1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đội Liên lạc Nguyễn Ngọc Nại với cuộc rút lui thần kỳ của Trung đoàn Thủ đô

(Dân trí) - Ngày hôm nay cách đây tròn 70 năm, ngày 19/2/1947 (tức ngày 29/1 năm Đinh Hợi) là ngày hy sinh của 8 đội viên Đội Liên lạc Hồng Hà (còn gọi là Đội Liên lạc Nguyễn Ngọc Nại) trong đó có Đội trưởng Nguyễn Ngọc Nại và cũng là ngày mà 27 người dân làng Tứ Tổng (nay là phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội) bị tàn sát.

Từ đó, dân làng Tứ Tổng lấy ngày này là ngày “giỗ trận” chung cho những người đã bị giết hôm ấy. Và ngày này là ngày giỗ Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Ngọc Nại cùng 7 đồng đội của anh.

Đội Liên lạc Nguyễn Ngọc Nại với cuộc rút lui thần kỳ của Trung đoàn Thủ đô - 1

Sau 60 ngày đêm Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, hoàn thành nhiệm vụ kìm chân và tiêu hao lực lượng của thực dân Pháp đồng thời bảo vệ 38 nghìn người dân Liên khu I (thuộc 36 phố phường Hà Nội cũ) tản cư an toàn, được lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đêm 17/2/1947, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đã vượt qua vòng vây dày đặc của quân địch, vượt sông Hồng rút quân an toàn lên chiến khu. Một cuộc rút lui thần kỳ mà lịch sử mãi mãi ghi nhận.

Cuộc rút lui đã được tổ chức chặt chẽ, chu đáo và đã thành công.

Nhằm che mắt địch, ngày 16/2/1947, Ban chỉ huy Liên khu I thỏa thuận với lãnh sự Trung Hoa đồng ý cung cấp lương thực và tổ chức cho Hoa Kiều ở Liên khu I tản cư ra ngoài vào ngày 17 hoặc 18/2. Và, theo đề nghị của lãnh sự quán Trung Quốc, ta và Pháp đồng ý tạm ngừng bắn một ngày (18/2/1947) để Hoa kiều phố Hàng Buồm đi tản cư công khai ra khỏi Hà Nội. Vậy là thời cơ để tiến hành cuộc rút lui đã tới.

Để đánh lạc hướng chú ý của thực dân Pháp, ta mở cuộc tấn công mạnh vào Ô Cầu Dền, Ô Cầu Giấy, Ô Chợ Dừa, tung nhiều phân đội vào nội thành tập kích. Ban chỉ huy mặt trận quyết định ngay trong đêm 17/2, phải đưa quân vượt sông Hồng.

Chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ, từ khi có lệnh của cấp trên, Ban Chỉ huy Trung đội tự vệ xã Tứ Liên đã huy động được 44 thuyền gỗ để làm nhiệm vụ đặc biệt.

Nguy hiểm nhất là việc qua gầm cầu Long Biên bởi khu vực đó, địch kiểm soát rất gắt gao. Hai bên đầu cầu đều có xe bọc thép, xe tăng địch… xếp hàng trên thành cầu chĩa súng xuống dưới, đèn pha quét liên tục.

Bắt đầu từ 17h ngày 17/2/1947, Đội liên lạc Hồng Hà của Nguyễn Ngọc Nại đã dẫn đường cho Trung đoàn Thủ đô gồm 1.200 người chia thành từng đơn vị nhỏ lặng lẽ đi từ đình Phất Lộc ra Cột đồng hồ qua gầm cầu Long Biên rồi men chân đê lên Tứ Tổng sang sông con, giấu quân ở chùa Tàm Xá và trong rừng dâu.

Trong sương mù dày đặc, những chiếc thuyền tam bản và thuyền gỗ lớn của dân Tàm Xá, Tứ Tổng, Tam Lạc đã vượt sông Hồng sang bến Dâu thuộc Xuân Canh (Đông Anh). Đó chính là con đường mà Đội liên lạc Hồng Hà đã tìm ra trong quá trình liên lạc, tiếp tế cho Trung đoàn Thủ đô gần 1 tháng qua. Đến 8h ngày 18/2, toàn Trung đoàn đã vượt sông xong.

Sáng 18/2/1947, Hoa kiều phố Hàng Buồm mới phát hiện trạm quân y của ta đã rút hết. Họ không tản cư nữa mà chọn giải pháp ở lại cho an toàn. Quân Pháp không thấy Hoa kiều tản cư, mới biết quân ta đã rút, vội truy kích, nhưng đã muộn.

Đến trưa ngày 18/2, Trung đoàn trưởng Hoàng Siêu Hải giao thêm nhiệm vụ cho đội liên lạc Hồng Hà chuẩn bị đưa Trung đoàn qua sông sang vùng tự do Phúc Yên ngay trong ngày. Nhận lệnh, Đội liên lạc lại khiêng thuyền ngược bãi giữa lên Tàm Xá để sẩm tối tổ chức cho Trung đoàn vượt sông, đồng thời huy động thêm được hai chiếc thuyền to, chở được năm sáu chục người mỗi chuyến. Vì thế, việc đưa bộ đội qua sông được tiến hành rất nhanh gọn, chỉ quá nửa đêm 18/2 Trung đoàn Thủ đô đã sang đến đất Phúc Yên an toàn tuyệt đối.

Sáng 19/2/1947, khi những chiến sĩ cuối cùng sang sông thì cũng là lúc thực dân Pháp huy động thủy - lục - không quân lên Tàm Xá hòng tiêu diệt Trung đoàn. Chúng điên cuồng nã đại bác và thả quân truy sát theo đoàn quân về tận hai làng Tàm Xá và Tứ Tổng. Đội trưởng Nguyễn Ngọc Nại phân công 2 đội viên nhanh chóng đưa nốt các chiến sĩ của Trung đoàn sang sông, còn anh và 7 đội viên ở lại bến Dâu - Tàm Xá chiến đấu.

