1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đôi mắt buồn của người chiến sĩ năm xưa…

(Dân trí) - Rít mạnh điếu thuốc, đôi mắt sâu hun hút như đang nhìn về cõi xa xăm mơ hồ nào đó, gương mặt khắc khổ lo âu… có lẽ, ông đang lo cho cuộc sống cái gia đình có đến 2 người khuyết tật và một bà lão này.

Người chiến sĩ kiên cường năm xưa

Nói đôi mắt ông Lê Thanh Cần “sâu hun hút” không phải là lời ví von văn vẻ, mà nó sâu thật theo cả nghĩa đen. Bởi đôi mắt ấy, ông đã để lại chiến trường trong hai trận chiến khốc liệt. 

Trận Mậu Thân 1968, cả tiểu đoàn của ông đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, không một ai sống sót trừ ông; chỉ tiếc là ông để lại trận chiến ấy con mắt trái và mang theo bên sườn 6 viên đạn, trong đó có 2 viên không lấy ra được, cùng một cánh tay gãy.

Trận mùa hè đỏ lửa năm 1972, lúc ấy ông đã được điều về làm Xã đội trưởng xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, tỉnh Gia Định - đất thép thành đồng của miền Đông Nam Bộ. Ông để lại trận chiến ấy con mắt còn lại và cánh tay còn lại cũng gãy nốt.

Sau khi bình phục, ông nhận giữ kho quân nhu đến ngày giải phóng. Năm 1976, ông được Quân khu 7 cho xuất ngũ, về quê hương (xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TPHCM) làm nông dân.

Sinh năm 1942, gia nhập lực lượng chủ lực quân khu năm 1964, đến khi xuất ngũ, ông đã có 12 năm cống hiến, để lại 2 con mắt, gãy 2 cánh tay, mang 2 viên đạn nằm sâu trong xương sườn về quê. Có thể nói, ông không phải hổ thẹn khi tự nhận là một người chiến sĩ kiên cường.

Và ông lão “vô tích sự” hôm nay

Hai cánh tay gãy tuy vẫn còn dính trên vai ông, nhưng di chứng khiến chúng không thể làm việc nặng.

Thời gian đầu giải phóng, kinh tế gia đình rất khó khăn, dù mắt mù nhưng ông vẫn cố gắng khắc phục và tập luyện để làm việc không khác người bình thường. Nhưng cũng chính vì cố sức, hai viên đạn trong xương sườn ông đi sâu vào phổi. Đến khi ông ngã bệnh, ho ra máu đi khám mới biết.

Ấy vậy, ông vẫn giữ nét lạc quan tếu của lính: “Bác sĩ bảo không sao, cứ về nhà sinh sống bình thường, khi nào ho ra máu lại thì mua quan tài để sẵn là vừa. Chứ còn mổ lấy đạn ra thì 5 ăn 5 thua, chi bằng về nhà sống cho khỏe”. Và bác sĩ khuyến cáo: không được nâng vật nặng hơn 3kg, ông thành người tàn phế thật sự!

Nghĩ về nỗi bất lực của mình, ông chép miệng than: “Ngày xưa hai tay vác hai súng, đánh khắp cả miền Đông, qua Miên, qua Lào. Nay mỗi ngày chỉ biết nấu hai ấm nước pha trà, lấy cỏ cho bò ăn, chăm con. Vậy là hết! Vô tích sự thật rồi”.

Rồi ông đùa: “Ngày xưa khi tao đi lên cứ, bả (bà Võ Thị Em, sinh năm 1945, vợ ông) còn viết thư tình cảm, làm khăn tay tặng tao, thêu nào là “Anh ra đi giữ lấy huân chương/Còn em ở lại hậu phương đợi chờ”. Vậy mà sáng nay lại chửi là tao ham đánh nhau làm chi bây giờ khổ. Mày thấy có lạ không?”.

Chống chân lên thành giường nghĩ ngợi, bà lão chống chế: “Tại hồi đó tôi nói vậy để động viên ông thôi. Ai dè…”.  

Đôi mắt buồn của người chiến sĩ năm xưa… - 1

Bà Võ Thị Em vẫn còn bực mình vì chuyện giấy tờ nhận lương hưu trí của ông.

Cùng một nỗi lo đeo đẳng

Thực ra, bà Em hết sức ủng hộ chồng chiến đấu, bà đã chờ đợi ông suốt 12 năm ròng, chăm sóc ông thêm 32 năm nay mà không một tiếng than vãn. Bà lão bực mình cũng có cái lý do của nó.

