1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Đổi thuốc độc, vẫn còn nhiều điểm mắc về thi hành án tử hình”

(Dân trí) - Dù Bộ trưởng Công an khẳng định khó khăn về việc không nhập được thuốc độc để thi hành án đã được giải quyết bằng nguồn thuốc trong nước, Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình vẫn đề nghị sửa luật, khôi phục lại hình thức xử bắn song song với tiêm thuốc độc…

Khó khăn không chỉ ở… tên thuốc!
“Đổi thuốc độc, vẫn còn nhiều điểm mắc về thi hành án tử hình”
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến: "Có phạm nhân không chịu nổi áp lực... chờ đợi đã phải viết đơn xin được thi hành án".

Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa – Vũng Tàu) lật lại chuyện luật Thi hành án hình sự với quy định việc tử hình bằng tiêm thuốc độc có hiệu lực đã 2 năm mà đến nay vẫn chưa áp dụng được, hiện 568 người bị kết án tử hình vẫn phải… chờ thuốc độc. Áp lực trách nhiệm với cơ quan giam giữ rất lớn.

Ông Hiến dẫn chứng, tại Hà Nội 76 bị án tử hình mà hiện số phòng giam cho loại tội phạm này chỉ đảm bảo phân nửa. Có bị án thời gian biệt giam kéo dài đến 5-6 năm mà chưa thi hành được, tâm lý rất nặng nề. Có phạm nhân quá áp lực đã phải viết đơn xin được thi hành án. Đại biểu cho rằng vấn đề này cũng thuộc trách nhiệm kiểm sát của ngành Kiểm sát?

Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình xác nhận con số đại biểu nêu, chú thích rõ là trong số hơn 500 bị án đó có khoảng 170 bản án đã đủ điều kiện thi hành. Chia sẻ với đại biểu về áp lực đối với bị cáo và cơ quan giam giữ với số “tử tù” tồn đọng lớn này nhưng ông Bình cũng biện giải “kéo dài trách nhiệm pháp lý của bị án tử hình cũng là một biểu hiện nhân đạo của nền tư pháp”.

Về trách nhiệm của ngành mình, ông Bình cho rằng sẽ tăng cường kiểm sát giam giữ để đảm bảo nguyên tắc, dù án đã tuyên nhưng chưa thi hành thì chế độ sinh hoạt với mỗi người vẫn phải đảm bảo, nhất là khi quá nửa số bị án này đang mắc bệnh phơi nhiễm, cần chăm sóc y tế đầy đủ. Ngoài ra, VKS cũng có nghĩa vụ để đảm bảo các bị án không thể trốn trách nhiệm pháp lý như tự tử, trốn trại.

Trước khi đề nghị sự trợ giúp của Bộ trưởng Công an với câu hỏi này, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cũng nêu quan điểm cá nhân: “Đề nghị sửa luật Thi hành án hình sự, cho giữ song song 2 hình thức tử hình trong bối cảnh hiện nay, có thể chọn giữa bắn và tiêm thuốc độc để chống việc tồn án như hiện tại. Cần xem xét vấn đề này vì dù có thay đổi tên thuốc độc thì việc thi hành án bằng cách này cũng còn tồn tại nhiều vấn đề khác chứ không chỉ ở cái tên”.

Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang khi được yêu cầu “chia lửa” cũng xác nhận những khó khăn về việc quản lý giam giữ những người bị kết án từ hình đang chờ thi hành án. Ông Quang báo cáo, khi luật Thi hành án hình sự có hiệu lực, Bộ Công an đã khẩn trương triển khai công việc, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án, xây dựng 5 nhà thi hành án ở các vùng miền, khu vực nhưng lại vấp khó khăn vì không có thuốc độc để thi hành.

Điểm mắc theo ông Quang là do Nghị định 85 về vấn đề này quy định 3 loại thuốc để tiêm với nguồn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Để gỡ điểm mắc này, vừa qua Bộ Công an và Bộ Y tế đã phối hợp, kiến nghị sửa bằng Nghị định 47, thay đổi các loại thuốc độc dùng để tiêm bằng nguồn thuốc ở trong nước.

Ông Quang khẳng định, từ 27/6 tới, Nghị định này có hiệu lực, việc thi hành án đối với số bị án tử hình đang tồn đọng này sẽ được tiến hành ngay sau đó.

Án treo tham nhũng - dù đúng nhưng nhiều vẫn… phản cảm

Đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) khái quát, thời gian qua, dư luận cho rằng việc xử lý án kinh tế, chức vụ, tham nhũng chưa tốt khi các bị cáo được hưởng án treo nhiều. Việc này gây nghi ngờ, hoang mang về tính nghiêm minh của pháp luật.

Bà Hoàng yêu cầu Viện trưởng VKSND tối cao giải trình về hướng chỉ đạo để xử lý án kinh tế, chức vụ, tham nhũng.

Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình thừa nhận, án tham nhũng phức tạp mà việc xét xử có mức độ, án treo nhiều cũng là một câu hỏi Quốc hội đặt ra cho ngành tư pháp trong Nghị quyết 37. Ông Bình cũng đồng tình với nhận định việc này làm nảy sinh suy nghĩ nhà nước không quyết tâm cao chống tham nhũng.

Nêu con số thống kê, ông Bình cho biết, đến thời điểm này, tỷ lệ án treo trong nhóm tội về kinh tế, chức vụ, tham nhũng ở mức 30,8%, cao hơn các loại án khác khi mức trung bình trong các nhóm này chỉ 21%.
 
“Đổi thuốc độc, vẫn còn nhiều điểm mắc về thi hành án tử hình”
Đây là lần đầu tiên Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đăng đàn trả lời chất vấn từ khi nhậm chức.
 
Tuy nhiên, Viện trưởng VKSND tối cao cũng phân trần, có 2 phần cần tách biệt ở đây. Về án kinh tế, do chính sách hình sự, vấn đề cần chú trọng là thu hồi khoản tiền, tài sản bị chiếm hưởng, đồng thời hình phạt cũng hướng đến phạt tiền.

“Nhất là với loại tội phạm lấy đồng tiền làm mục đích phạm tội thì hình phạt cũng phải “đánh mạnh” vào vấn đề kinh tế chứ không đặt cao biện pháp răn đe bằng phạt tù. Vậy nên khi bị cáo khắc phục hậu quả đầy đủ, nộp phạt thỏa đáng thì án tù không phải yêu cầu cao cần đặt ra” – ông Bình phân trần.

Với nhóm án tham nhũng, dù xác nhận đúng là số lượng án treo cũng cao nhưng ông Bình lại thống nhất với nhận định của Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã từng báo cáo UB Thường vụ Quốc hội trong phiên giải trình trước đó là rà soát đến thời điểm này, các án xử treo đều vận dụng pháp luật đúng.

Dù vậy, ông Bình cũng cho biết có trường hợp VKSND tối cao đã kháng nghị khi tòa quyết định cho bị cáo hưởng án treo (kháng nghị 39 trường hợp, được tòa chấp nhận 26 trường hợp).

Hướng giải pháp ông Bình đưa ra là kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng cáo trạng mà có đề xuất án treo. Theo đó, án tham nhũng mà VKS cấp dưới đề xuất án treo thì phải báo cáo cấp trên xem xét, còn nếu tòa xử án treo không phải do VKS đề nghị thì kiểm sát viên tham gia phiên tòa cũng phải báo cáo cấp trên để kháng nghị.

“Chúng tôi cũng chỉ đạo 2 tình tiết không được vận dụng để xử phạt dưới khung là “có nhân thân tốt” và “phạm tội lần đầu” vì chủ thể của án tham nhũng đều là người có chức quyền, hầu hết có nhân thân tốt. Cũng không thể có chuyện phạm tội tham nhũng xong rồi vẫn được đảm nhiệm tiếp chức vụ rồi phạm tội lần tiếp theo để vận dụng tình tiết “phạm tội lần đầu” được” – Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình lập luận.

Ngoài ra, giải pháp liên quan đến liên ngành, ông Bình sẽ họp để quán triệt biện pháp giảm án treo trong tham nhũng vì “dù có vận dụng luật đúng nhưng áp dụng quá nhiều cũng tạo ra phản cảm”.

Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cũng “đỡ lời” cho Viện trưởng VKS là số án treo tham nhũng đã giảm dần từ năm 2010 đến nay. Hàng năm ngành cũng có nhiều đợt kiểm tra chấp hành quy định. Theo đó, tòa cấp dưới quyết định án treo cần gửi lên tòa tối cao để kiểm tra lại. Kết quả kiểm tra cho thấy cơ bản việc áp dụng là đúng, chỉ một tỷ lệ nhỏ, 0,65% án có sai sót. Chánh án cũng đề xuất sưa Điều 46 trong Bộ luật tố tụng hình sự về việc giảm nhẹ trách nhiệm để đảm bảo nguyên tắc pháp luật có khoan hồng nhưng cũng nghiêm minh, nhất là đối với các bị cáo phạm tội với vai trò cầm đầu, chủ mưu, thủ ác.

Đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) vẫn thắc mắc, tham nhũng rõ ràng nghiêm trọng nhưng số án tham nhũng được VKSND tối cao thống kê, báo cáo không đáng kể. Tình trạng chạy án cũng rất bức xúc nhưng số lượng cán bộ tư pháp bị xử lý cũng chỉ kiểu… lấy vì. Bà Huệ đặt câu hỏi: “ Số liệu thống kê tội phạm hàng năm mà VKND tối cao báo cáo Quốc hội hàng năm?”.

Người đứng đầu ngành kiểm sát vội thanh minh, nhiệm vụ của Viện chỉ thống kê những vụ án trong khâu tố tụng. Còn khu vực tội phạm ẩn như tham nhũng nhiều, chạy án phổ biến như đại biểu nêu muốn đánh giá được cần xem xét ở góc độ nghiên cứu tội phạm học.

Bài: P.Thảo
Ảnh: Việt Hưng