1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bình Định:

"Đói nước" giữa nắng hạn, hàng ngàn hộ dân điêu đứng

(Dân trí) - Đã 5 năm qua, kể từ khi công trình nước sạch ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) bị hư hỏng, hơn 1.000 hộ dân xã này phải sống trong cảnh “khát” nước sạch nghiêm trọng. Đang mùa nắng hạn, đời sống của người dân càng trở nên khó khăn hơn.

Chắt chiu từng giọt nước

Cuối năm 2009, công trình nước sạch xã Nhơn Hải với tổng vốn đầu tư trên 2,5 tỷ đồng bị hư hỏng, người dân luôn sống trong cảnh chực chờ, "đói nước".

Các giếng trong xã trơ đáy, người dân phải chắt từng giọt nước về dùng
Các giếng trong xã trơ đáy, người dân phải chắt từng giọt nước về dùng

Giữa cái nắng oi bức ngày đầu hè, chúng tôi bắt gặp người dân thôn Hải Bắc, Hải Đông chực chờ bên các giếng khơi ở thôn Hải Nam để chờ chực vét từng giọt nước quý hiếm về sinh hoạt. Khuôn mặt nhễ nhãi mồ hôi, ông Đoàn Văn Cho (ở thôn Hải Đông), cho biết: “Năm nay nắng hạn nên các giếng đều khô cạn, mạch nước ít nên phải chờ chực từ sáng sớm mới xách được 2 can 20 lít để dùng. Khổ lắm, nhà tui nhiều khi bỏ cả công việc để chắt từng gàu nước về dùng. Không đi xách nước thì lấy gì mà uống. Cả xã đổ dồn về một cái giếng này để xách nước, riết bây giờ giếng đã cạn tới đáy…”

Còn Chị Trần Thị Loan, có nhà ở sát giếng, kể: “Nhà tui ở cạnh giếng nên nhường cho bà con ở thôn Hải Bắc, Hải Đông tới lấy trước. Đến khi mình ra lấy nước thì giếng không còn giọt nước nào. Hầu như lúc nào cũng có người tới xách nước cả ngày lẫn đêm, nhất là tầm 11 giờ đêm cho tới rạng sáng. Nhưng có người tới cũng không còn nước đành xách can không quay về để chờ quay lại sau”.

Nửa đêm chực chờ để lấy nước
Nửa đêm chực chờ để lấy nước

Thiếu nước, việc sinh hoạt, đời sống của người dân trong xã găp nhiều khó khăn. Trong đó, thôn Hải Đông, Hải Nam có giếng khoan còn có nước tắm giặt, rửa chén bát, tưới cây… Nghiêm trọng nhất là người dân thôn Hải Bắc vì tất cả các giếng khoan, giếng khơi trong thôn đã bị nhiễm mặn, nhiễm bẩn và không có nước vì nắng hạn. Không có nước sinh hoạt, có nhà tới lúc tắm, giặt thì phải lấy xe chạy đến nhà người quen ở thôn Hải Đông, Hải Nam để tắm, giặt nhờ. Nước ăn uống phải đi mua nước tinh khiết với giá 12.000 – 15.000 đồng/bình để uống. Tiết kiệm lắm mỗi tháng một hộ gia đình cũng phải mất 10 – 12 bình, tốn từ 120 – 150 ngàn đồng/hộ.  Vì vậy, việc tiết kiệm nước “tối đa” là phương châm sống của mỗi gia đình trong thôn Hải Bắc.

Bà Trần Thị Gái ở thôn Hải Bắc bức xúc, nói: “Trong gia đình có nghèo có khổ thì đi làm kiếm sống, chứ thiếu nước sao chịu được. Đi làm về mỏi mệt mà không có nước tắm, giặt, sinh hoạt lại phải xách can xuống các thôn khác, đi rất xa để gánh nước về dùng. Vất vả đủ điều. Chúng tôi mong sớm có nước sạch về dùng”.

Dân dài cổ chờ nước sạch

Toàn xã với 1391 hộ dân, hơn 6.000 nhân khẩu nhưng chỉ có 5 chiếc giếng khơi nhưng trơ đáy không có nước cho người dân sinh hoạt khiến đời sống người dân bao năm qua bị đảo lộn.

Trong 2 năm 2012 – 2013, để “giải cơn khát” cho Nhơn Hải, UBND TP Quy Nhơn đã đầu tư xây dựng 6 bồn nước tại 3 thôn, giao cho một đơn vị của thành phố vận chuyển nước từ xã Nhơn Hội về đổ vào bồn bán cho dân với giá 250 đồng/can 20 lít. Vệc đó đã giúp hạn chế phần nào bức xúc về nước sinh hoạt của người dân trong mùa nắng nóng. Tuy vậy, đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế, vì những hộ ở xa bồn nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Mới đầu mùa hè này, người dân Nhơn Hải lại “khát nước sạch” vì nắng hạn kéo dài.

Nhà máy nước được xây dựng mới, khang trang nhưng “vẫn nằm im đóng cửa”

Nhà máy nước được xây dựng mới, khang trang nhưng “vẫn nằm im đóng cửa”

Hiện nay, để giải quyết nguồn nước sinh hoạt cho người dân địa phương, Hệ thống cấp nước sạch xã Nhơn Hải có công suất 1.200m3/ngày, lấy nguồn từ trạm bơm tăng áp Nhơn Hội có công suất 12.000 m3/ngày thông qua tuyến ống dẫn nước đến trạm bơm tăng áp Nhơn Hải với tổng chiều dài 4,2 km. Công trình do UBND TP Quy Nhơn làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần Xây dựng cấp thoát nước số 12 thực hiện.

Mục tiêu của dự án là đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho 6.285 người dân xã Nhơn Hải với lưu lượng thiết kế 80 lít/người/ngày, được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt, công trình này đã được triển khai thi công xây dựng với các hạng mục như đường ống dẫn nước về xã Nhơn Hải, nhà máy nước, trạm trung chuyển, đường ống nước nhánh rẽ dẫn xuống làng…tổng vốn đầu tư trên 15 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn Trung ương hỗ trợ 60%, kinh phí từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và nguồn vốn của tỉnh; vốn đối ứng của UBND TP Quy Nhơn 40%.

Theo kế hoạch, dự án khởi công từ tháng 8/2012 và sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng sau 9 tháng thi công. Tuy nhiên, cho đến nay sau khi thi công các hạng mục, công trình nước sạch vẫn “đóng của nằm im” và người dân xã Nhơn Hải vẫn “chực chờ” trong cơn khát nước sạch.

Ông Phan Văn Hiếu - trưởng thôn Hải Bắc, cho biết: “Toàn thôn Hải Bắc có 210 hộ dân với 837 nhân khẩu rất bức xúc về nước sinh hoạt, vì tất cả các giếng khơi, giếng khoan trên địa bàn thôn hoàn toàn bị nhiễm mặn, khô cạn. Bà con nhân dân rất khó khăn vì không có nước sinh hoạt. Người dân trong thôn rất thiết tha đề nghị các ngành, các cấp quan tâm sớm cho dân có nước sạch để dùng.”

Nhiều người phải xách can không chở về
Nhiều người phải xách can không chở về

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết: “Nhiều năm sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn, nhiễm bẩn, sức khỏe của nhân dân ít nhiều bị ảnh hưởng, số người bị các chứng bệnh liên quan đến việc sử dụng nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh luôn ở mức cao. Đời sống, sản xuất của người dân gặp không ít khó khăn do thiếu nước sinh hoạt. Trước tình hình nắng hạn kéo dài, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, chính quyền địa phương cũng đã báo cáo lên cấp trên để có hướng giải quyết nước sạch sinh hoạt cho người dân trong xã. Chính quyền cũng như người dân trong xã rất mong muốn công trình nước sạch đưa vào sử dụng để giải quyết nhu cầu về nước sạch sinh hoạt hằng ngày để đời sống của người dân được ổn định trong thời gian tới…”

Đoan Ngọc – Doãn Công