Đổi hộ khẩu cho người Hà Nội “mới” trong 1 năm
(Dân trí) - Từ sáng nay, 10/10, CATP Hà Nội thực hiện kiểm tra tổng kiểm tra hộ khẩu trên toàn thành phố. Đây đợt kiểm tra có ý nghĩa đặc biệt sau khi Hà Nội vừa mở rộng.
Trao đổi với Dân trí, thượng tá Phạm Văn Phấn - Phó trưởng phòng quản lý hành chính về TTXH - CATP Hà Nội, cho biết: Đợt tổng kiểm tra dự kiến kéo dài đến 30/10, sẽ chú trọng rà soát tại các trường ĐH, CĐ, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị mới, khu vực giáp ranh phức tạp về an ninh trật tự, người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang công tác, học tập, thăm người thân...
Khu vực Hà Nội trước đây khoảng 6 triệu người nhưng nay, đợt kiểm tra lần này sẽ có được con số chính xác hơn của Hà Nội “mới”, xác định được bộ phận dân cư thường trú là bao nhiêu, tạm trú, lưu trú là bao nhiêu. Đặc biệt là xác định thành phần tạm trú tại Hà Nội sinh sống như thế nào, thuê nhà, ở nhờ hay làm ngành nghề gì…
Có thông tin rằng công an Hà Nội sẽ phải mất 5 năm mới có thể hoàn tất việc đổi hộ khẩu cho dân cư Hà Nội mở rộng?
Tất cả những nhân khẩu có hộ khẩu tại Hà Tây cũ, 4 xã của huyện Lương Sơn, huyện Mê Linh vừa nhập về Hà Nội ... đều phải chỉnh lại hộ khẩu theo địa giới hành chính mới. Theo đó, có 650 ngàn quyển hộ khẩu tương đương với 650 ngàn hộ dân cần đính chính lại. Với tốc độ hiện nay thì dự kiến mất chừng 2 năm. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của lãnh đạo công an thành phố sẽ phấn đấu hoàn thành trong vòng 1 năm. Tất cả sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân của người Hà Tây (cũ) cũng như những địa phương nhập về Hà Nội trong thời gian chờ cấp đổi vẫn có giá trị giao dịch bình thường.
Theo Luật cư trú, khi Hà Tây, Mê Linh… chưa về Hà Nội, việc đăng ký hộ khẩu thuộc thẩm quyền cấp phường, xã. Nhưng nay đã nhập về Hà Nội, việc đăng ký hộ khẩu thuộc thẩm quyền cấp quận, huyện. Việc chuyển đổi này đòi hỏi một khoảng thời gian nhất định. Công an TP đã báo cáo Bộ Công an và được cho phép đến 1/1/2009 mới chuyển toàn bộ việc đăng ký hộ khẩu thường trú lên quận huyện, trong thời gian đó, công an xã vẫn làm công tác đăng ký.
Nhiều người có hộ khẩu tại Hà Nội, chuyển sinh sống sang quận khác nhưng không cắt khẩu, khai báo. Những trường hợp này thì xử lý ra sao, thưa ông?
Theo quy định của pháp luật thì những trường hợp đăng ký hộ khẩu một nơi nhưng chuyển đi nơi khác sinh sống, sau 2 năm phải làm thủ tục chuyển sang nơi mới. Hiện nay cũng chưa có một chế tài xử lý các trường hợp không chịu chuyển.
Nếu trước đây, một người dân đi khỏi nơi cư trú một thời gian mà không khai báo, sau khi bị nhắc nhở mà không chấp hành thì công an được “cắt treo”. Bây giờ theo quy định mới, trong trường hợp nếu không có quyết định nhận về nơi mới thì nơi cũ không được cắt. Và chỉ khi có thông báo rằng đã mất tích hoặc đã chết hoặc định cư ở nước ngoài mới được áp dụng biện pháp này.
Theo phản ánh của dư luận, tại những khu vực có đông sinh viên, công nhân ở trọ, các chủ nhà trọ thường ngại việc khai báo tạm trú tạm vắng?
Hiện nay công an thành phố cũng đề ra một số biện pháp để tăng cường quản lý công tác tạm trú, tạm vắng với các đối tượng này nhưng còn gặp phải rất nhiều khó khăn. Giới sinh viên, công nhân trọ học hay biến động về chỗ ở do đặc thù muốn ở gần trường hoặc vì có chỗ thuê rẻ hơn, muốn gần bạn bè... nên biện pháp chủ yếu vẫn là đến đâu thì quản lý đến đó.
Trên thực tế, vẫn có những trường hợp người dân sai phạm trong đăng ký hộ khẩu, thường trú tạm trú nhưng vẫn tái phạm. Phải chăng chế tài xử phạt của chúng ta chưa nghiêm, thưa ông?
Đúng là chế tài xử phạt hành chính hiện nay là quá nhẹ, chủ yếu vẫn là nhắc nhở. Những người cố tình không chấp hành, để nhắc nhở nhiều lần thì bị xử phạt hành chính...
Vậy phải chăng đã đến lúc cần thay đổi cách quản lý thay vì quản lý hộ khẩu như hiện nay?
Quan điểm về quản lý dân cư thì rất nhiều, thậm chí có nhiều so sánh giữa Việt Nam với thế giới. Nhưng cần phải khẳng định rằng: quản lý dân cư mỗi nơi một khác và phải tùy theo trình độ kỹ thuật, dân trí. Hiện đại hóa công tác quản lý dân cư là mục tiêu tất yếu nhưng với Việt Nam cần có lộ trình. Hiện Bộ Công an cũng có chủ trương việc hiện đại hóa công tác này nhưng dần từng bước.
Xin cảm ơn ông!
Phúc Hưng