã nói với chúng tôi rằng, “nhờ thằng Diệu, con Nhoang mà cái đầu tối tăm của lũ làng được sáng ra. Bây giờ những đứa trẻ đã không còn phải chết oan nữa”. Tất nhiên, để chiến thắng những hủ tục lạc hậu ấy, vợ chồng Nguyễn Diệu và Y Nhoang đã phải vượt qua rất nhiều thử thách không thể nói hết bằng lời. Bên cạnh đó là sự chung tay góp sức của các ban, ngành và đặc biệt là lực lượng bộ đội biên phòng trong công tác tuyên truyền, vận động người dân.

 

Chúng tôi mượn lời thiếu tá Nguyễn Văn Đức - chiến sĩ đồn biên phòng tăng cường cho xã Thượng Trạch để kết thúc cho bài viết: “Nhiều năm trôi qua, kể từ ngày vợ chồng Nguyễn Diệu cứu sống được Đinh Đồng, đã có hàng chục đứa trẻ ở xã Thượng Trạch rơi vào tình cảnh mất mẹ lúc mới chào đời, nhưng các cháu đều được giữ lại để nuôi. Hiện nay, cùng với sự tuyên truyền, vận động của bộ đội biên phòng, người Ma Coong ở đỉnh đại ngàn Trường Sơn đã nhận ra rằng: Luật tục chôn con theo mẹ là lạc hậu nên họ xóa bỏ”.

 

Theo Nguyễn Nghệ An
Công an Đà Nẵng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm