1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An

Đòi nợ bảo hiểm - "cuộc chiến" dai dẳng

(Dân trí) - Công ty không có tiền trả. Thi hành án dân sự thừa nhận “bó tay”. Hàng tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm vẫn tiếp tục “treo” không biết đến bao giờ mới được giải quyết. Trong khi đó, hàng nghìn người lao động đang sống dở, chết dở vì quyền lợi bị xâm phạm.

Hàng chục tỷ đồng tiền nợ BHXH

Theo số liệu của BHXH tỉnh Nghệ An tính đến tháng 7/2014, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có tới 486 đơn vị, doanh nghiệp đang nợ tiền BHXH từ 3 đến 50 tháng với số tiền lên tới hơn 106 tỷ 564 triệu đồng. Trong đó, một số doanh nghiệp, đơn vị có số tiền nợ lớn như: Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 24 (thuộc Tổng công ty Cơ điện Xây dựng CTCP, Bộ NN&PTNT) nợ BHXH của người lao động 45 tháng với số tiền trên 9,7 tỷ đồng; Tổng công ty xây lắp dầu khí Nghệ An nợ BHXH với số tiền trên 6,5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần VT - CN tàu thủy VINASHIN nợ BHXH 49 tháng với số tiền trên 6,2 tỷ đồng…

Công ty CP Xây dựng cầu đường Nghệ An - một trong những doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền lớn.

Công ty CP Xây dựng cầu đường Nghệ An - một trong những doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền lớn.


Tiếp đến phải kể tới Công ty CP Xi măng Dầu khí nợ hơn 4,9 tỷ đồng; Công ty CP Xi măng VicemHoàng Mai nợ gần 3 tỷ đồng; Công ty CP Xây dựng cầu đường Nghệ An nơn 3,4 tỷ đồng; Công ty công trình giao thông Miền Trung nợ 55 tháng với 2,1 tỷ đồng;...

Nợ nhiều, nợ dài, nợ dai khiến quyền lợi của hàng nghìn người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Rất nhiều lao động đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng do đơn vị còn nợ BHXH nên không thể chốt sổ BH để hưởng các chế độ hưu trí. Các quyền lợi khác của người lao động như ốm đau, thai sản, chuyển công tác... cũng không được thực hiện do chủ sử dụng lao động đang nợ BHXH.

Không được hưởng quyền lợi, người lao động đành phải đến các cơ quan chức năng kêu cứu, yêu cầu can thiệp. Hàng trăm cuộc họp, cuộc gặp gỡ giữa các cơ quan chức năng với đơn vị sử dụng lao động đã diễn ra nhằm tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người lao động thế nhưng đều không đi đến kết quả như mong đợi.

Công ty CP Xây dựng cầu đường Nghệ An - một trong những doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền lớn.

128 người lao dộng của Công ty CP Xây dựng cầu đường Nghệ An đang bị ảnh hường về quyền lợi nghiêm trọng do công ty còn nợ bảo hiểm.

Doanh nghiệp vẫn chây ỳ không đóng nộp bảo hiểm cho người lao động dù đã bị xử phạt hành chính. Trước tình thế đó, BHXH Nghệ An đã phải khởi kiện các đơn vị nợ đọng bảo hiểm ra tòa án. Tòa tuyên án thắng kiện, yêu cầu các công ty này phải đóng BHXH cho người lao động. “Sau khi bản án có hiệu lực, chúng tôi đã chuyển đơn yêu cầu thi hành án sang Chi cục Thi hành án dân sự Tp Vinh. Thế nhưng các đơn vị, doanh nghiệp vẫn cố tình chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm khiến việc thu hồi nợ không thể thực hiện được. Đến thì họ trốn tránh không chịu gặp hoặc tìm đủ mọi cách chống chế để không phải làm việc với cán bộ bảo hiểm cũng như chấp hành viên thi hành án”, ông Ngô Ngọc Thanh - Trưởng phòng Thu, Bảo hiểm xã hội Nghệ An lắc đầu ngao ngán.

Thi hành án “bó tay”!

Sau khi bản án có hiệu lực, theo quy định, các đơn vị, doanh nghiệp bị khởi kiện phải thi hành án. Thế nhưng, trên thực tế, án đã tuyên, quyết định có hiệu lực nhưng vẫn không thể thi hành được.

Ông Nguyễn Văn Bưởi, cán bộ Chi cục thi hành án dân sự Thành phố Vinh, cho biết: “Không có gì khổ bằng đi thu tiền nợ bảo hiểm của các đơn vị, doanh nghiệp. Doanh nghiệp nại đủ lí do để “khất” như làm ăn thua lỗ, vấn đề do người tiền nhiệm để lại, suy thoái kinh tế...”.

Công ty CP Xây dựng cầu đường Nghệ An - một trong những doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền lớn.

Hàng trăm công nhân của Công ty CP Xi măng dầu khí cũng khốn khổ vì bị nợ BHXH. Theo thống kê của BHXH Nghệ An tính đến tháng 7/2014, công ty này đang nợ hơn 4,9 tỷ đồng tiền bảo hiểm (Ảnh N.A).

Ông Bưởi được giao trách nhiệm thu hồi số tiền nợ bảo hiểm của Công ty CP nạo vét và xây dựng đường biển 2 theo bản án đã có hiệu lực. Số tiền đơn vị này nợ BHXH lên tới 3,4 tỷ đồng. Thế nhưng phải mất 3 năm với vô số lần đi lại, mới đây, Công ty CP nạo vét và xây dựng đường biển 2 mới thực thi trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, không phải chấp hành viên nào cũng may mắn khi đơn vị mình phụ trách chịu thi hành án, dù có khi họ phải mất đến 3-4 năm trời đi mòn cả giày!

Trước tình trạng nợ BHXH, BHYT và BHTN tại các đơn vị sử dụng lao động đang trở nên phổ biến và ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, ngày 4/9/2014, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 6420/UBND-TM về việc tăng cường công tác chỉ đạo, thu hồi nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh. Tại Công văn này, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các chủ doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động và 11 cơ quan, ban ngành có liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp để chấm dứt tình trạng nợ BHXH kéo dài, ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đặng Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự TP. Vinh, Nghệ An thừa nhận đây là một cuộc chiến dai dẳng. Hiệu quả thi hành án loại án này rất thấp, thậm chí nhiều trường hợp đơn vị thi hành án phải bất lực, “bó tay” và phải trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho phía BHXH tỉnh Nghệ An.

“Các doanh nghiệp rơi vào tình trạng nợ BHXH với số tiền lớn và kéo dài hầu hết đều lâm vào cảnh đặc biệt khó khăn, không chỉ là các doanh nghiệp tư nhân mà kể cả các doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Khi cơ quan thi hành án đến phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp để thực hiện bản án, xác minh số dư tài khoản đều không có số dư. Đất đai thì doanh nghiệp đi thuê, máy móc, thiết bị tài sản thì đã cầm cố cho ngân hàng để lấy vốn hoạt động nên không thể kê biên tài sản để xử lý được.

Công ty CP Xây dựng cầu đường Nghệ An - một trong những doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền lớn.
Công ty CP nạo vét và xây dựng đường biển 2 đã hoàn thành số tiền nợ BH 3,4 tỷ đồng theo quyết định của tòa án sau 3 năm bản án có hiệu lực.

Hơn nữa, doanh nghiệp đang trong cơn “giãy chết”, nếu làm mạnh tay, doanh nghiệp “chết hẳn” thì nợ chắc chắn sẽ không đòi được. Các doanh nghiệp khi đi vào hoạt động đều đăng ký tại Sở Kế hoạch – Đầu tư. Thế nhưng khi phá sản hoặc giải thể lại không đến cơ quan chức năng làm thủ tục để giải quyết các vấn đề liên quan nên dẫu có án cũng không thể thi hành được. Và người chịu thiệt thòi vẫn là người lao động”, ông Hải cho biết.

“Đây thực sự là một cuộc chiến dai dẳng, dài hơn và thiệt thòi nhất vẫn là người lao động. Chúng tôi cũng chịu không ít áp lực từ việc thu hồi nợ BHXH để đảm bảo quyền lợi cho người lao động nhưng hiện tại hầu hết các biện pháp đều không phát huy được hiệu quả. Cần thiết phải sửa luật BHXH, tăng chế tài xử phạt đối với các đơn vị, doanh nghiệp cố tình chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm của mình. Giao chức năng chuyên ngành cho cơ quan bảo hiểm để chủ động kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với các đơn vị nợ BH. Bên cạnh đó, cần thiết phải bổ sung vào Bộ luật hình sự tội danh trốn đóng, chiếm dụng tiền của người lao động”, ông Ngô Ngọc Thanh kiến nghị.

Hoàng Lam