1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Đòi hỏi khách quan từ cuộc sống người lao động

Trả lời báo chí vì sao Tổng LĐLĐVN đề nghị mức lương tối thiểu vùng I của người lao động vào năm 2015 phải ở mức 3,4 triệu đồng/người/tháng, Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng phân tích ngắn gọn, thu nhập của người lao động còn thấp nhưng giá cả tăng, làm cho tiền lương thực tế giảm. Trong khi tiền lương tối thiểu vùng chưa đạt mức nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Tiền lương chưa đạt mức nhu cầu sống tối thiểu là một thực tế khách quan. Cho nên, đề nghị nâng mức lương tối thiểu không chỉ là công việc của tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động, mà còn là đòi hỏi khách quan của cuộc sống.

Mức lương tối thiểu được đề xuất không phải là con số cảm tính mà có cơ sở khoa học. Một con người sống phải được đáp ứng những nhu cầu thiết yếu ở mức tối thiểu mới là con người.

Chỉ với chuyện ăn uống, người lao động trong các nhà máy, khu công nghiệp đã không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Đây là một thực tế đau lòng, một thực tế cay đắng, một thực tế không thể chấp nhận.

Và nữa, cuộc sống không chỉ là cơm ăn, áo mặc mà còn những chi tiêu khi ốm đau, con cái học hành, cha mẹ họ hàng, quan hôn tang tế, tín ngưỡng. Chính những nhu cầu văn hóa, giao tiếp, quan hệ họ hàng, tín ngưỡng tôn giáo đó mới làm nên con người.

Nhưng liệu con người ta có sống được đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo đó không khi cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc.

Để biết công nhân có đủ ăn đủ mặc hay không quá dễ. Các nhà làm chính sách chịu khó vào quán vỉa hè ăn một bát phở rẻ tiền nhất, vào chợ chiều mua một bó rau dạt cũng đủ tính ra ngay mỗi tháng một người cần bao nhiêu tiền cho thực phẩm (chỉ thực phẩm thôi).

Tính rồi sẽ thấy số tiền lương mà người lao động nhận được không biết chia cách nào cho đủ tròn 30 ngày với 90 bữa ăn. Trong khi đó, giá sinh hoạt tăng từng năm làm cho đồng tiền vốn rất ít ỏi trong túi của người lao động bị “mất cắp” mà tên trộm bị bắt quả tang có tên “tăng giá” vẫn không bị khởi tố. Người nghèo chỉ biết ngửa mặt lên trời than thở với cao xanh.

Công nhân trong các nhà máy và đa số người lao động chỉ sống bằng đồng lương, không có bất kỳ một “lợi ích” nào khác. Họ không có một chiếc “phong bì” như những người khác có, mà đôi khi lại phải gửi “phong bì” cho người khác nữa mới là điều tội nghiệp. Cho nên, nâng thêm vài trăm ngàn đồng tiền lương mỗi tháng là việc tối thiểu phải làm.

Tăng thêm vài trăm ngàn đồng tiền lương cho người lao động không phải chỉ cho riêng họ mà cho toàn xã hội, cho thế hệ con cháu mai sau. Bởi vì, đã có những công bố nhức nhối rằng, công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp thiếu ăn đến nỗi cơ bắp bị bào mòn, teo tóp, năng lượng dự trữ bị khai thác hết. Sự suy kiệt của họ sẽ ảnh hưởng đến thế hệ con cái.

Theo Lê Thanh Phong

Lao Động