1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Đổi mới công nghệ theo tốc độ “rùa”

(Dân trí) - Thực trạng tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp rất chậm khiến không ít Đại biểu Quốc hội tỏ ý lo lắng trong buổi thảo luận Luật Chuyển giao công nghệ. Tỷ lệ sử dụng công nghệ cao ở Việt Nam chỉ là… 2% đã nói lên tốc độ “rùa” của các doanh nghiệp hiện nay.

Tỷ lệ sử dụng công nghệ cao chỉ là… 2%

 

Mặc dù còn có ý kiến khác nhau về hoạt động của Quỹ “Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia”, nhưng theo Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc tăng cường tiềm lực công nghệ, năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ là hết sức cần thiết.

 

Tuy nhiên, để thực hiện các cam kết quốc tế, Nhà nước sẽ không tiếp tục trợ giúp tài chính trực tiếp cho các doanh nghiệp. Vì vậy, việc thành lập Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia để hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ cũng như hỗ trợ các hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, chuyển giao công nghệ tiên tiến ở vùng nông thôn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn là hết sức cần thiết. Đây cũng là hình mẫu đã được thực hiện thành công ở nhiều nước đang phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc...

 

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Nhà nước không thể tiếp tục thực hiện hỗ trợ tiếp trực tiếp cho doanh nghiệp và cho cả nông dân. Việc thành lập quỹ riêng để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nông dân là rất cần thiết và không trái với quy tắc WTO.

 

Đại biểu Hoàng đưa ra quan điểm về quá trình chuyển giao công nghệ hiện nay. Theo đó, cần khắc phục những hiện tượng mà hiện ta đang vướng phải, tức là các doanh nghiệp thực hiện chuyển giao công nghệ một cách tùy tiện, tự phát, không phải chủ động theo kế hoạch.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hồng (Thừa Thiên - Huế) lo lắng về tốc độ đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp rất chậm, ít ngành, ít lĩnh vực sử dụng công nghệ tiên tiến. So sánh với một số nước như Thái Lan sử dụng công nghệ cao 30%, Malayxia 51%, Singapore 73%, còn Việt Nam tỷ lệ sử dụng công nghệ cao chỉ là… 2%.

 

Đề nghị không cho phép xây nhà ngoài bãi sông

 

Cũng trong ngày hôm qua (25/10), vấn đề “sống chung” với sạt lở của hàng chục ngàn người dân đã được các đại biểu đặt lên bàn Quốc hội khi thảo luận xung quanh dự thảo Luật đê điều.

 

ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cung cấp thông tin cho thấy, hiện có hàng chục ngàn hộ dân đang nằm trong vùng ảnh hưởng của sông nước. Khi mùa mưa bão về, người dân sống nỗi lo sợ và dù họ muốn “sống chung với lũ” cũng khó vì không có điều kiện để xây nhà kiên cố.

 

Ông Cuông nêu vấn đề cần có các biện pháp đảm bảo cuộc sống ổn định cho đồng bào vùng phân lũ. “Qui định nơi ở mới phải bằng hoặc tốt nơi ở cũ, nhưng trên thực tế chúng ta chưa đạt được điều đó. Đừng nghĩ rằng từ nhà gỗ chuyển sang nhà bêtông, từ đường đất sang đường nhựa, từ chưa có điện đến có điện là cuộc sống tốt hơn”, theo đại biểu Cuông, cần phải ổn định cuộc sống của người dân bằng việc cung cấp nước sạch, đất đai canh tác và tạo công ăn việc làm ổn định…

 

Vấn đề có nên cho phép xây dựng ngoài bãi sông hay không cũng được nhiều ý kiến đề cập. Đại biểu Nguyễn Văn Hợp (Thanh Hoá) đề nghị không cho phép xây nhà ngoài bãi sông vì theo ông, điều kiện thủy văn của khu đất ven sông không ổn định, mặc khác, ý thức giữ gìn môi trường chưa cao nên rất dễ gây ô nhiễm cho những dòng sông. Ông Hợp nhận định, nếu cho phép xây nhà ngoài bãi sông sẽ rất khó kiểm soát.

 

Đức Hòa