1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Đối tượng nào được vận chuyển cấp cứu bằng máy bay quân sự?

(Dân trí) - Bộ Quốc phòng vừa có Thông tư số 193/2016/TT-BQP ban hành Quy chế tổ chức vận chuyển cấp cứu người bị thương, bị bệnh trên các vùng biển, đảo, vùng sâu, vùng xa bằng máy bay quân sự.

Một chuyến bay đưa bệnh nhân từ đảo Trường Sa Lớn đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất.
Một chuyến bay đưa bệnh nhân từ đảo Trường Sa Lớn đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/1/2017, trong đó điều kiện được vận chuyển cấp cứu bằng máy bay quân sự gồm các đối tượng bị thương, tình trạng cấp cứu, bệnh cấp tính đang có biểu hiện đe dọa tính mạng mà vượt quá khả năng cấp cứu, điều trị của các cơ sở quân y, cần chuyển ngay về các bệnh viện tuyến sau theo chỉ định của Cục trưởng Cục quân y và có đủ yếu tố bảo đảm cho an toàn bay.

Những đối tượng trên bao gồm: 1. Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức và lao động hợp đồng thuộc các đơn vị Quân y làm nhiệm vụ trên các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn về phương tiện giao thông. 2. Công dân Việt Nam hoạt động hợp pháp trên các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo quy chế, khi người bệnh vào cấp cứu tại các cơ sở quân y, có chỉ định vận chuyển cấp cứu người bệnh bằng máy bay quân sự, người phụ trách cơ sở quân y thực hiện như sau:

Đối với khu vực Quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1: báo cáo tình trạng người bệnh với Giám đốc bệnh viện chủ quản và Chủ nhiệm quân y cấp trên tới Chủ nhiệm quân y Quân chủng Hải quân;

Đối với các đảo gần bờ và vùng sâu, vùng xa: báo cáo tình trạng người bệnh với Chủ nhiệm quân y cấp trên tới Chủ nhiệm quân y quân khu hoặc Chủ nhiệm quân y Quân chủng Hải quân, Chủ nhiệm quân y Binh đoàn 15, Chủ nhiệm quân y Binh đoàn 16.

Giám đốc bệnh viện chủ quản, Chủ nhiệm quân y Quân chủng Hải quân, Chủ nhiệm quân y quân khu, Chủ nhiệm quân y Binh đoàn 15, Binh đoàn 16 báo cáo Cục Quân y tình trạng người bệnh và đề nghị được vận chuyển cấp cứu bằng máy bay quân sự. Nội dung báo cáo gồm: Họ tên người bệnh, tuổi, cấp bậc, chức vụ hoặc nghề nghiệp; tình trạng bệnh lý và quá trình sơ cứu, cấp cứu, tiên lượng bệnh; các yêu cầu cần thiết về hồi sức cấp cứu trên đường vận chuyển; trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ y tế, thuốc, hóa chất, tổ hộ tống cấp cứu trên máy bay. Hình thức báo cáo bằng điện thoại, sau đó bằng văn bản.

Đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức chuyến bay vận chuyển cấp cứu tiến hành giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị không quân thuộc quyền thực hiện. Đơn vị không quân được giao nhiệm vụ lập kế hoạch bay và báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Quy chế nêu rõ, khi đón người bệnh và tổ hộ tống cấp cứu, tổ bay hướng dẫn vị trí cho người, vị trí triển khai các trang thiết bị, dụng cụ y tế cần thiết và các yêu cầu bắt buộc phải tuân theo để bảo đảm an toàn trong chuyến bay. Trường hợp có bất trắc xảy ra do gặp thời tiết xấu đột ngột hoặc các sự cố, tổ bay chịu trách nhiệm xử lý và báo cáo về Sở chỉ huy để được trợ giúp. Sau khi tắt máy, cánh quạt máy bay dừng hẳn mới mở cửa và chuyển giao người bệnh; kết thúc chuyến bay cấp cứu các đơn vị không quân tổng hợp báo cáo cấp trên.

Thành phần của tổ hộ tống cấp cứu, gồm: 1 bác sĩ tổ trưởng, 1 bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu và 2 điều dưỡng viên. Lực lượng tham gia tổ hộ tống cấp cứu có trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu cấp cứu người bệnh trong quá trình vận chuyển. Trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư tiêu hao phù hợp với việc hồi sức cấp cứu người bệnh trên máy bay.

Thế Kha