Đối tác chiến lược mới của Việt Nam nêu quan điểm về tranh chấp Biển Đông

Thái Anh

(Dân trí) - Thủ tướng Việt Nam, New Zealand cùng bày tỏ quan ngại về các diễn biến ở Biển Đông, khẳng định tầm quan trọng của hoà bình, tự do, giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế.

Ngày 22/7/2020, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng New ZealandJacinda Ardernđã đồng chủ trì Hội đàm cấp cao trực tuyến Việt Nam – New Zealand. Cùng tham dự tại hai đầu cầu Hà Nội và Wellingtoncó Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Công Thương, Nông nghiệp và Giáo dục của hai nước.

Đối tác chiến lược mới của Việt Nam nêu quan điểm về tranh chấp Biển Đông - 1
Hai Thủ tướng Việt Nam, New Zealand hội đàm trực tuyến, thống nhất nâng quan hệ lên mức Đối tác chiến lược.

Trong không khí kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – New Zealand(1975-2020), tiếp nối đà phát triển tích cực và bền vững của quan hệ Đối tác Toàn diện thiết lập năm 2009, trên cơ sở lợi ích, tầm nhìn chung và mức độ tin cậy ngày càng sâu sắc giữa hai nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Jacinda Ardern đã cùng tuyên bố chính thức nâng cấp quan hệ Việt Nam – New Zealandlên Đối tác Chiến lược.

Hai Thủ tướng tin tưởng khuôn khổ quan hệ mới sẽ tạo xung lực thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục đi vào chiều sâu, ngày càng hiệu quả hơn trên tất cả các lĩnh vực, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hoà bình và thịnh vượng của khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự phát triển toàn diện của quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước trong gần nửa thế kỷ qua, đặc biệt là quan hệ chính trị - ngoại giao, hợp tác kinh tế, thương mại, nông nghiệp, giáo dục và giao lưu nhân dân. Thủ tướng ghi nhận hỗ trợ phát triển chính thức của New Zealandtrong những năm qua đã đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Thủ tướng đề nghị hai bên nỗ lực duy trì đà phát triển hợp tác thương mại, phấn đấu đưa kim ngạch hai chiều sớm đạt 2 tỷ USD/năm; đề nghị New Zealandmở cửa thị trường hơn nữa cho nông sản Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu, phát triển chuỗi giá trị một số loại hoa quả để tiếp cận các thị trường có tiêu chuẩn cao.

Thủ tướng Jacinda Ardern chúc mừng Việt Nam đã ứng phó hết sức thành công với đại dịch Covid-19, bày tỏ ấn tượng về các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của người dân cũng như công dân nước ngoài tại Việt Nam; tin tưởng việc hai nước cùng kiểm soát tốt dịch bệnh tạo điều kiện thuận lợi để hai nước sớm khôi phục kết nối và hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.

Thủ tướng Jacinda Ardern đánh giá cao vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam trên cương vị Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an cũng như vào các hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc thời gian qua; cảm ơn Việt Nam tích cực ủng hộ và đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN – New Zealand.

Đối tác chiến lược mới của Việt Nam nêu quan điểm về tranh chấp Biển Đông - 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc hội đàm.

Hai Thủ tướng nhất trí giao Bộ Ngoại giao hai nước sớm xây dựng Kế hoạch hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược, trong đó có việc tăng cường trao đổi đoàn trên các kênh đảng, chính phủ và quốc hội, tổ chức gặp định kỳ giữa hai Thủ tướng, các cuộc họp thường niên giữa các Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng và Công Thương, giữa lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam và Cơ quan Cảnh sát New Zealand, cũng như các cơ chế đối thoại song phương về nông nghiệp, hợp tác biển và các vấn đề cùng quan tâm khác. Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, an ninh theo hướng ngày càng thực chất thông qua các hoạt động trao đổi đoàn, tham vấn chính sách, thăm cảng, hợp tác huấn luyện và đào tạo, phối hợp phòng chống tội phạm xuyên quốc gia. Hai bên cũng nhấn mạnh quyết tâm nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là giáo dục, khoa học - công nghệ và giao lưu nhân dân.

