Bạc Liêu:
Đối tượng tham nhũng “cao tay” hơn cán bộ phòng chống tham nhũng!
(Dân trí) - UBND tỉnh Bạc Liêu nhận định, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến khá phức tạp với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện.
UBND tỉnh Bạc Liêu vừa có báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong năm 2014. Báo cáo cho biết, năm 2014, ngành Thanh tra tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức triển khai 60/60 cuộc thanh tra theo kế hoạch, 11 cuộc thanh tra đột xuất, 1 cuộc thanh tra lại tại 85 địa phương, đơn vị.
Kết quả thanh tra đã phát hiện 24 đơn vị có thiếu sót, vi phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản… với số tiền trên 11,3 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 5,5 tỷ đồng; kiến nghị chấn chỉnh, điều chỉnh 4,4 tỷ đồng; khắc phục 1,2 tỷ đồng; thu hồi 4,3 tỷ đồng, đạt 78,1%; kiến nghị xử lý hành chính 1 tập thể, 10 cá nhân; kiến nghị chấn chỉnh 24 đơn vị; kiểm điểm rút kinh nghiệm tập thể 12 tập thể và 13 cá nhân; chuyển Cơ quan điều tra 1 vụ liên quan đến 4 đối tượng với số tiền sai phạm 678 triệu đồng.
Trong năm 2014, tổng số vụ án tham nhũng cơ quan điều tra thụ lý là 3 vụ, 3 bị can (vụ Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty Dầu khí Mê Kông, vụ Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty Gas Cường Thịnh và vụ Nhận hối lộ của Thư ký TAND huyện Vĩnh Lợi) với giá trị tài sản thiệt hại do tham nhũng là 1,5 tỷ đồng. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh thụ lý kiểm sát điều tra 6 vụ, 8 bị can (tăng 4 vụ, 6 bị can so cùng kỳ) và thụ lý kiểm sát xét xử 2 vụ, 2 bị can; TAND tỉnh xét xử 2 vụ án tham nhũng với 2 bị cáo.
UBND tỉnh Bạc Liêu nhìn nhận, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được thì công tác PCTN vẫn còn có những hạn chế như: việc tự kiểm tra để phát hiện tham nhũng của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu; việc phát hiện tham nhũng chủ yếu qua dư luận xã hội, đơn thư tố cáo, báo chí phản ánh hoặc khi có cơ quan chức năng thực hiện việc thanh tra mới phát hiện sai phạm; việc xử lý hành vi tham nhũng trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, gây dư luận không tốt.
Qua công tác nhận và giải quyết đơn thư tố cáo cho thấy, việc người dân tham gia tố cáo tham nhũng chưa nhiều. Tình trạng này có nguyên nhân xuất phát từ cơ chế bảo vệ người tố cáo của các cơ quan nhà nước chưa tốt nên tâm lý người tố cáo sợ bị trả thù, từ đó ngại tố cáo hành vi tham nhũng.
Một số cán bộ, công chức còn nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác PCTN nên xem việc chống tham nhũng là của các cơ quan nhà nước và việc tham nhũng không xảy ra ở cơ quan đơn vị mình.
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, còn tồn tại hạn chế trên là do đội ngũ làm công tác PCTN dù được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhưng đối tượng phạm tội thường là những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ chuyên môn cao, có nhiều thủ đoạn để che giấu hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị còn bệnh thành tích, né tránh trách nhiệm nên còn có tình trạng nương nhẹ trong xử lý cán bộ dưới quyền.
UBND tỉnh Bạc Liêu dự báo, tình trạng sách nhiễu, gây phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức vẫn còn diễn ra ở một số đơn vị, địa phương. Tham nhũng, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài chính, vốn và tài sản tại một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là lĩnh vực tín dụng, ngân hàng trong thời gian tới là những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.
Để công tác PCTN có hiệu quả, lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, trong năm 2015, tỉnh sẽ tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện pháp luật về PCTN; xử lý nghiêm công chức, viên chức nhũng nhiễu, tiêu cực và các hành vi tham nhũng; tăng cường công tác phối hợp với các mặt trận đoàn thể, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan truyền thông và nhân dân giám sát việc thực hiện nhiệm vụ công vụ của cán bộ, công chức nhằm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; tăng cường hiệu quả cơ chế trong thực hiện khiếu nại, tố cáo, bảo vệ, khen thưởng để khuyến khích sự tham gia của người dân trong việc PCTN.
Huỳnh Hải