Trước hôm chúng tôi đến thăm ông, ông bà dắt díu nhau lên Sài Gòn (cách người già gọi vùng trung tâm TPHCM) làm thủ tục cho ông nhận tiền hưu trí. Giấy tờ đủ cả, giấy xuất ngũ có cả chữ ký của lãnh đạo Quân khu 7, nhưng họ lại đòi thêm giấy nhập ngũ mới làm hồ sơ cho ông.

Chỉ vào mấy tấm huân huy chương Chiến sĩ giải phóng, Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất nhì ba đủ cả, cấp từ năm 1976 đến nay mà ông trân trọng treo ngay phòng khách, ông bực mình: “Ngày trước đi lính có ai đòi giấy tờ, bằng cấp gì đâu. Vào xong là xách súng đi, có làm thủ tục nhập ngũ, nhập quân gì đâu mà giấy với tờ. Nay hòa bình lại đòi giấy nhập ngũ”. Tức nhưng mà lo!

Ông lo cũng phải. Bởi ông cũng cảm thấy mình đang già yếu đi, những vết thương thời trai trẻ ngày càng hành hạ ông dữ dội. Và ông đang muốn kiếm một khoản tiền để dành khi ông mất. Không phải để ông làm đám, mà để lo cho người vợ già và đứa còn tật nguyền còn sống của ông.

Vợ ông sinh 6 người con thì chết hết 4, chỉ sống sót được hai đứa; trong đó anh lớn Lê Văn Lợi (sinh năm 1977) thì bị bại não, chân tay teo tóp lại chỉ có da bọc xương, nằm liệt một chỗ, không nói năng gì được. Chỉ còn con út Lê Thanh Hải (sinh năm 1980) là lành lặn, đã có gia đình riêng, cũng rất nghèo khó.

 

Đôi mắt buồn của người chiến sĩ năm xưa… - 2

Anh Lê Văn Lợi, đứa con tật nguyền do di chứng chất độc da cam của ông Cần.

Hiện gia đình ông sống dựa vào trợ cấp thương binh và tiền phụ cấp cho người chăm sóc thương binh (là vợ ông) được hơn 1 triệu, cộng với 200 ngàn tiền trợ cấp người khuyết tật khó khăn là con ông. Lao động chính trong nhà là vợ ông cũng đã 63 tuổi, bà chỉ biết chăm sóc 2 sào ruộng mỗi năm kiếm chừng 1 tấn thóc để cả nhà ăn. Năm nay lại bị bệnh vàng lùn tấn công, chỉ thu được 300kg, không đủ ăn nửa năm.

Ông lo khi mình mất đi, vợ già và đứa con tật nguyền chỉ biết trông vào 200 ngàn tiền trợ cấp người khuyết tật hàng tháng và 2 sào ruộng thì sống làm sao?

Vì lẽ đó, khi trò truyện với chúng tôi, ông thường rít điếu thuốc thật mạnh, đôi mắt sâu hun hút như đang nhìn về cõi xa xăm mơ hồ, gương mặt khắc khổ như đang lo âu điều gì đó…

Mọi sự giúp đỡ gia đình ông Lê Thanh Cần, bà Võ Thị Em và anh Lê Văn Lợi xin gửi về: 

 

1. Ông Lê Thanh Cần, ấp Ba Sa, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Hoặc liên hệ Hội Chữ thập đỏ huyện Củ Chi, TPHCM để được hướng dẫn đến trực tiếp nhà ông.

 

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học và Dân trí - Báo điện tử Dân trí (Hà Nội)

 

Nhà 48, khu số 2 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội

Tel: 04.7366.491/ Fax: 04.7366.490 

Email: quynhanai@dantri.com.vn

 

* Tài khoản VNĐ:

 

Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí

 

Số TK: 10 201 0000 220 639

 

Tại: Chi nhánh Ngân hàng Công thương Hoàn Kiếm Hà Nội

 

* Tài khoản USD:

 

Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí

 

Số TK : 10 202 0000 004346

 

Switch Code : ICBVVNVX106 639

 

Tại : Sở Giao dịch I – Ngân hàng Công thương Việt Nam

 

3. Văn phòng đại diện phía Nam của báo:

 

Lầu 1 - số 24 Trương Quốc Dung, P.8, Q.Phú Nhuận, TPHCM

Tel: 08.844.5263 - 08.294.3896

Bài và ảnh: Tùng Nguyên