Hai Thủ tướng khẳng định cam kết tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt khi Việt Nam đang là Chủ tịch ASEAN 2020, Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, New Zealandchuẩn bị đảm nhiệm vai trò Chủ tịch APEC năm 2021, hai nước cùng là thành viên tích cực của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và RCEP.

Hai Thủ tướng nhấn mạnh,Việt Nam và New Zealandcó quan điểm và lợi ích tương đồng trên nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, cùng ủng hộ chủ nghĩa đa phương và trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật lệ.

Đối tác chiến lược mới của Việt Nam nêu quan điểm về tranh chấp Biển Đông - 3
Quang cảnh cuộc hội đàm lịch sử.

Trong khi tiếp tục bày tỏ quan ngại về các diễn biến ở Biển Đông, hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, nhấn mạnh UNCLOS là khuôn khổ pháp lý vững chắc điều chỉnh tất cả hoạt động ở các vùng biển và đại dương, đồng thời kêu gọi các bên tôn trọng phán quyết của các cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS.

Nhân dịp hội đàm cấp cao và nâng cấp quan hệ, hai bên đã ra tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – New Zealandvà công bố 4 văn kiện hợp tác được ký kết nhân dịp này, gồm: Thoả thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Các ngành cơ bản New Zealandvề tạo thuận lợi thông quan sản phẩm nông lâm nghiệp và thuỷ sản thông qua việc sử dụng chứng nhận điện tử; Kế hoạch hợp tác chiến lược về giáo dục giai đoạn 2020-2023 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Cơ quan Giáo dục New Zealand; Biên bản ghi nhớ về hợp tác tài chính giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Ngân khố New Zealand; và Thoả thuận giữa Cục Dạy nghề và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Cơ quan hợp tác liên Chính phủ New Zealandvề hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng.