Các chiến sĩ Đội Liên lạc đã chiến đấu quyết liệt với kẻ thù, thu hút hỏa lực địch về phía mình, kìm chân địch để đoàn quân vượt sông an toàn. Ông Đỗ Văn Túc là một trong hai người của Đội còn sống kể lại rằng “đồng chí Nại chỉ đạo phải để địch tiến giáp lá cà mới được bắn vì đạn của ta ít, không được phung phí”.

Trong cuộc chiến đấu không cân sức ấy, cả tám chiến sĩ anh dũng hy sinh sau khi đã bắn hết đạn, ném hết lựu đạn. Cũng theo ông Túc, Đội trưởng Nguyễn Ngọc Nại và 7 đội viên Đội Liên lạc còn bị “… bọn ác ôn bắn nát người, mặt, xé rách quần áo, trên cổ mỗi người đã hy sinh đều có một vết cắt sâu… chúng tôi chỉ nhận ra mỗi người qua hình dáng…”

Sáng sớm hôm đó, 19/2/1947, quân Pháp đã tấn công cả đường thủy lẫn đường bộ vào khu B làng Tứ Tổng ở bãi giữa sông Hồng (nay là phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội). Tại đây, chúng đã gây ra một cuộc thảm sát, thiêu trụi 196 ngôi nhà, phá sập đình Vạn và đình Xuyên, đập nát 44 chiếc thuyền, 27 người bị giết và 70 người bị bắt khi thực dân Pháp phát hiện người dân nơi đây đã trực tiếp đưa toàn bộ Trung đoàn Thủ đô vượt sông.

Khoảng 11h trưa, địch rút về phía Hà Nội.

Từ đó, ngày 19/2 (29 tháng Giêng âm lịch) là ngày giỗ của Đội trưởng Nguyễn Ngọc Nại và 7 đội viên Đội liên lạc Hồng Hà, đồng thời là ngày “giỗ trận”, giỗ chung của 27 người dân làng Tứ Tổng. Đây cũng là dịp mỗi người dân trong làng, nhất là thế hệ trẻ nhớ về truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường của thế hệ đi trước.

Những ngôi mộ của các đội viên Đội Liên lạc Hồng Hà

Ngay khi Nguyễn Ngọc Nại hy sinh, gia đình ông và xóm làng đã tận tay chôn cất ông và 7 người đồng đội ở bờ sông. Đến năm 1954, hòa bình lập lại, gia đình quay lại bờ sông tìm 8 phần mộ thì không thấy nữa. Sau này mới biết người dân Xuân Canh đã cẩn thận chuyển 8 ngôi vào phía trong vì sợ đất lở, nhưng vì không có bia nên họ không biết lai lịch của những ngôi mộ này, chỉ biết là chiến sĩ tự vệ của ta.

Đội Liên lạc Nguyễn Ngọc Nại với cuộc rút lui thần kỳ của Trung đoàn Thủ đô - 3

Đến năm 1991, khi xây nghĩa trang liệt sĩ, UBND xã Xuân Canh đã quy tập luôn 8 ngôi mộ liệt sĩ vô danh vào đây. Năm 1997, nghĩa là đúng 50 năm kể từ khi Đội liên lạc đặc biệt Nguyễn Ngọc Nại ngã xuống, các phần mộ được gia đình và quê hương Ngọc Thụy tìm lại được. Từ đó 8 ngôi nằm song song thành 2 hàng vẫn tại Nghĩa trang Xuân Canh, nhưng phía trên có tấm bia chung ghi: Đội liên lạc đặc biệt Nguyễn Ngọc Nại, vì không ai biết ngôi mộ nào là của ai.

Đến ngày 18/3/2009, khi Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác (Chủ nhiệm bộ môn Cận tâm lý VN) cùng với hai nhà ngoại cảm đã xác định danh phận của 8 ngôi mộ đặc biệt trong nghĩa trang xã Xuân Canh sau hơn 60 năm.

Giờ đây, 8 ngôi mộ trong nghĩa trang liệt sĩ xã Xuân Canh, ngoài một tấm bia chung phía trên, ghi tên Đội liên lạc đặc biệt Nguyễn Ngọc Nại, còn có 8 tấm bia trên 8 ngôi mộ nằm thành 2 hàng song song với những dòng tên trang trọng: Anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nại và các liệt sĩ sau đây:

1- Nguyễn Ngọc Nại

2- Nguyễn Công Lực

3- Nguyễn Công Quảng

4- Nguyễn Như Văn

5- Ngô Chí Thông

6- Nguyễn Ngọc Dung

7- Ngô Đăng Mão

8- Nguyễn Văn Hát (hiện vẫn chưa tìm thấy thân nhân).

Các Anh đã trở thành Phúc Thần linh thiêng của cả Phúc Xá và Xuân Canh.

Hai đội viên được Đội trưởng giao nhiệm vụ nhanh chóng dẫn nốt số anh em Trung đoàn ra bến đò đến làng Dâu, còn sống sót là ông Đỗ Văn Túc và bà Nguyễn Thị Chén.

Năm 1996, Đội liên lạc và Đội trưởng Nguyễn Ngọc Nại, một đảng viên Cộng sản mới 18 tuổi đời (theo hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Chiến đấu trong vòng vây) được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; bảy đội viên được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Một đường phố ở Hà Nội đã được mang tên Nguyễn Ngọc Nại - đường phố này ở quận Thanh Xuân, song song với phố Hoàng Văn Thái và vuông góc với phố Vương Thừa Vũ.

Phạm Thúy Loan (tổng hợp)