TUYÊN BỐ CHUNG

VỀ QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC

GIỮA VIỆT NAM VÀ NEW ZEALAND

  1. Từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975, và đặc biệt sau khi công bố quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2009, quan hệ giữa Việt Nam và Niu Di-lân (New Zealand) đã không ngừng phát triển sâu rộng cả trên bình diện song phương cũng như trong các khuôn khổ khu vực và đa phương. Tiếp nối đà phát triển đó và trên cơ sở lợi ích chung, tầm nhìn chung và mức độ tin cậy ngày càng sâu sắc, hai nước mong muốn đưa quan hệ đối tác bước sang một chương mới và lên một tầm cao mới.
  2. Trên tinh thần đó và trong không khí kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, ngày 22 tháng 7 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Niu Di-lân Gia-xin-đa A-đơn (Jacinda Ardern) đã đồng chủ trì cuộc Hội đàm cấp cao trực tuyến để chính thức nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược.
  3. Đại dịch COVID-19 bùng phát đã đặt thế giới trước những thách thức chưa từng có về y tế và kinh tế, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của hợp tác, phối hợp và các mối quan hệ đối tác then chốt trong nâng cao khả năng ứng phó và hỗ trợ phục hồi. Với nhận thức đó, chúng tôi cam kết tăng cường hơn nữa các mối liên kết song phương, tập trung vào các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, giáo dục, phát triển và hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tếhai bên cùng quan tâm, cũng như các sáng kiến có ý nghĩa khác được nêu trong Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược do hai bên phối hợp xây dựng trong vòng 12 tháng tới.
  4. Quan hệ Đối tác Chiến lược được thiết lập nhằm mục tiêu tăng cường hơn nữa khuôn khổ giao lưu và hợp tác trên tất cả các lĩnh vực giữa Việt Nam và New Zealand, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hoà bình, ổn định và thịnh vượng của mỗi nước cũng như của khu vực và thế giới. Để dẫn dắt và định hướng cho việc tăng cường quan hệ, Việt Nam và New Zealand cam kết làm sâu sắc hơn nữa hợp tác chính trịsong phươngthông qua trao đổi thường xuyên đoàn cấp cao trên các kênh đảng, quốc hội và chính phủ, đặc biệt là tiếp xúc định kỳ giữa hai Thủ tướng và cơ chế họp thường niên giữa các Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Quốc phòng được tổ chức tại mỗi nước, hoặc bên lề các hội nghị đa phương, hoặc theo hình thức trực tuyến.
  5. Chúng tôi nhấn mạnh thương mại và đầu tư là thành tố then chốt của quan hệ Đối tác Chiến lược vì lợi ích trực tiếp của người dân và doanh nghiệp hai nước. Kim ngạch thương mại hàng hoá và dịch vụ hai chiều tăng lên mức kỷ lục 1,3 tỷ đô-la Mỹ trong vòng 01 năm từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020. Nhằm thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư giữa hai nước, chúng tôi cam kết triển khai các biện pháp đơn phương và song phương để mở cửa thị trường và giảm rào cản thương mại hai chiều, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản, hải sản và sản phẩm gỗ thông qua tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, thuận lợi hoá thương mại, trao đổi thông tin và hợp tác giữa các cơ quan hải quan, nông nghiệp, an toàn thực phẩm và thú y. Để thúc đẩy đầu tư hai chiều và khuyến khích tăng trưởng bao trùm, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hợp tác phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), doanh nghiệp bản địa hoặc của người dân tộc thiểu số, doanh nhân nữ và các lĩnh vực quan trọng khác.
  6. Chúng tôi cam kết tăng cường hơn nữa hợp tác nông nghiệp song phương, bao gồm các hoạt động nghiên cứu chung, hợp tác và hành động về biến đổi khí hậu trong nông nghiệp và lâm nghiệp, công nghệ nông nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật về công nhận phòng thí nghiệm sức khoẻ cây trồng, nhân giống cây trồng, chứng nhậnđiện tửvà quản lý an toàn thực phẩm, thương mại gỗ hợp pháp, và thương mại hoá nông sản. Chúng tôi hoan nghênh quan chức hai bên bắt đầu triển khai cơ chế Đối thoại Nông nghiệp định kỳ.
  7. Chúng tôi khẳng định lại cam kết tăng cường hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng thông qua việc phản đối tất cả các hình thức bảo hộ và ủng hộ thúc đẩy tự do hoá thương mại trên toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, tự do, rộng mở, minh bạch và bao trùm, bao gồm cả việc cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới(WTO). Về vấn đề này, chúng tôi một lần nữa nhấn mạnh cam kết triển khai đầy đủ và hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP) mang tính hiện đại, toàn diện, tiêu chuẩn cao và cùng có lợi trong năm 2020, và nâng cấp Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA). Việt Namkhẳng định ủng hộ mạnh mẽNew Zealand đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Năm APEC 2021.
  8. Chúng tôi hoan nghênh các tác động tích cực của việc New Zealand duy trì triển khai các dự án hỗ trợ phát triển chính thức song phương và khu vực, đặc biệt là trong các lĩnh vực New Zealand có lợi thế và Việt Nam ưu tiên như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, biến đổi khí hậu và tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, quản lý bền vững tài nguyên nước, nông nghiệp và quản lý rủi ro thiên tai.
  9. Chúng tôi nhấn mạnh giao lưu nhân dân, đặc biệt là hợp tác giáo dục và đào tạo, là nội hàm quan trọng của quan hệ Đối tác Chiến lược và tin tưởng rằng, khi người dân có thể đi lại an toàn trở lại, các mối liên kết này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh thông qua việc tăng số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam học tập tại New Zealand, các chương trình liên kết giữa các trường đại học hai nước, hợp tác dạy nghề, trao học bổng cho thanh niên và các quan chức Việt Nam học tập tại New Zealand, trao học bổng cho thanh niên New Zealand du học hoặc thực tập tại Việt Nam, và trao đổi sinh viên, giáo viên.
  10. Chúng tôi khẳng định lại cam kết thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực quốc phòng, coi đây là một ưu tiên của quan hệ Đối tác Chiến lược, thông qua trao đổi đoàn quốc phòng cấp cao, thăm cảng, tham vấn chính sách, đối thoại chiến lược, huấn luyện và đào tạo, các hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc, trao đổi thông tin tình báo, hợp tác an ninh hàng hải và tăng cường phối hợp tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng. Trên cơ sở thoả thuận năm 2019 giữa Bộ Công an Việt Nam và Cơ quan Cảnh sát New Zealand, chúng tôi nhất trí tổ chức cơ chế họp thường niên giữa lãnh đạo hai cơ quan và nghiên cứu khả năng mở rộng phạm vi, hình thức hợp tác để tạo khuôn khổ cho việc phối hợp phòng chống tội phạm, góp phần tăng cường an ninh khu vực và bảo đảm cuộc sống tốt đẹp của người dân. Những nỗ lực chung này sẽ giúp bảo đảm cho xã hội ở mỗi nước được an toàn hơn.
  11. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao đổi thông tin và tăng cường hợp tác trong các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế như đại dịch, biến đổi khí hậu, chính phủ điện tử, nhân quyền, khoa học và công nghệ, phòng chống khủng bố và bạo lực cực đoan. Trên tinh thần đó, chúng tôi hoan nghênh việc bắt đầu triển khai cơ chế Đối thoại Biển định kỳ giữa quan chức hai nước.
  12. Khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược mới được xây dựng trên cơ sở cam kết chung đối với luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương, hội nhập kinh tế khu vực, và nhận thức chung về lợi ích chiến lược song trùng giữa hai nước. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và khu vực, ở cả kênh chính phủ và kênh quốc hội. Chúng tôi khẳng định lại cam kết đối với vaitrò trung tâm của ASEAN cũng nhưvai tròcủa ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình mang tính mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ, được xây dựng dựa trên nền tảng các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, và bảo vệ chủ quyền và lợi ích của tất cả các quốc gia bất kể quy mô lớn nhỏ. New Zealand một lần nữa nhấn mạnh ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam đảm nhiệmvai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Chúng tôi hoan nghênh việc tiếp tục tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN - New Zealand và cùng vui mừng kỷ niệm 45 năm thiết lập khuôn khổ Đối tác Đối thoại và 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược trong năm 2020. Nhận thức rằng sự phồn vinh và phát triển bền vững của tiểu vùng sông Mekong có vai trò thiết yếu giúp hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN, New Zealand cam kết tăng cường hợp tác với các nước tiểu vùng sông Mekong trong các lĩnh vực như quản lý thiên tai, an ninh nguồn nước - lương thực - năng lượng, nông nghiệp thông minh, y tế công cộng và phát triển nguồn nhân lực.
  13. Chúng tôi khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Chúng tôi tiếp tục quan ngại về các diễn biến ở Biển Đông, trong đó có các hành vi cản trở hoạt động trên biển, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế, tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của các cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS và kêu gọi các bên tôn trọng phán quyết của các cơ chế này. Chúng tôi khẳng định lại tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, và không làm tổn hại đến lợi ích của các bên thứ ba hoặc quyền lợi của các quốc gia theo luật quốc tế. Chúng tôi nhấn mạnh UNCLOS là khuôn khổ pháp lý vững chắc điều chỉnh tất cả hoạt động ở các vùng biển và đại dương.
  14. Chúng tôi hoan nghênh việc ký kết các thoả thuận hợp tác dưới đây giữa hai Chính phủ, thể hiện lợi ích chung đa dạng giữa hai nước, sự năng động của quan hệ song phương cũng như quyết tâm chung nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác cả trong hiện tại và tương lai.

-      Thoả thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Các ngành cơ bản New Zealand về tạo thuận lợi thông quan sản phẩm nông lâm nghiệp và thuỷ sản thông qua việc sử dụng chứng nhận điện tử;

-      Kế hoạch hợp tác chiến lược về giáo dục giai đoạn 2020-2023 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cơ quan Giáo dục New Zealand;

-      Biên bản ghi nhớ về hợp tác tài chính giữa Bộ Tài chính nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Ngân khố New Zealand;

-      Thoả thuận giữa Cục Dạy nghề và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cơ quan hợp tác liên Chính phủ New Zealand về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng./.